Vụ sạt lở đèo Bảo Lộc: Trách nhiệm về rà soát, quản lý rừng phòng hộ

Theo đại diện Cục Lâm nghiệp, thảm thực bì là cây sầu riêng không thể tăng cường độ che phủ khi có thiên tai. Cùng với đó, mưa lớn kéo dài và vị trí thế đất cao đã gây ra vụ sạt lở nghiêm trọng.

Chiều 1/8, đại diện Cục Lâm nghiệp đã có nhận định về mới về vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Theo ông Triệu Văn Lực, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), vườn sầu riêng ở vị trí sạt lở được trồng sai quy định. Khu vực trồng sầu riêng vốn để trồng rừng phòng hộ.

Cây trồng cho rừng phòng hộ cần là giống bản địa, có bộ rễ phát triển, lá không rụng theo mùa. Tuy nhiên, cây sầu riêng không đáp ứng được yêu cầu này.

[Vụ sạt lở đèo Bảo Lộc: Xác nhận sầu riêng trồng trên đất rừng phòng hộ]

Theo ảnh vệ tinh, vườn cây sầu riêng thưa thớt, lộ ra nhiều khoảng đất trống. Vì vậy, hàng rào phòng hộ khó chống chịu trước thiên tai. Khi vụ sạt lở xảy ra, vườn cây không thể giúp giảm thiểu hậu quả.

Vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc đã lấy đi mạng sống của 4 người, trong đó có 3 chiến sỹ cảnh sát giao thông. 

Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đang tiếp tục làm rõ các nguyên nhân và khắc phục sự cố./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục