Việt Nam và Hà Lan chia sẻ các giải pháp 'phát triển thuận thiên'

Hà Lan có hơn 25% diện tích nằm dưới mực nước biển trong khi Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam cũng đang bị ảnh hưởng bởi sụt lún, xâm nhập mặn, suy giảm nguồn cát.
Bộ trưởng Bộ Cơ sở Hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan Mark Harbers ấn tượng với những chính sách 'thuận thiên' để thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam. (Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Chiều 19/3, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, Bộ Cơ sở Hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo chuyên đề về các giải pháp phát triển bền vững dựa vào tự nhiên.

Đây là một trong nhiều hoạt động của Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan Mark Harbers tại Việt Nam.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Mark Harbers và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Lê Công Thành đều nhất trí cho rằng hai nước có nhiều yếu tố, điều kiện tự nhiên tương đồng và cùng phải hứng chịu nhiều tác động do biến đổi khí hậu.

Hà Lan có hơn 25% diện tích nằm dưới mực nước biển trong khi Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam cũng đang bị ảnh hưởng bởi sụt lún, xâm nhập mặn, suy giảm nguồn cát.

Hội thảo nhằm tăng cường liên kết, trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ quan chính phủ, tư nhân, các nhà khoa học của Hà Lan và Việt Nam về các chính sách, mô hình phát triển dựa vào tự nhiên, các công nghệ, giải pháp kỹ thuật, nguồn lực tài chính để thực hiện "phát triển thuận thiên."

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, Việt Nam mới tập trung triển khai các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu khoảng 15 năm, trong đó chủ trương thực hiện các giải pháp dựa vào tự nhiên mới gần 10 năm. Hà Lan đã tìm ra mô hình phát triển phù hợp từ hàng trăm năm nay là dựa vào tự nhiên để phát triển kinh tế hay còn gọi là "thuận thiên."

Thời gian qua đã có nhiều dự án của chính phủ, doanh nghiệp Hà Lan triển khai tại Việt Nam, góp phần hỗ trợ Việt Nam giải quyết các thách thức về an ninh lương thực, an ninh tài nguyên nước, rủi ro thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, qua đó giúp Việt Nam tăng cường khả năng phục hồi và thích ứng ở một số khu vực bao gồm bảo tồn rừng và phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn và phục hồi tài nguyên nước ngọt, phát triển nông nghiệp phát thải thấp, phòng chống ngập lụt đô thị.

Các chuyên gia Hà Lan cho rằng "phát triển thuận thiên" có cảm hứng từ tự nhiên, mượn tự nhiên, dựa vào tự nhiên. "Đầu tư thuận thiên" là đầu tư phát triển nhưng bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái tự nhiên. Trong quá trình tiến hành cần lồng ghép hiệu quả các giải pháp để vừa tiết kiệm chi phí, phát triển gắn với bảo tồn, thể hiện trách nhiệm với tương lai.

Là một trong những quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế dựa vào tự nhiên. Tuy nhiên, việc phát triển cần phù hợp với môi trường, điều kiện tự nhiên, khí hậu thổ nhưỡng, khả năng tài chính của doanh nghiệp cũng như người dân. Đây chính là cách Việt Nam thay đổi tầm nhìn, thay đổi tư duy về “thuận thiên," có giải pháp hài hòa để vừa phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo đảm sự cân bằng, bền vững của hệ sinh thái tự nhiên, tiết kiệm tài nguyên.

Về nguồn tài chính, các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng chính phủ Việt Nam trong quá trình xây dựng các giải pháp "phát triển thuận thiên," hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục