Vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan là người đứng sau chỉ đạo “giải quỹ", “đảo nợ”

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ Vạn Thịnh Phát, bào chữa cho nhóm bị cáo giúp Trương Mỹ Lan, các luật sư khẳng định Trương Mỹ Lan là người đứng sau chỉ đạo tất cả chuỗi "giải quỹ”, rút tiền; đảo nợ.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa ngày 22/3. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Sáng 22/3, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan tiếp tục phần bào chữa của luật sư cho các bị cáo.

Tại tòa, Hội đồng xét xử dành phần lớn thời gian cho các luật sư bào chữa của nhóm bị cáo giúp Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) quản lý thu, chi tiền được rút ra từ Ngân hàng SCB; lên phương án, phối hợp "giải quỹ" các khoản vay được SCB giải ngân.

Bào chữa cho bị cáo Hồ Bửu Phương (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần chứng khoán Tân Việt), luật sư nhận định, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị mức án từ 19-20 năm tù về tội “Tham ô tài sản” đối với thân chủ của mình là quá nghiêm khắc.

Các bị tại phiên tòa ngày 22/3. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Theo luật sư, trong nhóm bị cáo phạm tội tham ô tài sản, bị cáo Hồ Bửu Phương có vai trò hạn chế trong vụ án cũng như hoạt động tại hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, không biết Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sử dụng số tiền vay từ SCB vào mục đích gì.

Luật sư lập luận bị cáo Hồ Bửu Phương không tham gia xuyên suốt trong quá trình giải ngân, chiếm đoạt tài sản từ SCB của Trương Mỹ Lan mà chỉ là một “mắt xích nhỏ” trong đường dây rút tiền.

Trương Mỹ Lan là người chỉ đạo tất cả chuỗi "giải quỹ”, rút tiền; người lên danh sách các khoản vay “khống” là bị cáo Nguyễn Phương Anh (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula), sau đó chuyển sang bộ phận khác thực hiện hành vi “giải quỹ.”

Vai trò của Hồ Bửu Phương chỉ dừng lại ở việc áp đơn giá cổ phần chuyển nhượng sau khi tiền đã được giải ngân về cho công ty vay. Luật sư cho rằng Hồ Bửu Phương thực hiện các hành vi đều là làm theo chỉ đạo và không được hứa hẹn hưởng bất kỳ lợi ích nào khác ngoài lương, thưởng theo hợp đồng lao động. Bị cáo không dùng thủ đoạn “tinh vi,” không “tội phạm có tổ chức”… như luận tội của Viện Kiểm sát.

Luật sư mong muốn Hội đồng xét xử xem xét các giảm nhẹ một phần trách nhiệm cho bị cáo Phương, từ đó đưa ra phán quyết hợp tình, hợp lý.

Tự bào chữa, Hồ Bửu Phương cho rằng, tổng thể hành vi của bị cáo không quá nghiêm trọng, nặng nề nhưng bị đề nghị mức án từ 19-20 năm là quá nặng. Hồ Bửu Phương xin Hội đồng xét xử cân nhắc cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Theo cáo trạng, Hồ Bửu Phương bị cáo buộc giúp sức cho Trương Mỹ Lan thực hiện “giải quỹ” đối với số tiền đã được Ngân hàng SCB giải ngân bằng cách lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần “khống” để chuyển tiền giải ngân đến các công ty “ma”; từ đó, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB 163.155 tỷ đồng và gây thiệt hại 99.228 tỷ đồng.

Với hành vi này, bị cáo Phương bị Viện Kiểm sát đề nghị tuyên phạt mức án từ 19- 20 năm tù về tội “Tham ô tài sản.”

Các Luật sư tham dự phiên tòa. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Bào chữa cho Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), luật sư cho rằng bị cáo Dung thực hiện hành vi phạm tội theo sự chỉ đạo của Trương Mỹ Lan mà không được hưởng bất kỳ lợi ích vật chất nào.

Hành vi của bị cáo Dung là thẩm định tài sản, hoàn thiện hồ sơ vay từ Ngân hàng SCB theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan để xử lý các khoản vay đến hạn của Lan có từ năm 2012 (hay còn gọi là “đảo nợ”), không có các khoản vay mới.

Luật sư cũng lập luận, hành vi “đảo nợ” tại Ngân hàng SCB không bắt nguồn từ bị cáo Dung mà đã diễn ra trong nhiều năm trước khi bị cáo được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB, phụ trách phê duyệt tín dụng và xử lý nợ. Bị cáo chỉ tiếp nối hành vi của người tiền nhiệm chức vụ trước mình, dẫn đến việc phạm tội.

Một nguyên nhân khác là do Dung quá tin tưởng vào Trương Mỹ Lan, thực hiện tất cả mọi mệnh lệnh được giao cho với niềm tin rằng Lan sẽ giúp Ngân hàng SCB vực dậy trước khó khăn.

Về số cổ phần mà bị cáo Dung khai được nhận vào năm 2021 từ Trương Mỹ Lan, luật sư phân tích thêm, đây là phần thưởng năm theo chế độ của Ngân hàng SCB dành cho nhân viên, không phải là số cổ phần được Trương Mỹ Lan cho riêng Dung.

Số cổ phần này không phải là sự thỏa thuận ăn chia lợi ích để thực hiện hành vi giúp sức cho Trương Mỹ Lan.

Tự bào chữa, Trần Thị Mỹ Dung khẳng định mọi hành vi thực hiện đều theo sự chỉ đạo của Trương Mỹ Lan. Theo bị cáo, thời điểm được bổ nhiệm lên chức Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB, Dung cùng nhiều nhân viên của Ngân hàng SCB có niềm tin sâu sắc vào Trương Mỹ Lan do Lan là một doanh nhân có sức ảnh hưởng rất lớn trong xã hội. Bị cáo nghĩ rằng Lan có khả năng giúp Ngân hàng SCB vượt qua khó khăn, phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, sự việc xảy ra cho đến thời điểm này đã khiến Trần Thị Mỹ Dung nhận ra bị cáo “đã đặt niềm tin sai chỗ” nên mới dẫn đến hậu quả hôm nay. Bị cáo mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Theo cáo trạng, Trần Thị Mỹ Dung bị cáo buộc giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 200.690 tỷ đồng và gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB hơn 69.000 tỷ đồng từ năm 2019 đến năm 2022.

Bị cáo Dung bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án từ 19-20 năm tù giam về hành vi “Tham ô tài sản”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục