Vắcxin phòng COVID tiếp tục được phân phối trên thế giới

Trong bối cảnh các ca nhiễm vẫn không ngừng tăng, các quốc gia đang tăng cường phân phối vắcxin với hy vọng có thể đầy lùi được dịch COVID-19.
Vắcxin ngừa COVID-19 của AstraZeneca/Đại học Oxford. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 31/12, Ngoại trưởng Indonesia, bà Retno Marsudi thông báo nước này đã tiếp nhận thêm 1,8 triệu liều vắcxin do hãng Sinovac của Trung Quốc sản xuất ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tại cuộc họp báo trực tuyến, Ngoại trưởng Retno cho biết tính đến nay Indonesia đã có tổng cộng 3 triệu liều vắcxin Sinovac, trong đó 1,2 triệu liều đầu tiên đã được nhà sản xuất chuyển đến hôm 6/12.

Sau khi được vận chuyển tới Indonesia, lô vắcxin thứ hai này của hãng Sinovac Biotech sẽ được chuyển đến nhà kho của công ty PT Bio Farma (Persero) ở huyện Bandung, tỉnh Tây Java, và được bảo quản theo các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Theo bà Retno, ngoài vắcxin thành phẩm, sắp tới chính phủ Indonesia sẽ nhập 15 triệu liều vắcxin Sinovac dạng gói lớn hoặc nguyên liệu rời về chế biến tại Bio Farma. Bên cạnh đó, Indonesia cũng tìm kiếm các hợp đồng cung ứng vắcxin từ các đối tác khác.

Indonesia đã ký kết hợp đồng mua 50 triệu liều vắcxin của hãng Novavax (Mỹ), 50 triệu liều của AstraZeneca (Anh), và đang đàm phán tích cực với các nhà sản xuất Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức.

[Nhộn nhịp giao dịch vắcxin chống COVID-19 tại Nam Mỹ]

Ngoại trưởng Indonesia cũng cho biết, Chính phủ Indonesia đã lên kế hoạch bắt đầu triển khai tiêm vắcxin ngừa COVID-19 vào tháng 1/2021, đồng thời hy vọng rằng tất cả các bên liên quan sẽ nỗ lực phối hợp nhằm đẩy nhanh chương trình tiêm chủng song không bỏ qua vấn đề chất lượng và an toàn vắcxin.

Tính đến ngày 30/12, Indonesia ghi nhận tổng cộng 727.000 ca nhiễm COVID-19, trong đó 21.700 trường hợp tử vong, cao nhất khu vực châu Á.

Cùng ngày 30/12, một số quốc gia Nam Mỹ thông báo tiếp nhận vắcxin ngừa COVID-19. Cụ thể, Tổng thống Colombia Iván Duque cho biết đã hoàn thành đàm phán với Janssen – công ty con của hãng Johnson & Johnson - để mua 9 triệu liều vắcxin Ad26 ngừa COVID-19.

Như vậy, Colombia sẽ chi 29 triệu Euro để mua vắcxin ngừa COVID-19 của các hãng dược phẩm nước ngoài bao gồm các công ty Pfizer (Mỹ), AstraZéneca (Anh) và Cơ chế tiếp cận vắcxin toàn cầu (COVAX) - sáng kiến do Tổ chức Y tế thế giới khởi xướng để đảm bảo quyền tiếp cận công bằng với vắcxin dành cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Tại Costa Rica, quyền Giám đốc Hậu cần của Quỹ an sinh xã hội (CCSS) của nước này, Esteban Vega thông báo đã nhận lô vắcxin ngừa COVID-19 thứ 2 của công ty dược phẩm Pfizer-BioNTech gồm gồm 11.700 liều, đủ cho 5.850 người (mỗi người 2 liều).

Pfizer-BioNTech đã ký hợp đồng cung cấp hơn 3 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 cho Costa Rica và đã giao 9.750 liều tuần trước.

Ngoài Pfizer-BioNTech, quốc gia 5 triệu dân này cũng ký hợp đồng mua 1 triệu liều vắcxin của AstraZeneca-Oxford và 2 triệu liều vắcxin của COVAX.

Trong khi đó, lo ngại làn sóng thứ hai của COVID-19, Thủ tướng Peru Violeta Bermúdez, tuyên bố kéo dài lệnh giới nghiêm đến ngày 17/1 tới. Theo đó, 13 trong số 25 khu vực ở quốc gia này sẽ áp dụng giới nghiêm từ 10 giờ tối hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau. Ngoài ra, Peru cũng cấm tổ chức các lễ hội Tết cổ truyền và cảnh báo sẽ phạt tù những người vi phạm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục