Việt Nam đứng thứ 7 trong ASEAN về năng lực cạnh tranh

Trong 10 nước ASEAN, Singapore hiện đứng đầu về năng lực cạnh tranh, tiếp đó là Malaysia và Thái Lan, Brunei, Indonesia, Philippines, Việt Nam đứng thứ 7 trên bảng xếp hạng.
Hội thảo công bố Năng lực cạnh tranh 10 nước ASEAN tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore. (Ảnh: Mỹ Bình/Vietnam+)

Mặc dù được dự báo sẽ là nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2030, song các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vẫn cần phải nhanh chóng thu hẹp khoảng cách để nâng cao năng lực cạnh tranh trên toàn cầu.

Đó là nhận định của giới chuyên gia theo kết quả kháo sát về năng lực cạnh tranh của 10 nước trong khu vực do Viện Năng lực cạnh tranh Á châu thuộc Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore vừa công bố.

Phóng viên TTXVN tại Singaporre dẫn kết quả khảo sát trên, cho thấy trong 10 nước ASEAN, Singapore hiện đứng đầu về năng lực cạnh tranh, tiếp đó là Malaysia và Thái Lan, Brunei, Indonesia, Philippines. Việt Nam đứng thứ 7 trên bảng xếp hạng và trên các nước Lào, Campuchia và Myanmar.

Kết quả này dựa trên những phân tích, đánh giá các chỉ số về kinh tế vĩ mô; chính phủ và thiết lập thể chế; thị trường tài chính, các điều kiện kinh doanh và nguồn nhân lực; chất lượng cuộc sống và phát triển cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, khảo sát này mới dựa trên các số liệu trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2013, giai đoạn nhiều nước trong khu vực rơi vào khủng hoảng kinh tế.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng để nâng cao năng lực cạnh tranh, điều cấp thiết đó là phải nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN và chính những nước kém phát triển hơn như Việt Nam cần phải cải cách mạnh mẽ hơn để thúc đẩy tăng trưởng mạnh hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh nhiều hơn.

Giáo sư Tan Khee Giap thuộc Viện Năng lực cạnh tranh Á châu nhấn mạnh rằng các nước cần phải tận dụng triệt để việc hợp tác song phương và đa phương để tăng trao đổi thương mại cũng như thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ trong và ngoài khối.

Trong bối cảnh đó, giáo sư Tan Khee Giap cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh hơn trong vòng 2-3 năm tới.

Theo ông, dù nằm trong nhóm 4 nước kém phát triển của ASEAN, song Việt Nam có lợi thế hơn Lào, Campuchia và Myanma bởi có sự đa dạng về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Trong khi đó, ông Tan Sri Rastam Mohd Isa - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế Malaysia (ISIS) nhận định trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm hiện nay thì Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung vẫn nổi lên là khu vực phát triển đầy năng động.

Nhìn chung, thương mại nội khối có sự tăng trưởng, thu hút được nhiều nguồn vốn từ bên ngoài khối...

Do vậy, việc xếp hạng năng lực cạnh tranh có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp các thông tin hữu ích về các chính phủ cũng như tình hình kinh doanh ở các nước ASEAN để từ đó thúc đẩy phát triển và đưa các nước tiến lên phía trước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục