Vì sao ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa biến mình thành tội phạm?

Cả ông Phan Văn Vĩnh và ông Nguyễn Thanh Hóa từng chiến thắng nhiều đối tượng tội phạm, nhưng những năm tháng cuối cùng đứng trong hàng ngũ của lực lượng vũ trang lại không vượt qua chính mình.
Bị can Phan Văn Vĩnh. (Ảnh: TTXVN)

Những ngày qua, dư luận bàng hoàng, phẫn nộ khi biết rằng một đường dây tổ chức đánh bạc trên mạng quy mô lớn, với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng có sự tham gia của cả những người từng là sỹ quan cao cấp của ngành công an như cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh và cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa.

Những con người này lẽ ra phải thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đấu tranh với các loại tội phạm, đưa ra ánh sáng những hành vi vi phạm pháp luật thì họ lại sử dụng quyền năng và địa vị để “bảo kê” tội phạm nhằm hưởng lợi từ hành vi sử dụng mạng Internet để tổ chức đánh bạc và rửa tiền, trong một vụ án mà đến nay đã được Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ tiến hành khởi tố, bắt tạm giam gần 90 đối tượng.

Công luận đặt câu hỏi điều gì khiến cả những vị tướng dạn dày kinh nghiệm và thành tích phá án lại bị sa ngã, từ vị trí đứng đầu lực lượng phòng, chống tội phạm - với sứ mệnh cao cả là ngăn chặn cái xấu, cái ác, bảo vệ sự an lành cho xã hội - trở thành kẻ đồng phạm, bao che, tiếp tay cho những hành vi trái pháp luật?

Có thể có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sa ngã, biến chất của một con người, một cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân. Nhưng tựu chung lại, đó là sự buông lỏng rèn luyện, tu dưỡng bản thân, phai nhạt lý tưởng cách mạng, coi thường kỷ cương, pháp luật. Cả ông Phan Văn Vĩnh và ông Nguyễn Thanh Hóa từng một thời sống bản lĩnh, chiến đấu và chiến thắng trước nhiều đối tượng tội phạm, nhưng những năm tháng cuối cùng đứng trong hàng ngũ của lực lượng vũ trang lại không thể vượt qua chính mình.

Lằn ranh giữa ánh sáng và bóng tối, giữa cái thiện và cái ác, giữa người đại diện công lý và kẻ phạm tội... thật mong manh. Trong môi trường đầy rẫy sự cám dỗ, nếu không giữ được sự liêm chính, không giữ được cốt cách của người chiến sỹ công an nhân dân thì rất dễ bị tha hóa, biến chất, dẫn tới bảo vệ, bao che cho tội phạm, nghiêm trọng hơn là đồng lõa, tiếp tay cho các hành vi phạm pháp. Càng ở cương vị quan trọng, quyền lực càng lớn thì sự tha hóa, biến chất càng gây nên hậu quả trầm trọng; hậu họa gây ra cho xã hội là không thể đo đếm được.

Không giữ cho mình được sự liêm chính, ông Vĩnh và ông Hóa đã biến mình trở thành tội phạm. Ông Vĩnh từng nhiều năm đứng đầu Tổng cục Cảnh sát, cơ quan có chức năng đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trước đây, người ta nhắc đến ông với tư cách là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trưởng nhiều ban chuyên án đặc biệt nghiêm trọng như vụ Lê Văn Luyện, vụ thảm sát ở Bình Phước, vụ “bầu Kiên” (Ngân hàng ACB)…

Nhưng xót xa thay, một sỹ quan cao cấp, có bề dày kinh nghiệm và thành tích công tác như vậy lại bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ," giúp các đối tượng phạm pháp tổ chức đường dây đánh bạc.

Cùng liên quan đến vụ án này, trước đó, cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng bị khởi tố về tội “Tổ chức đánh bạc."

[Infographics] Con đường sự nghiệp của ông Phan Văn Vĩnh

Là những người nắm giữ vị trí chủ chốt của lực lượng chấp pháp phòng chống tội phạm, được Nhà nước trao quyền, nhân dân tin cậy, nhưng những vị tướng từng lập được chiến công, nay trở nên tha hóa đến mức trở thành tội phạm, bị tước danh hiệu Công an nhân dân.

Vụ việc được đưa ra ánh sáng không chỉ là một kết cục tất yếu cho những hành vi vi phạm pháp luật mà còn là một bài học đắt giá và đau xót của lực lượng Công an nhân dân. Hơn 70 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân đã nỗ lực rèn luyện phấn đấu, lập nên những chiến công oanh liệt bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và cuộc sống bình yên của nhân dân, trong đó, có nhiều tấm gương dũng cảm chiến đấu, hy sinh trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự xã hội. Hàng loạt vụ án rúng động xã hội đã được điều tra khám phá trong thời gian rất ngắn, buộc hung thủ phải cúi đầu nhận tội. Những thành tích ấy đã tô thắm truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân trong suốt hơn bảy thập kỷ qua.

Việc khám phá vụ án có quy mô đặc biệt lớn, sử dụng công nghệ cao, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến nhiều người, nhiều ngành, nhiều địa phương trong đó có nhiều cán bộ, chiến sỹ và cả tướng lĩnh, sỹ quan cao cấp một lần nữa cho thấy quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ, nhằm lập lại kỷ cương, phép nước.

Phá chuyên án này, ngành công an đã thể hiện quyết tâm làm trong sạch bộ máy, kiên quyết loại ra khỏi ngành những đối tượng không còn đủ tư cách người công an cách mạng. Để ngăn chặn sự tiếp diễn của những vụ việc tiêu cực trong ngành, Bộ trưởng Bộ Công an đã ngay lập tức ký ban hành công điện trong toàn ngành, yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng ngừa sai phạm, suy thoái trong Công an nhân dân.

Hàng loạt biện pháp phòng và chống được triển khai thực hiện trong toàn ngành, nhằm phát hiện sớm các trường hợp cán bộ, chiến sỹ vi phạm pháp luật, có dấu hiệu suy thoái, biến chất, nhũng nhiễu, xa rời, vô cảm trước nhân dân, lợi dụng cương vị công tác, chức quyền làm tổn hại lợi ích chung và lợi ích chính đáng của nhân dân... để kịp thời ngăn chặn, xử lý, tinh lọc đội ngũ cán bộ ở tất cả các cấp công an.

Bài học về sự liêm chính luôn mang tính thời sự trong mọi hoàn cảnh và tình huống đối với lực lượng công an. Chính vì lẽ này mà điều đầu tiên trong 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân là "Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính..." Mỗi chiến sỹ công an nhân dân từ khi bước vào ngành cho đến ngày cuối cùng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân phải luôn giữ cho bản thân được sự liêm chính mà Bác Hồ đã căn dặn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục