Ngày 31/5, các nước thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhất trí củng cố vai trò trung tâm của tổ chức đa phương này trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, cũng như cung cấp sự hỗ trợ tài chính an toàn và linh hoạt hơn cho WHO để ứng phó tốt hơn với các cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai.
Trong ngày cuối cùng của kỳ họp Đại Hội đồng y tế thế giới (WHA) lần thứ 74 diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ), đại diện 194 nước thành viên đã thông qua nghị quyết dài 14 trang, trong đó nhất trí "tăng cường năng lực của WHO nhằm đánh giá nhanh chóng và hợp lý các đợt bùng phát dịch bệnh" trong tương lai.
Các nước quyết định thành lập một nhóm làm việc mới để nghiên cứu nhiều khuyến nghị do 3 ủy ban độc lập trình bày, đồng thời đưa ra các đề xuất cụ thể để kỳ họp năm sau xem xét.
[WHO sử dụng chữ cái Hy Lạp để đặt tên cho các biến thể SARS-CoV-2]
Các nghiên cứu của 3 ủy ban trên cho thấy các nước và thể chế trên thế giới đã không có sự chuẩn bị tốt để ứng phó với dịch COVID-19.
Các tác giả nghiên cứu cũng đồng thời kêu gọi cải tổ toàn diện hệ thống cảnh báo toàn cầu và củng cố năng lực cũng như tính độc lập của WHO nhằm ngăn chặn các đại dịch bùng phát trong tương lai.
Ngoài ra, các nước thành viên cũng cam kết "đảm bảo cung cấp khoản tài trợ đầy đủ, linh hoạt, bền vững và có thể dự đoán được dành cho chương trình ngân sách của WHO."
Hiện chỉ có khoảng 16% ngân sách của WHO đến từ phí thành viên thông thường. Phần còn lại đến từ các khoản đóng góp tự nguyện mà các nước dành nhiều cho các dự án cụ thể.
Nghị quyết cũng kêu gọi tất cả các nước tăng cường năng lực phát hiện các mối đe dọa mới và thông tin về những mối đe dọa đó một cách hiệu quả ở trong và ngoài nước.
Để đảm bảo tất cả các quốc gia đều làm tốt vai trò của mình, nghị quyết yêu cầu Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus xem xét lập ra một dự án thí điểm, trong đó các quốc gia sẽ đệ trình kế hoạch chuẩn bị ứng phó đại dịch của mỗi nước để các quốc gia thành viên khác đồng đánh giá.
Các quốc gia thành viên cũng quyết định hoãn các cuộc thảo luận cho đến tháng 11 tới về việc khởi động các cuộc đàm phán một hiệp ước quốc tế nhằm ứng phó với đại dịch trong tương lai.
Nhiều nội dung chi tiết của các biện pháp cụ thể vẫn cần được các nước thành viên tiếp tục bàn thảo trong tương lai. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc WHO Ghebreyesus đã mô tả nghị quyết trên mang ý nghĩa lịch sử, nhấn mạnh thế giới cần một WHO mạnh mẽ hơn, giữ vai trò trung tâm trong cấu trúc y tế toàn cầu.
Ông Ghebreyesus chỉ ra rằng ngay cả trong cuộc khủng hoảng y tế hiện nay, kinh phí tài trợ thấp và không ổn định dành cho WHO đồng nghĩa các chương trình hành động đang được lên kế hoạch "trong một chu kỳ suy thoái của dòng chảy tài chính."
Ông Ghebreyesus cho rằng WHO không thể phát triển mạnh mẽ hơn nếu không có nguồn tài chính bền vững. Người đứng đầu WHO cũng nhấn mạnh một hiệp ước về chuẩn bị sẵn sàng ứng phó các đại dịch sẽ có ảnh hưởng lớn đến "việc củng cố cả WHO và nền an ninh y tế toàn cầu."
Kỳ họp WHA lần thứ 74 diễn ra dưới hình thức trực tuyến từ ngày 24/5-1/6 với sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, bộ trưởng y tế và các đại diện cấp cao khác của 194 nước thành viên WHO.
Trong kỳ họp lần này, các nhà lãnh đạo chủ yếu tập trung thảo luận về các nỗ lực kiểm soát đại dịch COVID-19 và những lời kêu gọi cải tổ toàn bộ hệ thống y tế toàn cầu nhằm giúp ngăn ngừa những thảm họa tương tự như COVID-19 xảy ra trong tương lai./.