Việt Nam đề nghị hỗ trợ người di cư trước những tác động của dịch bệnh

Việt Nam coi Thỏa thuận GCM là bước tiến quan trọng trong hợp tác quốc tế về di cư, là kết quả của sự đoàn kết, tinh thần chia sẻ trách nhiệm của các quốc gia nhằm thúc đẩy di cư hợp pháp và an toàn.
Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, từ ngày 10-12/3, Đoàn đại biểu Việt Nam do Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành dẫn đầu đã tham dự Hội nghị rà soát tình hình triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc (Thỏa thuận GCM) khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Đây là hội nghị do Ủy ban Kinh tế-Xã hội châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP) phối hợp cùng Mạng lưới di cư của Liên hợp quốc tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương tổ chức tại thủ đô Bangkok của Thái Lan theo hình thức trực tuyến. 

Hơn 400 đại biểu đến từ các quốc gia trong khu vực, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế liên chính phủ và phi chính phủ đã tham dự để đánh giá về tổng quan tình hình triển khai 23 mục tiêu đặt ra trong Thỏa thuận GCM và thảo luận về những thách thức và cơ hội đặt ra, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát. Các đại biểu cũng xác định ưu tiên và lĩnh vực tiềm năng mà khu vực cần thúc đẩy hợp tác.

Đại diện Đoàn Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan kiêm Đại diện thường trực Việt Nam tại UNESCAP Phan Chí Thành khẳng định, Việt Nam coi Thỏa thuận GCM là bước tiến quan trọng trong hợp tác quốc tế về di cư, là kết quả của sự đoàn kết, tinh thần chia sẻ trách nhiệm của các quốc gia hướng tới mục tiêu thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự vì sự phát triển bền vững và bao trùm.

Trước lo ngại về những khó khăn, thách thức và nguy cơ hiện hữu đang ngày càng gia tăng do tác động của đại dịch COVID-19, Việt Nam đề nghị các quốc gia và các tổ chức quốc tế cần xây dựng lộ trình hoặc khuôn khổ, cơ chế hợp tác thực chất để triển khai hiệu quả hơn Thỏa thuận GCM thời gian tới, nhằm khắc phục những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với người di cư, qua đó bảo đảm di cư hợp pháp, an toàn và trật tự trong khu vực cũng như trên thế giới.

[Hỗ trợ lao động đánh bắt và chế biến thủy sản Đông Nam Á di cư an toàn]

Thảo luận cụ thể về từng mục tiêu của Thỏa thuận GCM, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Lương Thanh Quảng cập nhật tình hình thực hiện Thỏa thuận GCM tại Việt Nam, trong đó có một số kết quả nổi bật như ban hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Thỏa thỏa thuận GCM từ 2020-2030, đưa vào sử dụng Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư và các hoạt động bảo hộ lãnh sự đối với người di cư, triển khai hiệu quả các dự án hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư trở về và gia đình họ….

Ông Lương Thanh Quảng đề nghị Mạng lưới về Di cư của Liên hợp quốc hỗ trợ trong những vấn đề mà các quốc gia quan tâm như chia sẻ thông tin, phối hợp thực thi pháp luật, áp dụng khoa học công nghệ trong quản lý di cư, xây dựng và hoàn thiện dữ liệu về di cư và thiết lập mạng lưới thông tin về di cư tại khu vực.

Thỏa thuận GCM được thông qua tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73 vào ngày 19/12/2018 với đa số thành viên Liên hợp quốc tán thành, là thỏa thuận liên chính phủ đầu tiên thiết lập khuôn khổ hợp tác toàn cầu nhằm quản lý di cư một cách hiệu quả. Hội nghị rà soát khu vực châu Á-Thái Bình Dương được tổ chức lần này nhằm phục vụ cho hội nghị rà soát toàn cầu dự kiến vào năm 2022.

Trước hội nghị, Đại sứ Phan Chí Thành đã gặp trao đổi với Giám đốc Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Giám đốc IOM Thái Lan.

IOM khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam triển khai Thỏa thuận GCM hiệu quả, thực chất, đồng thời bày tỏ sự cảm thông với cộng đồng người lao động Việt Nam tại Thái Lan đang phải hứng chịu nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 và cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan để hỗ trợ người lao động Việt Nam tại Thái Lan trên tinh thần Thỏa thuận GCM./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục