Vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài vào tỉnh Thanh Hóa

Thanh Hóa được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam xếp trong tốp đầu cả nước về thu hút nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài, với gần 79 triệu USD trong 10 năm qua.
Nông nghiệp là một trong lĩnh vực thu hút nguồn viện trợ phi chính phủ của tỉnh Thanh Hóa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 27/6, tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị xúc tiến, vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài vào tỉnh Thanh Hóa năm 2018.

Hội nghị nhằm tăng cường hợp tác với các nhà tài trợ, kêu gọi vận động thêm các chương trình dự án phi chính phủ nước ngoài, giúp nhân dân các khu vực nghèo, khó khăn cho tỉnh Thanh Hóa.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa Lê Thị Thìn cho biết, Thanh Hóa là tỉnh nằm ở cửa ngõ giao lưu giữa Bắc bộ và Trung bộ của Việt Nam; có hệ thống giao thông thuận lợi và đa dạng với đầy đủ các loại hình gồm: Đường sắt, đường bộ, đường thủy và hàng không. Là một tỉnh nghèo, nguồn nội lực trong tỉnh còn hạn chế,

Thanh Hóa luôn coi trọng tăng cường hoạt động kinh tế đối ngoại để thu hút nguồn lực quốc tế; trong đó chú trọng tập trung các hoạt động kêu gọi đầu tư nước ngoài (FDI), hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và viện trợ phi chính phủ nước ngoài (NGO). Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 84 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 13.981 triệu USD.

Đối với lĩnh vực viện trợ phi chính phủ nước ngoài, bà Lê Thị Thìn cho biết, địa bàn Thanh Hóa đã thu được nhiều kết quả khả quan, được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam xếp trong tốp đầu cả nước.

Công tác quản lý viện trợ Phi chính phủ nước ngoài vừa đảm bảo chặt chẽ, vừa thông thoáng, nhanh gọn, tập trung một đầu mối, được các tổ chức Phi chính phủ nước ngoài đánh giá cao. Tổng giá trị viện trợ Phi chính phủ nước ngoài thực hiện trên địa bàn tỉnh trong 10 năm trở lại đây đạt 78,96 triệu USD; được triển khai thực hiện thông qua hơn 300 chương trình, dự án; trung bình mỗi năm giá trị giải ngân đạt 7,9 triệu USD; giá trị giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 3,5 triệu USD.

Các dự án được thực hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: nông nghiệp, phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo, nâng cao năng lực cho người dân; y tế, giáo dục, giải quyết các vấn đề xã hội; bảo vệ môi trường, phòng tránh giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu...

[Việt Nam khẳng định quan điểm sử dụng hợp lý nguồn vốn vay ODA]

Đây là những chương trình, dự án có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương. Trong đó, các chương trình viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả, được nhân rộng ra nhiều địa phương.

Đó là mô hình phát triển sinh kế, mô hình giảng dạy lấy trẻ em làm trung tâm của tổ chức Tầm nhìn thế giới tại 7 huyện miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh; mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau của tổ chức Help-Age…

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đề nghị các tổ chức phi chính phủ nước ngoài ở Việt Nam tăng cường hợp tác, giúp tỉnh Thanh Hoá thực hiện thành công công cuộc xoá đói giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa sẽ quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh, tạo mọi điều kiện để các tổ chức xây dựng và triển khai các chương trình dự án thuận lợi nhất.

Ông Phan Anh Sơn, Trưởng Ban Điều phối viện trợ nhân dân (Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam) cho biết, cùng với những chủ trương, chính sách, chương trình phát triển kinh tế, xã hội của Đảng và Chính phủ trong những năm vừa qua, Chương trình quốc gia về xúc tiến vận động viện trợ giai đoạn 2013-2017 do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam chủ trì, soạn thảo đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào năm 2013.

Trong hơn 5 năm vừa qua, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cùng các bộ, ngành Trung ương, địa phương, các đối tác khác đã tích cực phối hợp và triển khai có hiệu quả Chương trình này. Hiện nay, chương trình khung cho giai đoạn 2017-2022 đã được xây dựng theo hướng thiết thực, phù hợp với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, dễ triển khai và thích ứng với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các ngành, địa phương.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Thanh Hóa, những khó khăn, nhu cầu thu hút đầu tư, viện trợ của địa phương này; ý kiến phát biểu, đề xuất của các đại biểu, tổ chức quốc tế, các cơ quan Trung ương, địa phương.

Nhân dịp này, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cùng một số đối tác nước ngoài đã ký kết các Biên bản ghi nhớ và trao Quyết định phê duyệt dự án viện trợ Phi chính phủ nước ngoài của tỉnh Thanh Hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục