Việt Nam-Ấn Độ hợp tác phát triển ngành công nghiệp chế tạo, xây dựng

Ấn Độ luôn là Đối tác Chiến lược về thương mại của Việt Nam; hai bên còn nhiều tiềm năng để khai thác; trong đó, ngành cơ khí, điện tử, công nghệ số và năng lượng là nhóm ngành được cả hai chú trọng.

Doanh nghiệp cơ khí điện Tp. Hồ Chí Minh giới thiệu sản phẩm cho đối tác Ấn Độ trong khuôn khổ hội nghị. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)
Doanh nghiệp cơ khí điện Tp. Hồ Chí Minh giới thiệu sản phẩm cho đối tác Ấn Độ trong khuôn khổ hội nghị. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Việt Nam và Ấn Độ có lợi thế, nhiều tiềm năng thúc đẩy hợp tác phát triển các ngành công nghiệp chế tạo như cơ khí, điện, điện tử, công nghệ số và năng lượng.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị kết nối giao thương giữa Việt Nam-Ấn Độ do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII), Hội Doanh nghiệp Cơ khí-Điện Thành phố Hồ Chí Minh (HAMEE) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18/7.

Ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc ITPC thông tin, quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Ấn Độ đã đạt được những kết quả ấn tượng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trao đổi thương mại giữa hai nước đã tăng hơn 60 lần, từ 200 triệu USD (năm 2000) lên trên 14,36 tỷ USD năm 2023, đưa Ấn Độ trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam.

Kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm nay giữa hai nước ước đạt 7,18 tỷ USD. Riêng ở cấp độ địa phương, kim ngạch xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh sang Ấn Độ 6 tháng đầu năm nay ước đạt 240 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Đào Minh Chánh, Ấn Độ luôn là Đối tác Chiến lược về thương mại của Việt Nam và hai bên còn rất nhiều tiềm năng để khai thác; trong đó, ngành cơ khí, điện, điện tử, công nghệ số và năng lượng là nhóm ngành đang được cả hai nước chú trọng phát triển, cũng là nhóm hàng hóa có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất. Ấn Độ và Việt Nam đều có nhu cầu tìm kiếm khách hàng và thị trường mới, đây là thời điểm rất tốt để thúc đẩy hợp tác theo hướng hiệu quả hơn.

Ông Trần Hoài Nam, Phó chủ tịch HAMEE, chia sẻ Việt Nam và Ấn Độ là hai nước có vị trí chiến lược ở châu Á, lực lượng lao động trẻ, nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh và thị trường xuất khẩu rộng mở thông qua hội nhập quốc tế.

Thêm vào đó, cả hai nước đều lấy công nghiệp làm nền tảng phát triển kinh tế, do đó hai bên có thể thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực sản xuất như cơ khí chế tạo, xây dựng kết cấu hạ tầng, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới tạo ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư, kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, Hội doanh nghiệp Cơ khí-Điện sẽ tích cực kết nối với hội ngành nghề của Ấn Độ tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại song phương nhằm thúc đẩy hoạt động hợp tác đầu tư, kinh doanh trực tiếp. Đồng thời tạo cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp hai bên chia sẻ thông tin, học hỏi kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ một cách hiệu quả.

Ông Rohit Sharma, Trưởng phòng Asean và châu Đại Dương Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII), chia sẻ Ấn Độ có thế mạnh về sản xuất, chế tạo với nhiều doanh nghiệp có năng lực sản xuất tốt; sản phẩm của Ấn Độ đã có mặt ở nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới. Nhiều doanh nghiệp Ấn Độ cũng đã tìm hiểu và nhận thấy cơ hội hợp tác với Việt Nam trong các ngành công nghiệp cơ khí, xây dựng, năng lượng.

Đoàn doanh nghiệp Ấn Độ kỳ vọng thông qua các chương trình giao lưu, xúc tiến thương mại sẽ tìm kiếm được nhiều đối tác tiềm năng tương xứng và các cơ hội hợp tác kinh doanh, xuất nhập khẩu mới. Qua đó, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia nói chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.