Vì sao Cruyff là người ảnh hưởng lớn nhất tới bóng đá hiện đại

Vào ngày 24/3/2016, Johan Cruyff, 68 tuổi, đã ra đi bình yên ở Barcelona, trong vòng tay của gia đình sau một trận chiến kiên cường với căn bệnh ung thư.
Johan Cruyff qua đời ở tuổi 68 do căn bệnh ung thư, (Ảnh: Getty Images)

“Tôi đã dẫn 2-0 sau hiệp 1”, ngày 13/2/2016, Johan Cruyff mô tả với báo giới về cuộc chiến của mình với căn bệnh ung thư phổi. Nhưng sau cùng ông đã thua. Thua ngược sau khi dẫn 2-0. Đó là một trận thua đúng kiểu Cruyff.

Người đời sẽ còn nhớ mãi trận thua kinh điển nhất trong sự nghiệp sáng chói của huyền thoại người Hà Lan, chung kết World Cup 1974 gặp đội chủ nhà Tây Đức. Cruyff mất 57 giây để đi bóng qua một nửa đội hình Tây Đức, bị Berti Vogts phạm lỗi trong vòng cấm. Một Johan khác (Neeskens) bước lên chấm đá phạt đền, Hà Lan dẫn trước Tây Đức trong trận chung kết World Cup lần đầu tiên trong lịch sử quốc gia nhỏ bé này chỉ sau có 2 phút bóng lăn. Khác biệt là Cruyff chứ không phải hệ thống tổng lực (Total Football) vĩ đại của Rinus Michel.

Câu chuyện sau đó đã trở thành lịch sử, Hà Lan thua ngược 1-2, mất chức vô địch vào tay Tây Đức. Đã có hàng tá những kịch bản được dựng lên sau kết quả gần như phi lý này. Nhưng hợp lý nhất có lẽ là việc Hà Lan đã chia thành hai phe sau bàn dẫn trước quá sớm của Neeskens. Một phe muốn hủy diệt Tây Đức theo cách đã làm với Argentina hay Uruguay trước đó, một phe muốn giữ nguyên kết quả để chắc chắn chức vô địch. Cruyff dĩ nhiên thuộc phe thứ nhất, và Hà Lan thua cuộc khi không còn thực sự là một tập thể.

Trong cuộc chiến chống ung thư, Cruyff cũng đã như vậy. Ông “dẫn trước” chúng 2-0 sau hiệp 1, nhưng để lội ngược dòng sau cùng.

Song cũng giống với buổi chiều ảm đạm ngày nào tại sân Olympia, Cruyff đã thua nhưng những ảnh hưởng của ông tới phần còn lại sẽ không bao giờ có thể bị dập tắt. Hà Lan sau Cruyff trở thành một thế lực của bóng đá thế giới. Dù “dỗi” Liên đoàn Bóng đá Hà Lan sau đó tại World Cup 1978 và không tham dự, “Cơn lốc màu da cam” với những ảnh hưởng đậm nét của Cruyff vẫn lọt vào trận chung kết (lại thua một đội chủ nhà khác, Argentina). Chuyện sau này Hà Lan trở thành điều gì đó lớn lao như thế nào có lẽ không phải bàn thêm.

Ở cấp câu lạc bộ, Barcelona trước Cruyff giành được hai danh hiệu nào trong suốt 28 năm. 27 năm sau khi Cruyff rời khỏi Nou Camp (dưới tư cách cầu thủ, sau đó quay trở lại với tư cách huấn luyện viên), Barca giành 13 chức vô địch quốc gia cùng 5 chức vô địch Champions League. Với Cruyff, Barca từ gã khổng lồ xứ Catalunya trở thành gã khổng lồ của toàn thế giới.

“Chiến thắng một điều quan trọng. Nhưng phải có phong cách riêng, được sao chép, được ngưỡng mộ. Đó mới là món quà quý giá nhất.”

Đó là một trong những tôn chỉ của Cruyff. Và ông thành công hơn ai hết trong khía cạnh này. Mọi câu lạc bộ trên thế giới đều đang cố gắng sao chép lại thứ bóng đá của Cruyff, vì chúng quá thành công. Từ các đội tuyển quốc gia số một thế giới (Đức, Tây Ban Nha) cho tới những câu lạc bộ hàng đầu (Barca, Bayern Munich, Arsenal…), hay cả các tập thể ờ vùng trũng mà đội tuyển Việt Nam chính là ví dụ điển hình.

Tháp Maslow, một trong những công trình quan trọng nhất của tâm lý học chỉ ra rằng việc bộc lộ cái tôi cá nhân là nhu cầu cao nhất của con người. Với việc lên đỉnh cao với lối chơi đơn giản của mình, được tất cả sao chép, Cruyff đã đi lên đỉnh của thành công cá nhân trong môn thể thao được nhân loại chơi nhiều nhất, bóng đá.

Những người theo dõi, thần tượng, hiểu Cruyff có lẽ đều biết tuyên bố “Tôi dẫn trước 2-0 chỉ sau hiệp 1” của Cruyff chỉ là một lời nói dối trắng, song không ai trách ông, kiêu ngạo đã là thứ gì đó ăn vào máu của huyền thoại người Hà Lan. Đó cũng chính là thứ khiến ông trở thành người có ảnh hưởng lớn nhất tới bóng đá hiện tại.

Sau cùng, cá nhân người viết không muốn nói với Cruyff rằng Rest In Peace (An nghỉ trên thiên đường) như tất cả đã làm, mà thay vào đó sẽ là Rise In Peace (Rực sáng trên thiên đường), với bộ óc kinh điển của mình, ông xứng đáng được điều ấy.

Vĩnh biệt ông, Johan./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục