Ngày 30/11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật-Giá trị và thực tiễn vận dụng ở Việt Nam."
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì hội thảo.
Tham dự Hội thảo có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, đại diện một số ban, bộ, ngành, các Ủy ban của Quốc hội, chuyên gia và các nhà khoa học.
Nhà nước thực sự của nhân dân
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ tư tưởng Hồ Chí Minh cùng chủ nghĩa Marx-Lenin là nền tảng tư tưởng của Đảng, Nhà nước, là thành tố quan trọng trong nền văn hóa Việt Nam đương đại.
Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật nói riêng nhận thấy đó là tư tưởng về Nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân với “thần linh pháp quyền” trên nền tảng Hiến pháp dân chủ và các đạo luật. Đó là tư tưởng về xây dựng hệ thống pháp luật chứa đựng những giá trị công bằng, nhân văn, chính nghĩa, vì nhân dân lao động và vì con người được thực thi nghiêm minh. Đó là tư tưởng về sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa pháp luật và đạo đức trong cầm quyền.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Đảng và Nhà nước đã quan tâm nghiên cứu, kế thừa, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật để lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa cùng hệ thống pháp luật phát triển toàn diện, dựa trên nền tảng Hiến pháp và các đạo luật.
Tuy nhiên, tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay đang đặt ra những yêu cầu mới trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Điều đó đòi hỏi công tác xây dựng và hoàn thiện bộ máy Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, phòng, chống tham nhũng cần có những bước phát triển vững chắc hơn.
Bối cảnh đó đã và đang đặt ra những nhu cầu cấp thiết tiếp tục nghiên cứu, nhận diện sâu sắc hơn nữa di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước về pháp luật cũng như đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn vận dụng tư tưởng của Người.
Hoàn thiện cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực Nhà nước
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về nguồn gốc hình thành, đặc trưng cơ bản và các yếu tố chi phối quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật; thực tiễn vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong 75 năm qua, nhất là trong 35 năm đổi mới; giải pháp vận dụng sâu sắc hơn tư tưởng của Người trong giai đoạn mới để công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trở thành nhân tố quan trọng hàng đầu thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong giai đoạn từ nay tới 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 như dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đang thể hiện...
Giáo sư, tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng Nhà nước và pháp luật Việt Nam do Hồ Chí Minh sáng lập, tổ chức và dày công xây dựng có một số đặc trưng cơ bản. Đó là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản với tư cách là Đảng cầm quyền, duy nhất cầm quyền ở Việt Nam.
Nhà nước và pháp luật Việt Nam là hình thức tổ chức và điều kiện đảm bảo cho nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Thực thi vai trò, sứ mệnh quản lý, Nhà nước phải thực hiện trách nhiệm quản lý toàn diện ứng với nội dung toàn diện của dân chủ và dân chủ hóa ở nước ta.
['Chính phủ phải nhận lỗi đầu tiên trong hệ thống xây dựng pháp luật']
Nếu dân chủ là linh hồn của Nhà nước, pháp luật tạo sinh khí của Nhà nước thì công chức là người thực hiện, thi hành công vụ Nhà nước mà mệnh lệnh tối cao là của dân, do dân kiểm soát. Đội ngũ công chức trong các tổ chức, cơ quan công quyền phải thạo chính trị, giỏi chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ, tận tụy mẫn cán với công việc, chức phận để làm tròn trách nhiệm, phục vụ dân.
Giáo sư, tiến sỹ Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh trong kho tàng lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Nhà nước, tư tưởng về kiểm soát quyền lực Nhà nước là một bộ phận quan trọng, tiêu biểu và đặc sắc nhất. Kinh nghiệm xây dựng Nhà nước kiểu mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo cùng thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hơn 30 năm qua chỉ ra rằng, phải không ngừng chăm lo xây dựng một chính quyền thuộc về nhân dân và nhân dân cũng như Nhà nước kiểm soát được quyền lực Nhà nước của mình.
Thời gian tới, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực Nhà nước, trong đó, sớm xây dựng một đạo luật về tổ chức, hoạt động giám sát, phản biện Nhà nước của nhân dân; phát huy mạnh mẽ vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc kiểm soát quyền lực Nhà nước; quy định trách nhiệm giải trình của các quan chức đứng đầu tổ chức Đảng, đứng đầu Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, chính quyền cấp xã, phường...
Xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, tiến bộ
Kết luận Hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn trân trọng, thấm nhuần, nỗ lực vận dụng sáng tạo những giá trị cốt lõi, nền tảng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật.
Chủ tịch Hồ Chí Minh có một hệ thống các quan điểm sâu sắc, toàn diện và tiến bộ về Nhà nước, pháp luật, làm nền tảng, kim chỉ nam cho thực tiễn vận dụng ở Việt Nam. Một trong những điểm xuất phát trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật chính là tư tưởng lấy dân làm gốc.
Về bộ máy Nhà nước, với lòng yêu nước thương dân vô hạn cùng trí tuệ thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thiết kế mô hình tổ chức bộ máy nhà nước rất đặc sắc thể hiện trong nội dung các bản Hiến pháp và các sắc lệnh, đạo luật.
Về vấn đề pháp luật và thực hiện pháp luật, với tinh thần thượng tôn pháp luật, “trăm điều phải có thần linh pháp quyền," Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực thi nghiêm minh pháp luật.
Theo Phó Thủ tướng, đất nước đang tích cực chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng để định ra Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội tới năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2045.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, sau Hội thảo này sớm công bố các kết quả nghiên cứu của Hội thảo để các tầng lớp cán bộ, nhân dân được tiếp cận một các đầy đủ, đồng thời xây dựng báo cáo kết quả Hội thảo gửi các cơ quan có thẩm quyền tham khảo trong công tác tham mưu, hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, xây dựng và thực thi pháp luật, tham gia hoàn thiện dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan chủ động nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và một hệ thống pháp luật dân chủ, tiến bộ, hoàn thiện theo đúng tư tưởng và ý nguyện của Người./.