Vấn đề đảm bảo lương thực cho trẻ em tại Mỹ trong mùa dịch bệnh

Theo báo cáo của Viện Brookings, kết quả khảo sát cho thấy 17,4% số bà mẹ ở Mỹ có con dưới 12 tuổi cho biết họ không có đủ tiền để mua thức ăn cho con.
Ảnh minh họa. (Nguồn: peoplesworld)

Gần 20% số trẻ em ở Mỹ không được cung cấp đủ lương thực kể từ khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát.

Đây là kết quả cuộc khảo sát do Viện nghiên cứu Brookings của Mỹ thực hiện và công bố ngày 6/5.

Theo báo cáo của Viện Brookings, kết quả khảo sát cho thấy 17,4% số bà mẹ ở Mỹ có con dưới 12 tuổi cho biết họ không có đủ tiền để mua thức ăn cho con.

Chuyên gia Lauren Bauer, Trưởng nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh: "Rõ ràng là trẻ em đang phải trải qua tình trạng mất an ninh lương thực chưa từng có trong thời hiện đại."

Bà cho biết tỷ lệ mất an ninh lương thực ở các hộ gia đình Mỹ có con dưới 18 tuổi đã tăng khoảng 130% so với năm 2018. Nhiều bà nội trợ đã phải giảm khẩu phần ăn trong gia đình.

Theo chuyên gia trên, các chương trình bữa ăn học đường bị gián đoạn do dịch COVID-19 có thể là một trong các nguyên nhân.

[''Dịch COVID-19 tàn phá nước Mỹ nặng nề hơn chiến tranh và khủng bố'']

Ngoài ra, việc nhiều gia đình không tới nhận thực phẩm miễn phí tại các điểm phân phát hoặc tình trạng tranh giành đồ ăn ở những gia đình có nhiều trẻ lớn cũng khiến nhiều trẻ em không được ăn đủ mức cần thiết.

Bà Bauer nhấn mạnh kết quả cuộc khảo sát trên cho thấy hậu quả của đại dịch COVID-19 là "đáng báo động" và nghiêm trọng hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Trước tình hình này, bà kêu gọi chính phủ tăng cường các chương trình đảm bảo an ninh lương thực và tăng mức hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng dịch bệnh.

Theo các số liệu thống kê, ít nhất 30 triệu người Mỹ đã bị mất việc kể từ khi nước này đóng cửa các hoạt động kinh tế để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.

Tính đến thời điểm hiện tại, số ca mắc COVID-19 ở Mỹ hiện là hơn 1,2 triệu người, trong khi số ca tử vong là hơn 74.000 người.

Các chuyên gia phân tích lo ngại những tác động của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế đầu tàu thế giới có thể kéo dài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục