Vụ án Công ty IPC và SADECO: Trả hồ sơ đề nghị điều tra bổ sung

Trong vụ án, các đối tượng đã lợi dụng chủ trương cổ phần hóa của Nhà nước, kết hợp với tư nhân thực hiện hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho tài sản của Nhà nước.
Trụ sở của công ty IPC. (Nguồn: cand.com.vn)

Ngày 10/3, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung vụ án "Tham ô tài sản," "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty phát triển Nam Sài Gòn (SADECO), liên quan đến vấn đề xác định thiệt hại của vụ án.

Đây là vụ án có tính chất phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, các đối tượng đã lợi dụng chủ trương cổ phần hóa của Nhà nước, kết hợp với tư nhân thực hiện hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho tài sản của Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước.

Trước đó ngày 11/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kết luận điều tra số 481-25/KLĐT-PC03 về vụ án trên, chuyển Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, đề nghị truy tố 19 bị can.

Cơ quan điều tra xác định bị can Tề Trí Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty IPC, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty SADECO) có vai trò chủ mưu trong vụ án.

Cụ thể, trong việc phát hành 9 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược, bị can Tề Trí Dũng và các cá nhân có chức vụ tại Công ty SADECO, Công ty IPC và người đại diện vốn Nhà nước đã thông qua việc bán cổ phiếu của Công ty SADECO cho Công ty Nguyễn Kim mà không qua đấu giá, đấu thầu, trái với quy định tại khoản 3 Điều 38 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, gây thiệt hại hơn 940 tỷ đồng.

Tề Trí Dũng có vai trò xuyên suốt từ việc thực hiện các thủ tục hợp tác, thực hiện chủ trương hợp tác với Công ty Nguyễn Kim đến khi hoàn thành việc phát hành cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim.

Tề Trí Dũng và đồng phạm đã sử dụng kết quả thẩm định giá của doanh nghiệp không có chức năng thẩm định giá, từ đó định giá cổ phiếu của Công ty SADECO thời điểm đó là 40.000 đồng/cổ phiếu là thấp hơn thực tế, gây thiệt hại cho Công ty SADECO hơn 940 tỷ đồng.

Trong quá trình công tác, Tề Trí Dũng còn chủ trương sử dụng tiền của Công ty SADECO đi tham quan, du lịch dưới danh nghĩa đi khảo sát, học tập. Bị can đã trao đổi với Nguyễn Thị Lâm Thủy (Công ty Du lịch Bến Thành) và giao cho bị can Hồ Thị Thanh Phúc (nguyên Tổng Giám đốc Công ty SADECO) tổ chức thực hiện.

Bị can Tề Trí Dũng trực tiếp tham gia chuyến đi, biết rõ thành phần những người cùng tham gia không đúng thành phần nhưng vẫn thực hiện dẫn đến việc sử dụng tiền của Công ty SADECO không đúng quy định, gây thất thoát cho Công ty số tiền hơn 3,8 tỷ đồng.

Về hành vi tham ô tài sản, Cơ quan điều tra xác định, Tề Trí Dũng đã chiếm đoạt và sử dụng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng. Cụ thể, Tề Trí Dũng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để duyệt chi nhiều khoản tiền từ nguồn thù lao và quỹ khen thưởng của Công ty SADECO cho bản thân và các thành viên Hội đồng quản trị khác sử dụng cá nhân trái quy định.

Ngoài bị can Dũng, bị can Hồ Thị Thanh Phúc cũng bị đề nghị truy tố về hai tội "Tham ô tài sản" và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí."

17 bị can còn lại bị đề nghị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí."

Trong vụ án này, bị can Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" liên quan đến hành vi phát hành sai quy định 9.000.000 cổ phiếu SADECO cho Công ty Nguyễn Kim.

[Hoàn tất kết luận điều tra IPC, SADECO: Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng]

Từ ngày 5/2/2016-17/1/2018, ông Tất Thành Cang giữ vai trò là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy với trách nhiệm: phụ trách Văn phòng Thành ủy; chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự toán ngân sách Đảng bộ được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua; chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyết định chủ trương đầu tư các dự án, công trình, các chương trình đầu tư phát triển của Đảng bộ Thành phố.

Ngày 16/5/2017, bị can Tất Thành Cang có bút phê “Đồng ý" vào tờ trình số 1148-TTr ngày 28/4/2017 của Văn phòng Thành ủy về giá phát hành cổ phiếu của SADECO (được xác định 40.000 đồng/cổ phiếu) cho 1 cổ đông chiến lược. Cơ quan điều tra cho rằng việc này là sai quy định tại Điều 125 và điểm d khoản 2 Điều 149 Luật Doanh nghiệp.

Bị can Tất Thành Cang biết rõ việc phát hành cổ phiếu phải thực hiện đấu giá, thẩm định giá theo Điều 38 Nghị định 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ nhưng không chỉ đạo Văn phòng Thành ủy, người đại diện vốn tại Công ty SADECO, có ý kiến về việc đấu giá, thẩm định giá theo quy định. Hành vi của bị cáo Tất Thành Cang đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bị can Tất Thành Cang phải chịu trách nhiệm đối với số tiền thất thoát, thiệt hại tương ứng với phần sở hữu của Văn phòng Thành ủy tại Công ty SADECO (16,7%) là hơn 157 tỷ đồng.

Cùng chịu trách nhiệm với số tiền này còn có bị can Phạm Văn Thông - nguyên Phó Chánh Văn phòng Thành ủy, là người đại diện vốn sở hữu của Văn phòng Thành ủy tại Công ty SADECO./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục