Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngày 8/9, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thảo luận mở về tiến trình chuyển tiếp từ các hoạt động gìn giữ hòa bình với sự tham dự của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và cựu Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf.
Tại đây, Việt Nam đề cao sự cần thiết đảm bảo tiến trình chuyển tiếp do quốc gia làm chủ, phù hợp với bối cảnh đặc thù quốc gia, với sự hỗ trợ của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh tiến trình chuyển tiếp là quá trình phức tạp, đòi hỏi phải có sự thận trọng trong việc định hình lại sự hiện diện và chiến lược của Liên hợp quốc tại một quốc gia, không chỉ khi phái bộ sắp chấm dứt hoạt động mà ngay từ khi bắt đầu.
Sự thành công của tiến trình chuyển tiếp phụ thuộc vào sự hợp tác từ sớm và liên tục giữa các phái bộ gìn giữ hòa bình, nước tiếp nhận, các cơ quan Liên hợp quốc ở sở tại, các đối tác địa phương và quốc tế, cũng như việc xây dựng lòng tin với người dân và các cộng đồng địa phương.
Ông Guterres cho rằng việc kết thúc nhiệm vụ của phái bộ gìn giữ hòa bình không chỉ là cơ hội hướng tới hòa bình đối với quốc gia thoát khỏi xung đột, mà cũng có những rủi ro, đặt ra yêu cầu về tăng cường cam kết chính trị, hợp tác với chính quyền địa phương, quốc gia, trong tiến trình hòa bình do quốc gia làm chủ, thông qua phối hợp với các cơ quan Liên hợp quốc ở sở tại và Hội đồng Bảo an.
[Việt Nam đề cao luật pháp quốc tế trong giải quyết thách thức toàn cầu]
Việc trợ giúp chính quyền quốc gia và bảo đảm sự hỗ trợ về nguồn lực dành cho tiến trình chuyển tiếp cũng đóng vai trò quan trọng.
Cựu Tổng thống Liberia Sirleaf chia sẻ bài học kinh nghiệm chuyển tiếp thành công tại quốc gia này, nơi từng có sự hiện diện của một trong những phái bộ gìn giữ hòa bình lớn nhất.
Theo bà Sirleaf, tiến trình chuyển tiếp tại Liberia đạt thành công nhờ có sự hỗ trợ kịp thời, phù hợp của cộng đồng quốc tế trên cơ sở trách nhiệm chủ đạo của chính phủ và quan hệ đối tác với các bên liên quan của quốc gia, từ đó bà nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng kế hoạch chuyển tiếp phù hợp với bối cảnh cụ thể của từng nước, tránh rập khuôn một mô hình chung.
Các nước thành viên Hội đồng Bảo an cho rằng tiến trình chuyển tiếp thể hiện sự ổn định nhưng cũng đầy thách thức đối với quốc gia tiếp nhận lực lượng gìn giữ hòa bình, do đó cần được lên kế hoạch và thực hiện một cách thận trọng với sự tham gia của các bên liên quan, song song với việc bảo đảm nguồn lực.
Các nước cũng cho rằng trách nhiệm chủ đạo trong tiến trình chuyển tiếp thuộc về quốc qia tiếp nhận.
Một số nước đề cập cần bảo đảm sự tham gia của phụ nữ, thanh niên, giải quyết cùng lúc các thách thức hòa bình, an ninh và phát triển, bảo vệ môi trường, bảo vệ dân thường, tránh xung đột tái diễn và rút kinh nghiệm từ các bài học chuyển tiếp đã có nhằm định hướng tốt hơn trong tương lai.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, cho rằng tiến trình chuyển tiếp là giai đoạn hết sức quan trọng, thể hiện nỗ lực và sự sẵn sàng của quốc gia hậu xung đột hướng tới hòa bình bền vững, lâu dài, tuy nhiên cũng mang lại thách thức như suy giảm nguồn lực quốc tế, bất ổn kinh tế-xã hội, thiếu sự phát triển và các nguyên nhân xung đột tồn tại.
Đại sứ cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường thảo luận về chủ đề này nhằm bảo đảm tiến trình chuyển tiếp hiệu quả, thành công, vì hòa bình, ổn định và phát triển của các quốc gia và người dân./.