[Videographics] Di sản của ông Barack Obama sau 8 năm chèo lái nước Mỹ

Với khẩu hiệu "Vâng, chúng ta có thể" khi đắc cử Tổng thống Mỹ năm 2008, ông Barack Obama - vị tổng thống da đen đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ đã để lại một di sản lớn sau 8 năm chèo lái Xứ Cờ hoa.

Ngày 4/11/2008, ông Barack Obama đắc cử ghế Tổng thống Mỹ và khẩu hiệu "Vâng, chúng ta có thể" của ông đã khơi dậy hy vọng cho cử tri.

Tám năm sau, vị tổng thống da đen đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ đã để lại phía sau một di sản lớn.

Trước tiên, ông đã cố gắng chèo lái đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1929. Ông thông qua một gói kích thích kinh tế trị giá 787 tỷ USD trong năm 2009.

Kinh tế Mỹ bắt đầu tăng trưởng vào năm 2010, sau đó ổn định ở mức 2%. Tỷ lệ thất nghiệp, từng cao tới 10% vào năm 2010, đã giảm xuống còn 5%.

Ông Obama cũng hứa hẹn một chính sách chăm sóc y tế dành cho tất cả mọi người dân Mỹ với mức giá hợp lý. Đạo luật cải tổ y tế hàng đầu của ông, còn được gọi là Obamacare, đã được thông qua vào tháng 3/2010.

Dưới đạo luật này, mọi công dân Mỹ bắt buộc phải mua một gói bảo hiểm y tế tối thiểu, trong đó chính quyền liên bang sẽ trợ cấp tiền cho các gia đình có thu nhập thấp.

Chương trình này đã khiến hàng triệu người Mỹ được bảo hiểm y tế, nhưng cũng làm giá tiền đóng bảo hiểm ở một số bang tăng lên.

Dưới thời ông Obama, sự bất bình đẳng tăng lên và căng thẳng chủng tộc vẫn ở mức cao. 13,5% người Mỹ đang sống trong cảnh nghèo khổ, đồng thời có sự bất bình đẳng rõ rệt giữa các cộng đồng da trắng và da đen.

Việc cảnh sát bắn chết một số người Mỹ gốc Phi đã gây bạo động sắc tộc tại một số khu vực như Ferguson ở Missouri và Baltimore.

  

Sự phản đối từ Quốc hội Mỹ đã khiến ông Obama nhiều lần không thể thông qua một dự luật kiểm soát súng.

Trong năm 2016, ông Obama cuối cùng đã phải dùng tới sắc lệnh để thông qua một số hoạt động kiểm soát súng.

Và bất chấp việc ông Obama từng hứa rằng sẽ đóng cửa nhà tù Guantanamo gây tranh cãi, nơi này vẫn tiếp tục hoạt động.

Chính sách đối ngoại của ông Obama dường như là mặt vấp phải nhiều sự phê phán nhất. Ông từ chối can thiệp quân sự vào Syria hồi năm 2013, dù có cáo buộc quân chính quyền sử dụng vũ khí hóa học.

Ông thành lập liên quân quốc tế chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vào năm 2014, nhưng trước đó đã rút hết lính Mỹ khỏi Iraq từ năm 2011.

Các cố vấn quân sự Mỹ được đưa tới Iraq vào năm 2014, nhưng lính chiến của Mỹ không trở lại nơi này. Tại Afghanistan, vẫn còn hơn 8.000 lính Mỹ đóng quân ở đây.

Năm 2011, ông Obama ra lệnh thực hiện cuộc đột kích giết chết trùm khủng bố al-Qaeda Osama bin Laden.

Trên mặt ngoại giao, ông Obama đóng vai trò mấu chốt trong việc đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran, bên cạnh việc bình thường hóa quan hệ với Cuba - quốc gia Mỹ cắt đứt quan hệ từ năm 1961.

Năm 2015, ông Obama cũng được ca ngợi vì đóng vai trò trong việc giúp thiết lập thỏa thuận Paris chống biến đổi khí hậu./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục