Việt Nam kêu gọi ngăn ngừa các xung đột liên quan đến nước

Đại sứ Nguyễn Phương Nga kêu gọi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đóng vai trò tích cực trong việc tuân thủ và phát huy các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, ngăn ngừa các xung đột liên quan đến nước.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga (phải). (Ảnh: Lê Dương/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 22/11, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, dưới sự chủ trì của Senegal - nước giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 11/2016, đã tổ chức phiên thảo luận mở với chủ đề "Nước, Hòa bình và An ninh."

Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, đã khẳng định tầm quan trọng của nước đối với đời sống con người và mọi mặt phát triển kinh tế xã hội, nước là một trong những Mục tiêu phát triển bền vững và nước có vai trò quan trọng trong việc xây dựng lòng tin và tăng cường hợp tác.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, phải đối mặt với cả lũ lụt và và hạn hán.

Đồng thời, Việt Nam cũng phụ thuộc nhiều vào tài nguyên nước bắt nguồn từ các quốc gia láng giềng. Vì vậy, Việt Nam đặc biệt coi trọng và tích cực tham gia các khuôn khổ hợp tác quốc tế, khu vực và tiểu vùng trong lĩnh vực nước.

Đại sứ cũng thông tin về các cơ chế hợp tác Tiểu vùng Mekong và mong muốn hợp tác Mê Công tiếp tục nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga kêu gọi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đóng vai trò tích cực trong việc tuân thủ và phát huy các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, ngăn ngừa các xung đột liên quan đến nước.

Đại sứ cho rằng các nước phát triển cần tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển trong lĩnh vực nước, thông qua chuyển giao công nghệ, xây dựng năng lực và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trước đó, phát biểu khai mạc phiên thảo luận, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon nhấn mạnh vấn đề nước có thể trở thành nguyên nhân gây căng thẳng và xung đột trong và giữa các quốc gia.

Thực tế cho thấy việc thiếu nước và cạnh tranh tài nguyên nước đã dẫn đến căng thẳng tại nhiều vùng trên thế giới.

Việc tấn công vào các cơ sở hạ tầng cung cấp nước và sử dụng tài nguyên nước như công cụ chiến tranh cũng tác động nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân, chẳng hạn như ở Syria.

Mặt khác, nước cũng là một lĩnh vực tiềm năng để thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia cùng chia sẻ tài nguyên nước, là biện pháp để xây dựng và củng cố lòng tin và tiền đề cho nhiều lĩnh vực hợp tác khác.

Tổng Thư ký Ban Ki Moon nêu bật thực tế hiện có tới 3/4 số quốc gia thành viên Liên hợp quốc đang dùng chung sông hồ với các nước láng giềng.

Tại phiên thảo luận, các nước thành viên Liên hợp quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác xuyên biên giới về nước như một phần của ngoại giao phòng ngừa.

Các nước cũng kêu gọi thành lập các cơ chế hợp tác về nước tại cấp khu vực và tiểu khu vực và cho rằng các tổ chức đa phương, đặc biệt là Liên hợp quốc, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác về nước, thông qua các cơ chế như UN-Water, Nhóm Công tác cấp cao toàn cầu về nước và Hòa bình (Global High-Level Panel on Water and Peace).

Các nước cũng nhấn mạnh cần tôn trọng các khuôn khổ luật pháp quốc tế về nước, trong đó có Công ước năm 1997 về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia có mục đích phi giao thông thủy, luật nhân đạo quốc tế chống tấn công vào các mục tiêu dân sự và dân thường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục