Vì trọng tài mắc quá nhiều sai lầm. Không ai tin họ nữa. Vì công lý trên sân cỏ không được đảm bảo, các đội bóng phải tự tìm cách bảo vệ mình.
1. Vòng 9 V-League, sân Hàng Đẫy, trọng tài Hiền Triết từ chối bàn thắng rõ ràng của Hà Nội T&T trong cuộc đối đầu với Hải Phòng. Trong tình huống ấy, bóng đã vào lưới sâu tới nửa mét.
Cũng tại vòng 9, sân Thanh Hóa, Pape Omar Fayer ngã ngoài vòng cấm gần 2 mét nhưng trọng tài vẫn cho FLC Thanh Hóa hưởng phạt đền. Sông Lam Nghệ An mất oan 2 điểm vì quyết định ấy.
Đến vòng 15, Diao xử lý bằng tay trước khi chuyền bóng cho Đinh Thanh Trung ghi bàn vào lưới Thanh Hóa. Có bàn thắng ấy, QNK Quảng Nam mới hòa được 4-4. Tới lượt Thanh Hóa bị tước mất chiến thắng.
Đó chỉ là ba tình huống điển hình trong hàng loạt sai lầm của trọng tài ở V-League 2016 này. Điều đáng chú ý: những sai lầm của trọng tài tại V-League mùa này đều tới trong các thời điểm nhạy cảm, đều làm thay đổi tỷ số trận đấu, đều tác động tới kết quả trận và cục diện giải.
Nói như Chủ tịch Trần Mạnh Hùng của Hải Phòng: “Tôi nghĩ các sai lầm này không phải lỗi nhận định. Tôi tin nhiều trọng tài cố tình làm sai lệch kết quả trận đấu.”
2. Người ta thường gọi trọng tài là “Vua áo đen”. Quyết định của trọng tài trên sân là quyết định tuyệt đối, không thể thay đổi và không được phép tranh cãi. Nguyên tắc ấy do FIFA tạo lập dựa trên niềm tin tuyệt đối vào sự liêm chính và trung thực của trọng tài.
Khi các sai lầm liên tục xuất hiện, khi các đội bóng không còn tin vào sự trung thực ấy, trọng tài - biểu tượng cho công lý và lẽ phải trên sân cỏ, đang bị nghi ngờ.
Mà không nghi ngờ không được. Thống kê nói rằng các sai lầm của trọng tài tăng mạnh vào dịp EURO 2016 - tức là thời điểm hoạt động mạnh của các hoạt động cá cược phi pháp. Thống kê nói rằng sai lầm xuất hiện nhiều hơn ở những trận đấu không được truyền hình trực tiếp - tức là không có bằng chứng nào để xử lý sau này. Thống kê cũng khẳng định càng là những trận cầu quyết định ở cuối bảng và đầu bảng, càng có khả năng sai lầm xảy ra.
Đội bóng nào cũng phải đối mặt với điều đó. Ai cũng có thể trở thành nạn nhân của "sai lầm trọng tài," từ đội bóng nhà giàu như Hà Nội T&T, đại gia như FLC Thanh Hóa, tới đội nhỏ như Đồng Tháp, Hoàng Anh Gia Lai, Hải Phòng.
3. Vì trọng tài mắc quá nhiều sai lầm. Không ai tin họ nữa. Vì công lý trên sân cỏ không được đảm bảo, các đội bóng phải tự tìm cách bảo vệ mình. Và họ đã chọn cách xù lông lên.
Sông Lam Nghệ An kiên quyết chỉ trích trọng tài Hà Anh Chiến, buộc VPF phải gửi công văn xin lỗi. Giám đốc Lê Thụy Hải của Thanh Hóa tố trọng tài đến mức bị kỷ luật. Hải Phòng đòi xem lại băng hình kỹ thuật dù bàn thắng mà trọng tài công nhận hoàn toàn hợp lệ.
Vì không ai tin ai nên chỉ cần một mồi lửa đốt lên, một sai lầm rất nhỏ, đội bóng nào cũng sẵn sàng xù lông. Tất cả đều bị ám ảnh rằng trọng tài có thể sai lầm, rằng đội bóng của mình có thể bị xử ép, rằng họ có thể chịu thiệt vì những tiếng còi méo. Không khí căng thẳng ấy bao trùm cả giải đấu. Nó khiến mỗi trận đấu diễn ra trong sự lo lắng và ức chế cho tất cả các bên. Các đội bóng không thể tập trung thi đấu còn những trọng tài liêm khiết luôn căng thẳng trong từng quyết định.
Hơn một thập kỷ lên chuyên nghiệp, các nhà tổ chức giải vẫn bất lực trong việc đơn giản nhất: khiến các đội bóng tin tưởng vào trọng tài.
Mà hình như, họ cũng không có ý định làm điều đó. Trước mùa 2016, trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi được bổ nhiệm làm Phó ban tổ chức giải, vừa là người làm giải, vừa là người giám sát. Trong mùa 2016, V-League sử dụng lại một loạt trọng tài từng dính tiêu cực trong quá khứ. Đội ngũ trọng tài không có nhiều thay đổi, nhiều trọng tài trẻ không được tạo cơ hội. Quanh đi quẩn lại, vẫn là những cái tên cũ, vẫn là những mối nghi ngờ xưa.
Làm việc như thế, các đội bóng tin thế nào được? Hành động như thế, giải đấu làm sao tiến lên được?
Khi V-League trở lại vào cuối tuần này, không biết ai sẽ tiếp tục là nạn nhân của những vị vua sân cỏ?/.
Phải cải thiện trình độ trọng tàiGần như chắc chắn, V-League sẽ lại có trọng tài ngoại trong mùa giải 2016. VPF tin rằng đây là giải pháp tình thế tốt nhất để xử lý các trận đấu vào cuối mùa. Nhưng như nhiều chuyên gia đã khẳng định, đây không phải là một giải pháp lâu dài.
Giải pháp lâu dài cho V-League phải là nâng cao trình độ trọng tài và nâng cao trình độ tổ chức giải. Có như thế, V-League mới trở thành một môi trường trong sạch và phát triển dài hạn.