'Việt Nam có các thể chế mạnh và bền vững bảo vệ sức khỏe cộng đồng'

Theo bài viết, ngay khi đại dịch bùng phát, Chính phủ Việt Nam nhanh chóng ra lệnh và thực hiện nghiêm ngặt đóng cửa biên giới. Công tác truy vết áp dụng đối với tất cả các ca nghi nhiễm virus.
Bài viết trên trang mạng brookings.edu. (Ảnh chụp màn hình)

Trang mạng brookings.edu của Viện nghiên cứu Brookings tại Mỹ vừa đăng bài viết cho rằng từ năm 2020, đã có nhiều cuộc thảo luận về việc làm thế nào Việt Nam có thể đạt được kỳ tích trong phòng, chống dịch COVID-19 và các nước khác có thể rút ra bài học nào.

Theo bài viết, ngay khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ Việt Nam nhanh chóng ra lệnh và thực hiện nghiêm ngặt đóng cửa biên giới. Công tác truy vết áp dụng đối với tất cả các ca nghi nhiễm virus SARS-CoV-2.

Để thực hiện chiến lược kiểm dịch đồng loạt và có sự phối hợp này, chính phủ đã huy động mọi lực lượng trong xã hội từ các sinh viên và nhân viên y tế, các tổ chức xã hội thuộc Đảng và cả quân đội. Truyền thông xã hội, vốn phổ biến ở Việt Nam, đã được tận dụng để truyền thông điệp về y tế công và loại bỏ các thông tin sai lệch.

Mới đây, Việt Nam đối mặt với đợt bùng phát dịch COVID-19 trầm trọng nhất. Dù đợt bùng phát hiện nay tại Việt Nam được đánh giá không nghiêm trọng như các nước láng giềng (Indonesia và Philippines), nhưng Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục thực thi các quy định kiểm dịch đối với tất cả các trường hợp truy vết, nghi nhiễm và áp dụng quy định nghiêm ngặt về nhập cảnh.

[Phó Thủ tướng: Bình Dương khoanh gọn, không để dịch COVID-19 lan rộng]

Bài viết nêu rõ, Chính phủ Việt Nam đang chứng tỏ khả năng có thể triển khai các chính sách và nguồn lực nhà nước cần thiết cho các chiến lược - dù đó là chiến lược bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong đại dịch toàn cầu hay tăng cường trách nhiệm giải trình và minh bạch trong quản trị để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Chắc chắn, chính phủ có cách tiếp cận y tế công rất ấn tượng và Việt Nam ở vị thế đặc biệt trong việc đối mặt với thách thức COVID-19.

Những đợt bùng phát mới đây đòi hỏi Bộ Y tế Việt Nam và các cơ quan giám sát phải duy trì sự phối hợp chặt chẽ với ban lãnh đạo chính phủ trước áp lực mở cửa lại đất nước cho khách du lịch và doanh nghiệp nước ngoài.

Trường hợp của Việt Nam cho thấy quốc gia Đông Nam Á này có các thể chế mạnh và bền vững để có thể bảo vệ sức khỏe cộng đồng khi xảy ra các đại dịch trong tương lai mà không chỉ dựa vào vaccine.

Chính phủ Việt Nam đã chứng tỏ có thể thi hành mô hình y tế dự phòng công cộng hiệu quả thông qua các cơ quan nhà nước và có lẽ đây là bài học cho các chính phủ khác học hỏi nếu mỗi nước đều chuẩn bị cách thức ứng phó với đại dịch do nhà nước lãnh đạo trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục