Canh bún cua là một món quà chiều quen thuộc của người dân Thủ đô thời bao cấp. Thời đó, không khó gặp hình ảnh những bà, cô gánh rong đi rao canh bún cua khắp ngõ ngách Hà Nội.
Ngày nay, món ăn này không còn phổ biến như trước. Ở Hà Nội chỉ còn một số ít hàng quán còn bán canh bún cua. Một trong những địa chỉ được nhiều thực khách biết đến là quán canh bún cua số 2 Hàng Chiếu (quận Hoàn Kiếm) của gia đình chị Ly.
Chị Ly cho biết đây là nghề gia truyền của gia đình từ được ông bà để lại. Từ những năm 1970, ông bà chị Ly chỉ bán hàng rong để khách ngồi ăn bên lề đường. Sau khi mẹ chị được bà truyền nghề, gánh hàng đi bán rong ở quanh phố cổ Hà Nội, rồi mở cửa hàng đầu tiên ở số 6 Thanh Hà vào năm 1995. Từ đó đến nay, nhà chị chỉ bán quanh phố cổ và chuyển ra số 2 Hàng Chiếu từ 2015 tới giờ.
Thời gian qua đi, quán canh bún cua gia truyền của gia đình nhà chị Ly được nhiều người biết đến và đông khách nhất nhì khu vực phố cổ Hà Nội. Mỗi ngày quán bún bán được khoảng 300-400 bát. Quán chỉ có khoảng 4 bàn đặt ngay dưới lòng đường nhưng lúc nào cũng có khách, đông nhất vào khoảng 12-14h và 16-18h.
Phở Hà Nội đang được xây dựng hồ sơ đề nghị ghi danh Di sản Văn hóa Quốc gia
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết Hà Nội đang xây dựng hồ sơ đề nghị nghề phở ở Thủ đô Hà Nội là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia, sau đó sẽ đề nghị lên UNESSCO.
Một bát canh bún cua nguyên bản gồm rau luộc, bún sợi to và nước dùng làm từ gạch cua đồng. Theo chị Ly, để làm ra một bát canh bún cua tuy đơn giản nhưng cũng khá cầu kỳ.
Theo đó, rau được trần từ trước, chỉ trần tới để giữ được độ ngọt và giòn; mùa Hè có rau muống và rau rút, mùa Đông dùng rau cải và rau cần. Nước dùng nấu từ thịt, gạch cua đồng nêm gia vị vừa đủ, thêm cà chua để tạo màu. Nước dùng là thứ khiến canh bún cua dễ bị nhầm lẫn với bún riêu cua vì đều có gạch cua và cà chua, điểm khác là canh bún cua chỉ chan nước dùng lưng bát, không đầy như các món bún khác.
Hành phi và tóp mỡ là những nguyên liệu được thêm vào canh bún sau này, khi kinh tế phát triển hơn. Vị giòn, thơm của hành cùng với vị béo ngậy, giòn tan của tóp mỡ là những hương vị không thể thiếu trong một bát canh bún cua.
Sợi bún dùng trong canh bún cua là sợi lớn gần giống bún bò Huế. Sợi bún sẽ được ủ nóng, khi phục vụ chỉ cần cho vào bát, phủ trên lớp rau xanh cắt khúc, sau đó chan nước dùng, thêm hành phi, tóp mỡ là hoàn thành.
Nhìn thoáng qua, bát canh bún khá nhạt nhoà, nhưng khi dùng đũa đảo một lượt, màu sắc mới dần lộ diện: Màu xanh của rau, màu vàng mỡ màng của nước dùng gạch cua, hành phi, tóp mỡ và màu trắng của sợi bún.
Một bát canh bún cua nguyên bản có giá 20.000 đồng. Để bát bún thêm đa dạng, thực khách có thể gọi thêm các loại đồ ăn kèm khác như giò lụa, giò tai, giò bò, chả cá đồng giá 5.000 đồng.
Khách của quán ban đầu là những người lớn tuổi, dân địa phương, sau này mới có thêm thực khách trẻ tuổi. Thi thoảng, quán cũng có khách du lịch trong nước, khách ngoại quốc ghé thăm và đều có những trải nghiệm tốt và ấn tượng sâu đậm với món canh bún cua tại đây./.