VietnamPlus: Về Nguồn nơi ‘đất biết nở, rừng biết đi và biển sinh sôi'

Chuyến đi "Về Nguồn" Đất Mũi-Cà Mau là dịp để các thành viên Báo Điện tử VietnamPlus hiểu thêm về lịch sử đất nước và tham gia hoạt động vì cộng đồng có ý nghĩa.
Những trái tim của từng cán bộ, nhân viên Báo Điện tử VietnamPlus dâng lên niềm tự hào khi được đặt chân đến vùng cực Nam Tổ quốc. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

“Nghe nói Cà Mau xa lắm/ Ở cuối cùng bản đồ Việt Nam/ Ngại chi đường xa không tới/ Về để nói với nhau mấy lời.”

Năm 2023, Báo Điện tử VietnamPlus chọn Đất Mũi Cà Mau làm điểm đến của hành trình “Về Nguồn,” hành trình thường niên của Báo để "làm dày  'data' về lịch sử đất nước và cùng chung sức, chung tay tham gia các hoạt động vì cộng đồng có ý nghĩa..."

Trên xe, chúng tôi nghe đi nghe lại bài hát "Áo mới Cà Mau" này mà thấy lòng rộn ràng, háo hức. Với các thành viên trong đoàn, được đặt chân đến cực Nam Tổ quốc là một trải nghiệm đầy xúc động, thiêng liêng.

Thiêng liêng địa đầu Tổ quốc

Mũi Cà Mau là mảnh đất nhô ra ở điểm tận cùng phía Nam của Tổ quốc Việt Nam thuộc địa phận xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, cách thành phố Cà Mau hơn 100 km. Đất Mũi luôn là một vùng đất thiêng liêng trong tâm thức người Việt Nam và trong đời, ai cũng ước một lần được ghé thăm.

Trước kia, khách tham quan muốn đến được Đất Mũi chủ yếu phải di chuyển bằng canô, tuy nhiên, từ khi thông xe tuyến Đường Hồ Chí Minh đoạn từ Năm Căn đến Đất Mũi thì hành trình được rút ngắn lại và thuận lợi hơn nhiều. Tuyến đường dài thẳng tắp nằm giữa những tán rừng “cây mắm đi trước, cây đước theo sau.”

Đoàn Báo Điện tử VietnamPlus chào cờ tại vùng đất cực Nam Tổ quốc. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Đoàn chúng tôi đến Cà Mau vào mùa mưa mà nắng vẫn còn gắt gay, nhưng sự náo nức của mỗi người khiến ai nấy đều quên đi cái nóng bức của miền Tây Nam Bộ. Đúng thôi, bao ước ao mới được đặt chân đến nơi “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm” - vùng đất thiêng liêng, biểu tượng của chủ quyền lãnh thổ, biểu tượng của ý chí người dân Đất Mũi bao đời khai hoang mở cõi, kiên cường bám trụ xây dựng quê hương.

Điểm đến của chúng tôi là Công viên Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau, tọa lạc trong Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Mũi Cà Mau được UNESCO công nhận vào tháng 5/2009.

Tại đây có Cột mốc Đường Hồ Chí Minh-Điểm Cuối Cà Mau Km 2436 là điểm cuối cùng trên chuyến hành trình trải dài từ Pắc Bó, Cao Bằng đến Đất Mũi, Cà Mau, đi qua 28 tỉnh và thành phố với chiều dài 3.183km.

Công trình gồm trụ giữa cao 19m và hai bức phù điêu, một bức tái hiện hình ảnh chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc của người dân Cà Mau; bức kia là cảnh người dân xây dựng và phát triển quê hương Cà Mau.

Hình tượng con tàu với cánh buồm căng gió tại Công viên Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau cũng là một trong những điểm nhấn thú vị. Trên cánh buồm có dòng chữ “Mũi Cà Mau 8°37'30'' vĩ độ Bắc, 104°43' kinh độ Đông. Đây là địa điểm quen thuộc mà mỗi du khách đến với Đất Mũi đều không thể bỏ qua để chụp ảnh lưu niệm, ghi lại những khoảnh khắc đánh dấu chuyến hành trình đến với vùng cực Nam của Tổ quốc.

Chuyến đi giúp các thành viên dâng lên niềm tự hào và xúc động. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Tiếp đến là Mốc Tọa độ GPS0001 (cây số 0) là một trong bốn điểm cực đánh dấu chủ quyền thiêng liêng của lãnh thổ Việt Nam trên đất liền. Cực Bắc là cột cờ Lũng Cú (Hà Giang), Cực Tây là xã Apa Chải (Mường Nhé, Điện Biên), Cực Đông là Mũi Đôi (Vạn Ninh, Khánh Hòa) và Cực Nam chính là Cột mốc Tọa độ Quốc gia GPS0001 tại Đất Mũi, Cà Mau. Ngay cạnh cột mốc là nơi trưng bày các bản đồ cổ gồm “An Nam Đại quốc Họa đồ” năm 1838 và “Hoàng Triều trực tỉnh Địa dư toàn đồ” năm 1904. Đây là những bằng chứng lịch sử chứng minh chủ quyền quần đảo Trường Sa-Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Đến khu vực Cột cờ Hà Nội (mô phỏng công trình cột cờ tại Thủ đô), đoàn Báo Điện tử VietnamPlus thực hiện nghi thức chào cờ. Đặt tay lên ngực, hướng mắt theo lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nền trời xanh biếc, chúng tôi hát vang Quốc ca trong rưng rưng xúc động. Một niềm tự hào, thân thương từ sâu trong tâm khảm trào dâng trong mỗi người...

Tự hào đặt chân đến Cực Nam

Suốt 15 năm kể từ khi thành lập, Báo Điện tử VietnamPlus đều tiến hành những chuyến “Về Nguồn” tại các di tích lịch sử gắn với truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc hoặc lịch sử hình thành và phát triển của Thông tấn xã Việt Nam.

Lãnh đạo và phóng viên, biên tập viên Báo Điện tử VietnamPlus cùng các cán bộ địa phương tại điểm trường nơi trao quà. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Đó là nét văn hóa của báo và chủ trương của lãnh đạo, để đội ngũ phóng viên, biên tập viên có cơ hội tìm hiểu về lịch sử, trang bị thêm kỹ năng tác nghiệp và khơi dậy lên niềm tự hào, lòng yêu nghề, yêu đất nước.

Chúng tôi đã hát Quốc ca trên Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang); dâng hương Di tích K9 - Nơi ghi dấu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dâng hương ở Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn (Quảng Trị), Nghĩa trang Liệt sĩ Hàng Dương (Côn Đảo), Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang); thăm Di tích T6, một trong những cơ sở sơ tán của Việt Nam Thông tấn xã trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (Quốc Oai, Hà Nội). Chúng tôi cũng đã đến Cao Bằng, thăm Hang Pác Bó, đã đến "địa đầu Móng Cái" nơi có Mũi Sa Vĩ (còn gọi là mũi Gót) và nhiều địa điểm khác.

Đi đến nơi nào, báo cũng huy động sự đóng góp của các thành viên và kêu gọi thêm sự hỗ trợ của các đơn vị khác để thực hiện các hoạt động thiện nguyện.

[Báo Điện tử VietnamPlus chung tay hỗ trợ học sinh vùng khó Đất Mũi]

Năm nay, đến với Cà Mau, Báo Điện tử VietnamPlus đã trao tặng trang thiết bị và thực hiện hoạt động truyền thông chủ đề: "Nâng cao nhận thức về thể dục thể thao-tăng cường thể chất cho học sinh" ở xã Đất Mũi.

Cùng tham gia lắp đặt thảm tập thể dục cho học sinh Trường Tiểu học 3 xã Đất Mũi, Phó Tổng Biên tập Đoàn Ngọc Thu bày tỏ niềm vui khi báo lại có thêm một chuyến đi ý nghĩa.

Đoàn Báo Điện tử VietnamPlus tại Cột mốc Đường Hồ Chí Minh-Điểm cuối Cà Mau Km 2436. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

“Hành trình ‘Về Nguồn’ hàng năm là cơ hội gắn kết các thành viên Báo Điện tử VietnamPlus. Chúng tôi cùng làm những việc ý nghĩa cho cộng đồng, tìm hiểu thêm về lịch sử và tận hưởng giờ phút giải lao sau những ngày làm việc căng thẳng, để rồi lại hăng say sáng tạo, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của mình,” nhà báo Đoàn Ngọc Thu chia sẻ.

Chị cho hay Báo đã làm việc nhiều ngày với Cơ quan Đại diện Thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Cà Mau và lãnh đạo xã Đất Mũi để cùng thảo luận, tìm hiểu những khó khăn tại địa phương, từ đó đưa ra quyết định rằng mình sẽ trao tặng món quà gì, trong điều kiện kinh phí hạn hẹp của báo.

“Đất Mũi là xã cuối cùng trên bản đồ đất liền Việt Nam, nơi cực Nam Tổ quốc. Người dân nơi đây còn khó khăn, thiếu thốn. Do đó, chúng tôi mong muốn làm được điều gì thiết thực nhất trong khả năng của mình. Đó là những trang thiết bị thể dục thể thao để các em học sinh có điều kiện rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể chất, vì sức khỏe là món quà quý giá nhất,” nhà báo Đoàn Ngọc Thu bày tỏ.

"Năm năm trước, chúng tôi đã đến Mũi Sa Vĩ, nơi địa đầu Móng Cái vì vậy địa danh chọn của lần 'Về Nguồn' năm nay, là ước muốn của hầu hết các thành viên của Báo, để hoàn thành chặng đường "Từ Trà Cổ rừng dương / Đến Cà Mau rừng đước." Ý nghĩa hơn là Đất Mũi cũng là điểm cuối Đường Hồ Chí Minh với cột mốc số 2436, và Báo Điện tử VietnamPlus cũng hoàn tất hành trình theo Đường Hồ Chí Minh-con đường huyền thoại, con đường Cách mạng trải dài từ điểm đầu Pắc Bó - Cao Bằng (nơi Báo đã "Về Nguồn" 4 năm trước) đến điểm cuối Đất Mũi - Cà Mau, đi qua 28 tỉnh, thành phố với chiều dài 3.183km. 

Giúp học sinh nâng cao ý thức và có thêm điều kiện rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể lực, từ đó học tập tốt hơn là mục tiêu chương trình hướng đến. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Với cá nhân Tổng Biên tập Trần Tiến Duẩn, anh cảm thấy xúc động, tự hào khi chạm tay vào cột mốc chủ quyền quốc gia, ngắm lá cờ đỏ tung bay trên biểu tượng con tàu căng buồm ra khơi như chính hình ảnh Tổ quốc đang vươn ra biển lớn.

“Đất Mũi, nơi có đảo nhỏ Hòn Khoai là trụ sở của Chi bộ Đảng Cà Mau, do đồng chí Phan Ngọc Hiển lãnh đạo đã ra quyết định hưởng ứng khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23/11/1940. Những giá trị lịch sử gợi lên cho đoàn Báo Điện tử VietnamPlus những cảm xúc lắng đọng, tự hào,” nhà báo Trần Tiến Duẩn nói.

Là một người trẻ, Đoàn viên Nguyễn Lan Phương chăm chú nghe cán bộ xã Đất Mũi giới thiệu về những địa danh lịch sử nơi đây. Với Phương, đây là chuyến đi rất có ý nghĩa.

“Trong tâm thế ‘Về Nguồn,’ chúng tôi hào hứng lắng nghe các bài học lịch sử. Tôi thấy rất thú vị khi được hiểu thêm về lịch sử hình thành Đất Mũi, thêm cảm phục khả năng sinh tồn và ý chí của người dân nơi đây, được đi sâu vào trong rừng đước, rừng mắm rậm rạp, mới hiểu thế nào là ‘rừng che bộ đội, rừng vây quân thù’,” Lan Phương bày tỏ.

Với tất cả thành viên của Báo Điện tử VietnamPlus, chuyến "Về Nguồn" tại Đất Mũi, Cà Mau vô cùng có ý nghĩa. Chúng tôi tự hào khi được đặt chân đến Cực Nam Tổ quốc, được đặt chân đến nơi được ví von là “đất biết nở, rừng biết đi và biển sinh sôi” nghe kể về những chiến tích ông cha mở đất, mở đường, khai hoang lập đất và chiến đấu để bảo vệ chủ quyền dân tộc... để rồi mỗi chúng tôi lại tự nhắc nhở bản thân nỗ lực hơn nữa trong cuộc sống và công việc của mình, để được là một hạt phù sa góp công dựng xây đất nước thêm giàu đẹp.

“Ơi Đất Mũi Cà Mau/ Trăm thương ngàn mến/ Một hạt phù sa lấn biển thêm rừng/ Đều giục người đi nhanh nhanh đôi bàn chân/ Nhanh nhanh những nghĩ suy và ước vọng/ Về đất biển Cà Mau thấy đất trời thêm rộng lớn” (Đất Mũi Cà Mau, Hoàng Hiệp)./.

Chuyến thăm T6 giúp cán bộ, nhân viên Báo Điện tử VietnamPlus hiểu thêm những khó khăn của các bậc cha anh đi trước trong việc truyền tải thông tin kịp thời tới độc giả. (Ảnh: Vietnam+)
Lãnh đạo, cán bộ nhân viên của Báo Điện tử VietnamPlus nghe kể về công tác tác nghiệp của phóng viên TTXVN tại Đài thu phát tin dự phòng T6 trong những năm kháng chiến.(Ảnh:Vietnam+)
Cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Báo Điện tử VietnamPlus tại Hang Gió, Đài T6. (Ảnh:Vietnam+)
Chuyến thăm An toàn Khu Tuyên Quang vào năm 2015 để cùng ôn lại chặng đường lịch sử của dân tộc. (Ảnh:Vietnam+)
Chuyến ''Về Nguồn" và trao tặng quà tại Tuyên Quang năm 2015.(Ảnh:Vietnam+)
Tập thể lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên Báo Điện tử VietnamPlus dâng hương trước ban thờ Bác Hồ tại Nhà Tưởng niệm Khu Di tích Đá Chông-K9, Ba Vì, Hà Nội. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)
Báo Điện tử VietnamPlus chụp ảnh kỷ niệm tại Di tích Đá Chông, K9- núi Tản Viên, Ba Vì, Hà Nội (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Thăm Địa đầu Móng Cái, km số 0 Tràng Vĩ. (Ảnh:Vietnam+)
Tại mỗi nơi dừng chân, người Báo Điện tử VietnamPlus lại thấy tự hào hơn về mảnh đất của quê hương, giúp chúng tôi vững tin trên con đường mình đã chọn (Ảnh chụp tại Sa Vĩ-Móng Cái, địa đầu Tổ Quốc/Vietnam+)
Hành trình tới Km số 0 Đường Hồ Chí Minh lịch sử tại Cao Bằng. (Ảnh:Vietnam+)
Chuyến đi tới Thác Bản Giốc (Cao Bằng), thăm Cột mốc 836 là một trải nghiệm thú vị, nâng cao ý thức chủ quyền lãnh thổ của Báo Điện tử VietnamPlus. (Ảnh:Vietnam+)
Thăm Làng Sen nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh:Vietnam+)
Thăm Nhà Tưởng niệm Nhà báo-Liệt sĩ Trần Kim Xuyến, liệt sĩ đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam. (Ảnh:Vietnam+)
Chuyến đi ''Về Nguồn" tại Bắc Giang năm 2019. (Ảnh:Vietnam+)
Dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì bảo vệ biên cương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang) năm 2020. (Ảnh:Vietnam+)
Dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì bảo vệ biên cương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang) năm 2020. (Ảnh:Vietnam+)
Báo Điện tử VietnamPlus tại Cột cờ Lũng Cú, điểm Cực Bắc của Tổ quốc. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Báo Điện tử VietnamPlus tại Cột cờ Lũng Cú, điểm Cực Bắc của Tổ quốc. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Báo Điện tử VietnamPlus tại Cột mốc km số 0, Hà Giang. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đoàn cán bộ Báo Điện tử VietnamPlus vào viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Chụp ảnh lưu niệm tại Tượng đài Mẹ Suốt ở Quảng Bình. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đoàn Báo Điện tử VietnamPlus chụp ảnh lưu niệm tại Thành cổ Quảng Trị.(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Thắp hương tưởng nhớ các liệt sỹ hy sinh vì độc lập dân tộc tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Cầu Hiền Lương lịch sử - nhịp nối giữa Cột cờ phía Bắc và Cụm Tượng đài “Khát vọng thống nhất” ở bờ Nam. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Báo Điện tử VietnamPlus dâng hương tại mộ người nữ anh hùng Võ Thị Sáu. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Báo Điện tử VietnamPlus thăm Di tích Chuồng cọp-Nhà tù Côn Đảo nơi thực dân Pháp giam giữ và tra tấn dã man những người tù chính trị, những chiến sĩ cách mạng yêu nước. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục