Vụ Vạn Thịnh Phát: Chủ tịch Times Square Chu Lập Cơ thừa nhận hành vi vi phạm

Chu Lập Cơ, Chủ tịch Công ty Times Square tại Việt Nam, thừa nhận ký “khống” văn bản thế chấp tài sản vào năm 2012, 2017 để giúp Trương Mỹ Lan rút tiền sai quy định tại SCB, gây thiệt hại lớn cho SCB.
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 8/3. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ngày 8/3, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phần thẩm vấn và xét hỏi các bị cáo trong phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan.

Tại tòa, bị cáo Chu Lập Cơ (tên thật Chu Nap Kee Eric), quốc tịch Hong Kong (Trung Quốc), Chủ tịch Công ty Cổ phần Times Square tại Việt Nam và là chồng bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), cho biết đã nhận được bản dịch của cáo trạng.

Bị cáo Chu Lập Cơ là cổ đông chính (có 99,26% cổ phần), Chủ tịch Hội đồng Quản trị, giữ vai trò quyết định cao nhất tại Công ty Cổ phần Times Square tại Việt Nam - một trong các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Theo cáo trạng, bị cáo Chu Lập Cơ bị cáo buộc trong các năm 2012 và 2017, theo yêu cầu của vợ là Trương Mỹ Lan đã ký “khống” nhiều biên bản đại hội cổ đông, Hội đồng Quản trị để thế chấp tài sản của Công ty Cổ phần Times Square tại Việt Nam, bảo lãnh cho 73 khoản vay tại Ngân hàng SCB.

Cụ thể, năm 2012, để lập hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng SCB nhằm cơ cấu các khoản nợ xấu sau khi hợp nhất 3 ngân hàng thành Ngân hàng SCB, Trương Mỹ Lan đã trao đổi, thống nhất với bị cáo Chu Lập Cơ và lãnh đạo Ngân hàng SCB về việc sử dụng tài sản Dự án Times Square, bao gồm quyền sử dụng đất thuê và tài sản hình thành trong tương lai gắn liền với đất thuê như cao ốc phức hợp văn phòng-khách sạn-căn hộ cao cấp-Trung tâm Thương Mại Times Square để đảm bảo cho các khoản vay.

Bị cáo Cơ sau đó ký Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông để thế chấp tài sản bảo lãnh nợ vay cho 73 khoản vay của 67 khách hàng cá nhân, tổ chức do Trương Mỹ Lan chỉ định; tổng số tiền giải ngân là gần 30.000 tỷ đồng.

Đến năm 2017, do phương án vay vốn là lập “khống,” khoản vay chỉ dùng trả nợ xấu, không có nguồn để thu hồi gốc, lãi nên các khoản nợ đến hạn nhưng không thể trả được.

Trương Mỹ Lan lại thuyết phục Chu Lập Cơ ký biên bản họp Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Times Square tại Việt Nam, sử dụng tài sản để thế chấp đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ vay cho 54 khách hàng nhằm gia hạn nợ.

Với các hành vi trên, cơ quan điều tra xác định bị cáo Chu Lập Cơ đã giúp sức bị cáo Trương Mỹ Lan rút tiền, gây thiệt hại cho SCB hơn 9.116 tỷ đồng.

Khai báo tại tòa, bị cáo Chu Lập Cơ thừa nhận hành vi ký “khống” văn bản thế chấp tài sản vào các năm 2012, 2017 để giúp Trương Mỹ Lan rút tiền sai quy định tại SCB, gây thiệt hại lớn cho ngân hàng này.

Tuy nhiên, Chu Lập Cơ cũng cho biết thời điểm đó bị cáo không ý thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, bị cáo chỉ nghĩ rằng bản thân đang giúp vợ tái cơ cấu SCB, giúp ngân hàng vượt qua giai đoạn khó khăn.

Bị cáo Cơ nói thêm bản thân không biết Tiếng Việt cũng không ai trao đổi cho bị cáo bằng tiếng Việt hay văn bản tiếng Việt mà chỉ cho bị cáo xem các văn bản bằng tiếng Anh nên không nắm được nội dung mình đã ký.

Bị cáo hoàn toàn ký theo yêu cầu của vợ là bị cáo Lan. Ngay cả ngày tháng ký cụ thể bị cáo cũng không nhớ.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Bị cáo Cơ cũng khẳng định không biết tài sản thế chấp của mình đã được những ai đứng tên khoản vay và vay bao nhiêu, vay để làm gì. Cho đến khi làm việc với cơ quan điều tra thì bị cáo mới nhận thức rõ được sai phạm của mình. Bị cáo có nguyện vọng được khắc phục hậu quả.

Phiên tòa cũng tiếp tục xét hỏi nhóm bị cáo nguyên là cán bộ thanh tra, giám sát ngân hàng bị truy tố phạm tội vì đã nhận tiền, quà, vật chất từ Ngân hàng SCB để cố tình báo cáo sai, báo cáo không trung thực, giúp bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm chiếm đoạt của Ngân hàng SCB số tiền đặc biệt lớn.

Bị cáo Nguyễn Thị Phụng (cựu Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát Ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước) khai đã nhận từ bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) số tiền 20.000 USD, 210 triệu đồng, đồng hồ, túi xách để bỏ qua những sai phạm của SCB.

Bị cáo Phụng thừa nhận cáo trạng truy tố đúng và bị cáo đã nộp lại toàn bộ cho cơ quan điều tra những gì đã nhận.

Bị cáo Vũ Khánh Linh (cựu Phó trưởng Phòng Thanh tra Ngân hàng Thương mại cổ phần, Cục Thanh tra, giám sát Ngân hàng II) khai bản thân được giao tổng hợp báo cáo, không nắm rõ sai phạm của Ngân hàng SCB như thế nào, chỉ nghĩ là hoàn thành công việc mà trưởng đoàn thanh tra giao cho.

Do đó khi cấp trên chỉ đạo sửa nội dung nào thì bị cáo sửa nội dung đó. Bị cáo Linh khai nhận số tiền 100 triệu đồng từ bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn và đã nộp lại để khắc phục hậu quả.

Các bị cáo Vương Đỗ Anh Tuấn (cựu Tổ trưởng tổ thanh tra số 3 đợt 1 và cựu Tổ trưởng tổ 2 đợt 2), Trần Văn Tuấn (cựu Tổ trưởng tổ thanh tra số 4 đợt 1 và cựu thành viên Tổ 1 đợt 2), Lê Thanh Hà (cựu Tổ trưởng cả 2 đợt thanh tra)... cũng khai nghe theo chỉ đạo của cấp trên mà báo cáo không trung thực, không đầy đủ kết quả thanh tra lên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ.

Các bị cáo thừa nhận đã nhận tiền, quà của Ngân hàng SCB./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục