Vụ OceanBank: Luật sư nêu quan điểm bồi thường cho nguyên đơn dân sự

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho PVN tại phiên tòa đã nêu quan điểm đề nghị bồi thường cho nguyên đơn dân sự trong vụ án là PVN.
Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngày 23/3, phiên tòa xét xử vụ án góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) tiếp tục với phần tham gia tranh luận của các luật sư.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho PVN tại phiên tòa đã nêu quan điểm đề nghị bồi thường cho nguyên đơn dân sự trong vụ án là PVN.

PVN đề nghị xem xét phần liên quan theo quy định của pháp luật

Luật sư Nguyễn Văn Thái (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho PVN) đã trích dẫn nội dung luận tội của đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa cho rằng nguyên nhân dẫn đến PVN bị mất hoàn toàn 800 tỷ đồng vốn góp vào OceanBank do là hành vi làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế của các bị cáo. Trên cơ sở đó, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử xác định trách nhiệm dân sự các bị cáo phải liên đới bồi thường cho PVN 800 tỷ đồng.

Về vấn đề này, PVN tiếp tục bảo lưu quan điểm đề nghị Tòa án căn cứ vào kết quả điều tra và kết luận của cơ quan tố tụng xem xét phần liên quan đến PVN đúng quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của PVN và Nhà nước.

[Tranh luận về tính pháp lý của thỏa thuận góp vốn vào OceanBank]

Đối với việc xử lý vật chứng 20 tỷ đồng mà bị cáo Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và Kiểm toán PVN) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản,” Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên hoàn trả số tiền này cho PVN.

Quan điểm của PVN cho rằng đây là quan hệ cá nhân phát sinh giữa bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN) và bị cáo Ninh Văn Quỳnh, chỉ liên quan đến tội danh Viện Kiểm sát cáo buộc cho riêng bị cáo Ninh Văn Quỳnh.

Luật sư của PVN đã đề nghị: “Hội đồng xét xử căn cứ vào các tình tiết khách quan của vụ án, trên cơ sở hồ sơ đã được thẩm tra công khai tại tòa để ra quyết định xử lý vật chứng phù hợp với quy định pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các đương sự.”

Đại diện PVN cũng đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc, xem xét đến bối cảnh chung để có đánh giá khách quan, toàn diện trong quá trình giải quyết vụ án. Đối với trách nhiệm pháp lý của các bị cáo, PVN nêu quan điểm đề nghị Hội đồng xét xử trong quá trình xem xét trách nhiệm pháp lý của các bị cáo, cân nhắc đầy đủ các yếu tố của quá trình điều tra và tại phiên tòa, bối cảnh lịch sử của các sự kiện, nhân thân của các bị cáo... từ đó đề nghị Hội đồng xét xử đưa ra phán quyết công minh, thấu tình đạt lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bị cáo.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tự bào chữa tại phiên tòa. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Riêng về vấn đề lãi ngoài hợp đồng tiền gửi tại OceanBank, PVN khẳng định hoàn toàn không có chủ trương và không nhận lãi ngoài từ OceanBank hay bất kỳ ngân hàng nào khác. Qua tài liệu, chứng cứ và lời khai của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm nêu rằng OceanBank đã chi tiền “chăm sóc khách hàng” cho PVN, mặc dù quá trình điều tra từ giai đoạn trước của vụ án tới nay đều không có bất kỳ chứng cứ nào chứng minh cho các lời khai kể trên.

Tuy nhiên, dựa vào lời khai này, một số vị luật sư đã sử dụng và đặt ra nghi vấn về việc PVN có chủ trương và nhận tiền lãi ngoài hợp đồng tiền gửi từ OceanBank trong quá trình xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa. Việc này gây ra định kiến và dư luận bất lợi cho hình ảnh, uy tín của PVN.

Vì vậy, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho PVN có mặt tại phiên tòa đã đề nghị Hội đồng xét xử kiểm tra, đánh giá các lời khai trên như một nguồn chứng cứ không có cơ sở và không bảo đảm tính khách quan để bác bỏ khi đưa ra phán quyết.

Tranh luận về tiền chi chăm sóc khách hàng của OceanBank

Cũng liên quan đến nội dung chi tiền chăm sóc khách hàng của OceanBank, luật sư Phạm Công Hùng (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn) cho rằng trong giai đoạn điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo Ninh Văn Quỳnh đã khai sau khi nhận 20 tỷ đồng từ Nguyễn Xuân Sơn, bị cáo Quỳnh đã chi tiêu cá nhân không có chứng từ và sử dụng một phần chi phí nghỉ mát liên hoan tại Ban Kế toán và đối ngoại (cũng không có chứng từ).

Ngoài ra, bị cáo Quỳnh cũng khai trong giai đoạn điều tra và tại phiên tòa về các khoản chi 20 tỷ đồng nhận từ bị cáo Sơn. Tuy nhiên, riêng khoản chi đối ngoại thì bị cáo Quỳnh không giải trình chi tiết.

Luật sư Hùng cho rằng trả lời của bị cáo Ninh Văn Quỳnh về nội dung chi đối ngoại không phù hợp với lời khai của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm. Cụ thể, trong khi bị cáo Quỳnh khai “đối ngoại là chi phí thêm cho các nhân viên cấp dưới khi đi công tác,” thì bị cáo Sơn lại cho rằng “chi đối ngoại là chi cho những người không thuộc quyền quản lý của bị cáo Sơn và bị cáo Quỳnh trong các dịp lễ, Tết và các dịp đối ngoại khác.”

Cùng bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, luật sư Nguyễn Thị Minh Châu đã phân tích lời khai của bị cáo Quỳnh tại tòa về việc “khoảng tháng 12/2010 đến tháng 12/2013, cứ 2-3 tháng, bị cáo Sơn đưa tiền cho tôi 1 lần...”

Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tại phiên tòa. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Theo luật sư Minh Châu, trong lời khai này tồn tại một điểm vô lý là khi bị cáo Sơn đã chuyển về PVN và được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc của PVN (cấp trên của bị cáo Quỳnh), tại sao bị cáo Sơn vẫn tiếp tục nhận tiền chăm sóc khách hàng từ Hà Văn Thắm để đưa cho bị cáo Quỳnh một khoản tiền lớn như vậy.

Mặt khác, về lời khai của bị cáo Quỳnh cho rằng “Khi anh Sơn được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc PVN nhưng vẫn đưa tiền cho tôi thì tôi hiểu đó là tiền của OceanBank,” luật sư cho rằng lời khai này là vô lý và chưa được cơ quan điều tra làm rõ bản chất, chưa làm rõ được đó là tiền của OceanBank hay tiền của cá nhân bị cáo Sơn.

Ngày mai (24/3), đại diện Viện Kiểm sát và các luật sư tiếp tục tham gia đối đáp tại phiên tòa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục