Vận động viên với nỗi lo kinh tế chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Nhâm Dần

Trong hai năm qua với ảnh hưởng từ dịch COVID-19, nhiều giải đấu bị hoãn hoặc hủy khiến vận động viên ngày càng khó khăn hơn cho việc chăm lo dịp Tết Nguyên đán.
Đa số vận động viên thể thao đang phải gồng mình để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Khái niệm “thưởng Tết” trở nên xa vời với vận động viên thể thao Việt Nam không phải câu chuyện mới. Từ nhiều năm nay, đây vẫn luôn là vấn đề “nóng” của ngành thể thao. 

Ngân sách ngành thể thao được cấp hằng năm nhằm chi trả tiền công, tiền ăn và các chế độ khác cho vận động viên chứ không gồm mục thưởng tết hay tháng lương thứ 13. Bởi vậy, vận động viên hay huấn luyện viên của các đội tuyển quốc gia hoàn toàn không được nhận khoản nào từ ngân sách để chi cho tiền thưởng tết. 

Những năm trước, đa phần vận động viên thành tích cao đều trông vào tiền thưởng từ các giải đấu trong nước và quốc tế để “liệu cơm gắp mắm” cho dịp Tết Nguyên đán. Trong những năm gồm nhiều sự kiện lớn như SEA Games, nguồn thu này có thể được cải thiện và “đậm đà” hơn cho mỗi dịp cuối năm. 

Tuy nhiên, trong hai năm qua với ảnh hưởng từ dịch COVID-19, nhiều giải đấu bị hoãn hoặc hủy khiến mọi thứ thay đổi. Vận động viên ngày càng khó khăn hơn cho việc chăm lo dịp Tết Nguyên đán. 

Tiền tiết kiệm dần cạn 

Năm 2020, trước làn sóng ảnh hưởng bởi COVID-19, vận động viên đã phải đối mặt khó khăn song phần nào xoay sở được nhờ khoản tiền ít ỏi từ những giải đấu trong nước vẫn được tổ chức. Bên cạnh đó, số ít người lo được nhờ vào khoản tiền tiết kiệm hoặc dư ra từ phần thưởng dồi dào trong năm 2019 do có sự kiện lớn SEA Games. 

Kết thúc năm 2020, huấn luyện viên Trương Minh Sang ở đội tuyển Thể dục dụng cụ từng cho biết: “Khoản tiền thưởng từ các giải quốc gia không cao nhưng cũng giúp vận động viên có thêm thu nhập. Mọi người đều hiểu trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành, một đồng cũng quý. Hy vọng sang năm tình hình dịch bệnh được kiểm soát để SEA Games 31 diễn ra bình thường. Nếu không như vậy, vận động viên lại thêm một cái Tết nghèo.”

Đây cũng là tâm lý chung của nhiều vận động viên, huấn luyện viên sau khi kết thúc năm đầu tiên đối mặt với dịch bệnh COVID-19. Tất cả mong chờ năm 2021 khởi sắc hơn khi dịch bệnh ngày một được kiểm soát. 

Các giải đấu lớn như SEA Games bị hoãn lại trong năm 2021 khiến vận động viên mất đi cơ hội có thêm thu nhập. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tuy nhiên, mọi chuyện diễn ra trong năm 2021 không đúng như kỳ vọng khi SEA Games 31 bị hoãn lại, các giải đấu quốc gia cũng phải chờ đợi qua từng đợt giãn cách xã hội để có thể được tổ chức. 

Giai đoạn cuối năm 2021 vừa qua, các giải đấu trong nước được diễn ra nhằm tạo bước đệm cho SEA Games 31 tổ chức vào đầu năm 2022. Nhờ đó, vận động viên thêm cơ hội cạnh tranh thành tích và có thêm thu nhập. 

Tuy nhiên, không phải cứ giành huy chương giải quốc gia là sẽ có khoản thưởng “đậm đà.” Mức thưởng ở các giải đấu này còn tùy thuộc vào điều kiện của các đơn vị địa phương.

Nhìn chung, với ảnh hưởng của dịch bệnh, các đơn vị địa phương không thể tăng khoản thưởng hoặc thậm chí phải cắt giảm. Bởi vậy, không phải vận động viên nào cũng có đủ tiền để yên tâm lo Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới. 

Năm 2021, thể thao Việt Nam tham dự sân chơi lớn nhất là Olympic Tokyo 2020. Tuy vậy, số lượng vận động tham dự giải đấu và có thêm nguồn tiền thưởng chỉ là phần ít trong số đông đảo vận động viên quốc gia gần như không có khoản thu nhập đáng kể trong năm qua.

Đây cũng là giải đấu không thực sự thành công nên nhiều vận động viên được kỳ vọng cũng không có được khoản tiền lớn vì chưa giành được huy chương. 

Khi phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đặt câu hỏi, rất ít người có thể mạnh dạn chia sẻ về khoản thu nhập đang có tại bộ môn thi đấu của mình. Tất cả đều chung thái độ u sầu cùng cầu trả lời có từ “ít ỏi.” Nhiều huấn luyện viên còn ví việc nhận “thưởng Tết” hoặc khoản tiền tương đối để chăm lo cho dịp cuối năm còn khó hơn cả giành Huy chương vàng Olympic.

Nguồn thu “trái ngành” hạn hẹp 

Câu chuyện vận động viên làm thêm để tăng khoản thu nhập không còn mới. Không ít người vừa tập luyện ở đội tuyển quốc gia vừa thêm ngành tay trái để có tiền trang trải cuộc sống gia đình và lo mỗi dịp lễ tết. 

Những năm trước, không ít vận động viên nhờ nguồn thu nhập “tay trái” đã có thể khỏa lấp đi sự thiếu thốn khi theo nghiệp thể thao. Các công việc như bán hàng trực tuyến, buôn bán nhỏ lẻ và dạy thêm môn thể thao đều mang về mức tiền tương tối. Thậm chí, không ít vận động viên có khoản lớn nhờ việc giành thành tích cao ở các giải đấu lớn do doanh nghiệp tổ chức. 

Dẫu vậy, khi đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lên mọi mặt của xã hội, những công việc làm thêm của vận động viên cũng liên tiếp gặp ảnh hưởng và không còn đem lại nguồn thu như trước. Từ đó, khó khăn thêm chồng chất. 

Song, không phải vận động viên nào cũng có thể làm thêm hoặc có công việc tay trái. 

Các giải đấu quốc gia trong năm 2021 chưa thể giúp vận động viên giảm tải nỗi lo tài chính để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Một nam vận động viên ở môn Pencak Silat cho biết, anh cùng đồng đội hoàn toàn không có công việc làm thêm bên ngoài và chỉ trông chờ vào khoản tiền có được từ thể thao. Hai năm qua, vận động viên này không thể ra nước ngoài thi đấu và chỉ có thể trông chờ vào giải đấu quốc gia năm 2021 khi có khả năng lớn giành Huy chương vàng đi kèm khoản thưởng 12 triệu đồng. 

Ở môn bóng đá, nơi có nền tảng tài chính ổn định và cao nhất trong ngành thể thao cũng đã phải chịu ảnh hưởng không nhỏ trong năm qua khi hàng loạt giải đấu như V-League bị hủy. 

Năm 2020, khoản thưởng cuối năm của các câu lạc bộ dành cho cầu thủ giảm đáng kể so với những năm trước. Sau năm 2021 đầy biến cố, mọi thứ sẽ còn tiếp tục đi xuống bởi các đội bóng bị ảnh hưởng đáng kể bởi nguồn thu. Trong năm qua, chính các cầu thủ cũng đã phải chịu cắt giảm lương và thưởng. 

Không thể phủ nhận rằng những năm qua, mức đãi ngộ dành cho vận động viên ngày một tốt lên. Tuy nhiên, đây vẫn là chủ đề “nóng” cần được gỡ rối hơn nữa, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19. 

Đẩy mạnh xã hội hóa được xem là một trong những giải pháp đầu tiên cho câu chuyện này. Từng bộ môn thể thao cần đẩy mạnh xã hội hóa, có nguồn tài chính từ các doanh nghiệp, qua đó vận động viên sẽ bớt bị thiệt thòi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục