Vì sao Tổng thống Mỹ tiếp tục gây sức ép đối với Triều Tiên?

Đã hai tháng trôi qua kể từ cuộc gặp đầu tiên giữa ông Donald Trump và ông Kim Jong-un nhưng dường như vẫn chưa có nhiều tiến triển trong tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
(Nguồn: Tnp.sg)

Do không có nhiều tiến triển trong các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa với Triều Tiên, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15/8 vừa qua đã tăng cường gây sức ép đối với chính quyền Bình Nhưỡng bằng hình thức trừng phạt 3 công ty nước ngoài với cáo buộc đã giúp đỡ Triều Tiên tránh lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế.

Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 3 công ty có trụ sở ở Trung Quốc, Nga và Singapore cũng như người đứng đầu doanh nghiệp của Nga, trong đó phong tỏa tất cả tài sản mà các doanh nghiệp này sở hữu ở Mỹ đồng thời cấm các doanh nghiệp Mỹ có quan hệ làm ăn với 3 công ty này.

Theo cáo buộc của Bộ Tài chính Mỹ, Công ty Dalian Sun Moon Star International Logistics Trading có trụ sở ở Trung Quốc và chi nhánh SINSMS ở Singapore đã làm giả giấy tờ để tạo thuận lợi cho các chuyến hàng "bất hợp pháp" vận chuyển rượu và thuốc lá đến Triều Tiên.

Ngoài ra, công ty Profinet ở Nga và người đứng đầu doanh nghiệp này Vasili Aleksandrovich Kolchanov cũng bị cáo buộc vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc bằng việc có 6 lần cung cấp dịch vụ hải cảng cho các tàu treo cờ Triều Tiên (những tàu trong danh sách bị trừng phạt) tại 3 cảng ở miền Đông nước Nga.

Hãng tin Reuters (Anh) dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết Mỹ đã đề xuất biện pháp trên với Ủy ban các biện pháp trừng phạt Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Danh sách các cá nhân và thực thể mà Mỹ đưa lên trùng khớp danh sách mà Bộ Tài chính Mỹ mới công bố áp đặt các biện pháp trừng phạt trước đó. Trước đó, Mỹ cũng đã công bố áp đặt lệnh trừng phạt Ngân hàng thương mại Agrosoyuz có trụ sở tại Moskva và chủ ngân hàng này (người Triều Tiên) Ri Jong-won, Công ty Thương mại và Công nghiệp Dandong Zhongsheng có trụ sở tại Trung Quốc và Tập đoàn Korea Ungum có trụ sở tại Triều Tiên với cáo buộc các "đối tượng" này có hoạt động trao đổi với những thực thể nằm trong danh sách trừng phạt của Washington.

Động thái này của Washington được thực hiện sau khi chính quyền Trump tiếp tục gây sức ép để cộng đồng quốc tế đồng thuận trong việc thực thi các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên ngay cả khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tái khẳng định nỗ lực phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng với ông Donald Trump tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra ở Singapore hồi tháng Sáu vừa qua.

[Tổng thống Mỹ Donald Trump có đang lạm dụng quá mức đòn trừng phạt?]

Trong một tuyên bố mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nhấn mạnh: "Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực thi các lệnh trừng phạt đã có đối với Triều Tiên, đồng thời cũng sẽ có biện pháp ngăn chặn, chỉ rõ những công ty, hải cảng và tàu thuyền đã tạo điều kiện cho các chuyến hàng bất hợp pháp và cung cấp tài chính cho chính quyền Bình Nhưỡng."

Ông này cũng lưu ý thêm rằng "Hậu quả do việc vi phạm các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế sẽ vẫn được duy trì cho đến khi chúng ta đạt được kết quả cuối cùng là phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có kiểm chứng ở Triều Tiên."

Đã hai tháng trôi qua kể từ cuộc gặp đầu tiên giữa ông Donald Trump và ông Kim Jong-un nhưng dường như vẫn chưa có nhiều tiến triển trong tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Mặc dù chính quyền Bình Nhưỡng duy trì việc "tạm dừng" các vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa, đồng thời có một số động thái thể hiện rõ thiện chí như trao trả hài cốt binh sỹ Mỹ bị thiệt mạng trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) cũng như phá hủy một phần bãi thử nghiệm động cơ tên lửa... nhưng dường như nước này vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân đang theo đuổi.

Thay vào đó, Bình Nhưỡng lên án những yêu cầu của phía Mỹ khi cho rằng mình đã có những nhượng bộ nhất định nên phải được Washington"hồi đáp" bằng việc gỡ bõ các lệnh trừng phạt cho "tương xứng."

Đáp lại, chính quyền Mỹ đã có phản ứng thông qua tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính hôm 15/8 rằng các lệnh trừng phạt sẽ không được gỡ bỏ cho đến khi tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn tất.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã liên tục đề cập đến lập trường này của Mỹ, đầu tiên là ngay sau chuyến công du lần thứ ba tới Bình Nhưỡng hồi tháng trước và mới đây nhất là tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) ở Singapore hồi đầu tháng này.

Ông Pompeo đã nói rằng lệnh trừng phạt cần phải được duy trì để có được vấn đề giải giáp hạt nhân, còn các bước xây dựng niềm tin đều có thể được chuẩn bị trước.

Ông Pompeo đã từ chối đề cập chi tiết đến cái gọi là "các biện pháp xây dựng lòng tin." Tuy nhiên, Triều Tiên và Hàn Quốc hôm 13/8 đã tổ chức cuộc hội đàm cấp cao ở Panmunjom và đi đến thống nhất sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba tại thủ đô Bình Nhưỡng vào tháng 9 tới với mục tiêu hướng tới việc cho ra đời một tuyên bố chung chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên vốn mới chỉ được "tạm dừng" bằng một Thỏa thuận đình chiến.

Mỹ đang bối rối cân nhắc đến việc có nên tham gia vào một tuyên bố như vậy hay không bởi nó có thể sẽ chỉ là một Hiệp ước "mang tính hình thức" và hoàn toàn không có sự ràng buộc về mặt pháp lý.

Sau cuộc điện đàm (trao đổi về nội dung cuộc hội đàm cấp cao liên Triều) giữa ông Mike Pompeo và người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung-wha ngày 14/8 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố cho biết Washington sẵn sàng hướng tới một "cơ chế hòa bình" nhưng có liên quan mật thiết đến vấn đề phi hạt nhân hóa.

Heather Nauert, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết hai nhà lãnh đạo Mỹ-Hàn "đã cam kết duy trì phối hợp và liên lạc chặt chẽ, đồng thời họ cũng khẳng định sức mạnh bền bỉ của quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn Quốc."

Ông Pompeo đã bày tỏ sự lạc quan về tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên đồng thời nhấn mạnh rằng: "Tôi đã nói chuyện với bà Kang về cuộc hội đàm cấp cao liên Triều diễn ra vào ngày 13/8 vừa qua. Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục hợp tác chặt chẽ nhằm đảm bảo đạt được phi hạt nhân hóa và có thể kiểm chứng. Chúng tôi tin có thể đạt được tiến triển"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục