Ngày 10/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione, đồng Chủ tịch Nhóm Đại sứ các nước về hợp tác phát triển.
Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra; Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione và Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Elsbeth Akkerman đã trao đổi về tình hình giải ngân các dự án sử dụng vốn ODA trong thời gian qua.
Bày tỏ cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ và hỗ trợ của các nhà tài trợ đối với Việt Nam, đặc biệt nguồn vốn của các nhà tài trợ đóng vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội tại Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam rất coi trọng, mong muốn các nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ, đa dạng hóa việc tiếp cận các nguồn vốn nước ngoài phù hợp với những định hướng ưu tiên của Chính phủ và sự quan tâm của các nhà tài trợ.
Đánh giá cao những kiến nghị, đề xuất của nhóm các nhà tài trợ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh Chính phủ nhìn nhận rất rõ thực trạng giải ngân vốn đầu tư công, vốn vay nước ngoài và đã có những bước đi cụ thể để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
[[Infographics] Gần 2 tỷ USD vốn ODA dành cho nông nghiệp trong 20 năm]
Chính phủ đã ban hành một loạt quy định nhằm nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng vốn vay nước ngoài, trong đó có Nghị định cho chính quyền địa phương vay lại; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng thu hút, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2021-2025; trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công, trong đó chú trọng cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền mạnh hơn...
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục cải tiến, đơn giản hóa quy trình thủ tục tiếp nhận các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi; ban hành các nghị định mới thay thế các Nghị định 16 và 132, đồng thời mong muốn các nhà tài trợ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng Nghị định nêu trên nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc giải ngân nguồn vốn ODA.
Chính phủ cũng đã đề nghị và được Quốc hội chấp thuận việc đưa 7 dự án sử dụng vốn ODA của năm 2018 vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trực tiếp làm việc với các bộ, ngành, địa phương rà soát, phân loại và lên danh sách các dự án chậm tiến độ để có kế hoạch thúc đẩy hoặc điều chỉnh kịp thời..., Phó Thủ tướng cho hay.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị Việt Nam và các nhà tài trợ cùng phối hợp để hài hòa hóa thủ tục giữa bên tiếp nhận là Việt Nam và các nhà tài trợ, trong đó có quy định về giải ngân theo kế hoạch (phía Việt Nam) và giải ngân theo tiến độ (phía các nhà tài trợ) để bảo đảm kiểm soát tốt nợ công.
Đối với việc chậm trễ trong ký kết và tiếp nhận các khoản viện trợ không hoàn lại, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, sẽ kiểm tra lại và yêu cầu các bộ, ngành báo cáo cụ thể để không tái diễn tình trạng trên./.