Chiều 11/3, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh với các bị cáo.
Là bị cáo đầu tiên được xét hỏi, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, cựu Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB thừa nhận hành vi giúp bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hợp thức 617 khoản vay, chiếm đoạt 200.690 tỷ đồng của SCB trong giai đoạn 2017-2022.
Tuy nhiên, bị cáo Dung khẳng định không tham gia vào việc tìm người vay hay tạo lập công ty mà bị cáo chỉ yêu cầu cấp dưới thực hiện thủ tục hồ sơ vay.
Theo đó, khi Trương Mỹ Lan cần một số tiền để phục vụ nhiều mục đích thì Dung được chỉ đạo phối hợp với nhóm Vạn Thịnh Phát để lấy thông tin về cá nhân, pháp nhân đứng tên khoản vay, tài sản đảm bảo.
Theo cáo trạng, Trương Mỹ Lan bị cáo buộc trong giai đoạn 2012-2022 đã tiến hành rút hơn 1 triệu tỷ đồng ra khỏi SCB, gây thiệt hại hơn 677.000 tỷ đồng cho ngân hàng.
Tuy nhiên, trong phiên xử sáng nay, bị cáo Trương Mỹ Lan đã khai chính nhóm cựu lãnh đạo SCB đã tự tạo lập các khoản vay và mượn tài sản của Vạn Thịnh Phát đưa vào để thế chấp, rồi rút tiền của ngân hàng, không phải bị cáo Lan làm việc này.
Viện Kiểm sát yêu cầu Trần Thị Mỹ Dung đánh giá lời khai này của Trương Mỹ Lan. Trả lời câu hỏi của Viện Kiểm sát, Trần Thị Mỹ Dung cho rằng, lời khai của bị cáo Lan là có ý “đổ” trách nhiệm cho nhóm cựu lãnh đạo SCB.
Bị cáo Dung cho biết, bản thân bắt đầu làm ở SCB từ tháng 5/2010, trải qua nhiều vị trí, chức vụ từ phó giám đốc khối tái thẩm định cho đến phó tổng giám đốc và được người tiền nhiệm là cựu Phó Tổng Giám đốc SCB Nguyễn Phương Hồng giới thiệu với Trương Mỹ Lan.
Dung cho biết, khi bắt đầu làm tại SCB rất thần tượng bị cáo Lan và tin tưởng vào tài kinh doanh của Lan nên trung thành tuyệt đối, Lan “sai gì làm đó.”
Không chỉ Dung mà toàn bộ ban lãnh đạo SCB đều rất tin tưởng, làm việc hết mình, không nghi ngờ bị cáo Lan. Tuy nhiên, trước hành động “đổ” trách nhiệm của Lan, bị cáo cảm thấy bản thân đã “đặt niềm tin sai chỗ.”
Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung cũng xác nhận việc tài xế Bùi Anh Dũng, lái xe riêng của bị cáo Trương Mỹ Lan đã chở 108 nghìn tỷ đồng và 14,7 triệu USD về nhà Lan ở địa chỉ 127 Paster (Quận 3) hoặc đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại địa chỉ 193-203 Trần Hưng Đạo (Quận 1) theo chỉ đạo của Lan. Trong phiên xử sáng nay, bị cáo Lan đã phủ nhận tình tiết này.
Bị cáo Dung cũng cho biết bản thân là người nhận lệnh từ Trương Mỹ Lan rồi truyền đạt lại với các chi nhánh của SCB, yêu cầu chuẩn bị tiền. Dung còn được bị cáo Lan yêu cầu mua “sim rác” để trao đổi việc rút tiền của ngân hàng.
Mục đích sử dụng tiền từ SCB của Trương Mỹ Lan, bị cáo Dung cho biết bản thân không nắm được hết, nhưng chủ yếu là để Lan chi tiêu, trả nợ hoặc mua tài sản như Dự án Đông Á ở Quận 7, thanh toán cho các dự án khác như Dự án Sài Gòn One Tower, Dự án Mũi Đèn Đỏ…
Tương tự, trong phần trả lời các câu hỏi tại tòa, bị cáo Tạ Chiêu Trung (cựu Tổng Giám đốc Công ty Việt Vĩnh Phú) khai được bị cáo Trương Mỹ Lan giao theo dõi, quản lý biến động của nhóm cổ đông đứng tên cổ phần cho bị cáo Lan tại SCB.
Nhiệm vụ của Trung là lập bảng theo dõi có sẵn thông tin người đứng cổ phần; điều hành việc chuyển nhượng cổ phần giữa các cổ đông theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan để đảm bảo các cá nhân đứng tên cổ phần giúp Lan theo đúng tỷ lệ phần trăm của Ngân hàng Nhà nước (dưới 5%).
Khi có phát sinh chuyển nhượng hoặc thay đổi thông tin về người đứng tên cổ phần thì Trung sẽ cập nhật trên bảng này.
Đặc biệt, theo Trung, những người đứng tên cổ phần cho Trương Mỹ Lan phải là người thân quen để họ “không gây khó dễ.” Nếu có cá nhân đứng tên nào chuyển nơi cư trú ra nước ngoài hoặc bệnh nặng thì phải chuyển nhượng ngay cho người khác nhằm “tránh rắc rối.”
Để chuyển nhượng cổ phần, Tạ Chiêu Trung liên hệ với Đặng Phương Hoài Tâm (Văn phòng hội đồng quản trị Công ty Vạn Thịnh Phát) và các nhân viên tập đoàn lấy thông tin nhân thân của người nhận chuyển nhượng.
Bị cáo Trương Mỹ Lan là người chi trả tiền thuế, phí chuyển nhượng.Bị cáo Dương Tấn Trước, cựu Tổng Giám đốc Công ty Tường Việt được Viện Kiểm sát yêu cầu giải trình về lời khai của Trương Mỹ Lan về việc bị cáo Trước và các bị cáo thuộc SCB tự xử lý đối với khoản vay 1.500 tỷ đồng.
Bị cáo Trước khẳng định việc này là do bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo.Dương Tấn Trước khai quen biết bị cáo Trương Mỹ Lan từ cuối năm 2020. Đến năm 2021, bị cáo Trương Mỹ Lan trao đổi, thỏa thuận với bị cáo Trước về việc bị cáo Lan chuyển nhượng Dự án Thanh Yến tại phường Bình An, Quận 2 (nay là thành phố Thủ Đức) cho Công ty Tường Việt với giá 2.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bị cáo Trước không phải trả tiền mà chỉ cần lập hồ sơ vay vốn tại SCB với số tiền 3.500 tỷ đồng; trong đó 2.500 tỷ đồng là tiền nhận chuyển nhượng Dự án Thanh Yến, 1.000 tỷ đồng để Lan sử dụng và có trách nhiệm trả cho SCB.
Để hợp thức hóa hồ sơ cho khoản vay trên, Trước chỉ đạo nhân viên Công ty Tường Việt liên hệ với SCB thực hiện phương án vay vốn và thành lập Công ty Thuận Tiến, Công ty Khánh Minh để đứng tên hồ sơ với số tiền vay giải ngân lần lượt là 1.700 và 1.800 tỷ đồng.
Tuy nhiên cũng theo bị cáo Trước, sau đó bị cáo Trương Mỹ Lan đã nói Trước tập trung làm việc khác, để lại Dự án Thanh Yến cho Trương Huệ Vân phát triển. Sau khi lấy lại Dự án Thanh Yến, bị cáo Lan nhiều lần hứa sẽ trả lại tiền cho bị cáo Trước nhưng chưa thực hiện.
Cáo trạng chỉ ra Trước giúp sức cho Lan chiếm đoạt 4.750 tỷ đồng của SCB, gây thiệt hại 605 tỷ đồng lãi phát sinh.Về khoản vay 1.500 tỷ đồng với SCB, bị cáo Trước cho rằng đây là khoản “phí dịch vụ” được bị cáo Lan hứa hẹn trả sau khi bị cáo Trước tư vấn pháp lý một số dự án cho bị cáo Lan.
Thế nhưng sau đó bị cáo Lan nói chưa có tiền nên nhờ công ty của bị cáo Trước vay Ngân hàng SCB vì công ty có tín dụng tốt, thực chất đây là hành vi rút tiền SCB để bị cáo Lan trả cho bị cáo Trước. Bị cáo Lan cũng hứa sẽ trả lãi và đến hạn sẽ trả tiền để Công ty Việt Tường trả nợ./
Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát: Cáo trạng áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo
Chủ tọa phân tích cáo trạng áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo Trương Mỹ Lan; phần thiệt hại đã trừ đi số giá trị tài sản đảm bảo của bị cáo là hơn 67.000 tỷ đồng mà Công ty Hoàng Quân đã định giá.