Poxy McPoxface và Mpox nằm trong số nhiều ý tưởng về cái tên mới đặt cho bệnh đậu mùa khỉ do công chúng đề xuất sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 16/8 đã kêu gọi sự hỗ trợ từ công chúng trong việc đổi tên bệnh đậu mùa khỉ, theo đó đưa ra một tên gọi ít kỳ thị hơn cho căn bệnh lây lan nhanh này.
Thông thường tên của các căn bệnh thường được ủy ban kỹ thuật của WHO lựa chọn trong các cuộc họp kín.
Tuy nhiên, lần này, WHO lại quyết định mở tiến trình đặt tên mới cho bệnh đậu mùa khỉ cho công chúng tham gia.
[WHO: Chưa cần thiết phải tiêm phòng đại trà đối với bệnh đậu mùa khỉ]
Hàng chục cái tên đã được đề xuất thông qua trang web riêng của WHO có đường linh https://icd.who.int/dev11. từ công chúng, trong đó có các nhà học giả, bác sỹ và các nhà hoạt động trong cộng đồng tình dục đồng giới...
Trong nhiều tuần qua, WHO đã lên tiếng lo ngại về tên của virus gây bệnh đậu mùa khỉ, vốn xuất hiện trên toàn thế giới vào tháng Năm vừa qua.
Giới chuyên gia cảnh báo rằng tên này có thể gây kỳ thị đối với loài linh trưởng trong khi loài động vật này lại không liên quan nhiều với sự lây lan của bệnh tại châu Phi.
Chẳng hạn như mới đây tại Brazil đã có báo cáo về các vụ người dân tấn công khỉ do lo sợ dịch bệnh.
Một nhóm nhà khoa học hàng đầu thế giới hồi tháng Sáu đã kêu gọi đặt tên mới cho căn bệnh lây lan này mang tính trung lập, không phân biệt đối xử và không kỳ thị.
Người phát ngôn WHO Fadela Chaib nêu rõ: "Điều rất quan trọng là chúng ta tìm một cái tên mới cho bệnh đậu mùa khỉ bởi đây là cách tốt nhất không gây nên sự xúc phạm tới một nhóm sắc tộc, một khu vực, một quốc gia hay một loài động vật nào..."
Bà nhấn mạnh do vậy WHO rất quan tâm tới vấn đề này và muốn tìm một cái tên không mang tính kỳ thị.
Cho đến nay, một trong những đề xuất tên được ưa chuộng hơn là Mpox do Giám đốc tổ chức chăm sóc sức khỏe nam giới, RÉZO, Samuel Miriello đề xuất.
Tổ chức này đã sử dụng tên này trong chiến dịch y tế của mình tại thành phố Montreal của Canada.
WHO cho biết sẽ quyết định chọn tên nào trong số những đề xuất của công chúng, dựa trên giá trị khoa học, có thể chấp nhận, dễ phát âm và có thể được dùng trong những ngôn ngữ khác nhau.
Bệnh đậu mùa khỉ lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1958 và được đặt tên virus gây bệnh đậu mùa khỉ do virus ban đầu được xác định trên những con khỉ vốn được nuôi để nghiên cứu ở Đan Mạch vào năm 1958.
Tuy nhiên, bệnh này lại được tìm thấy ở một số loài động vật, chủ yếu là ở loài gặm nhấm.
Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu ở người vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo và sau đó chủ yếu lây lan tại một số quốc gia Tây và Trung Phi. Nhưng bệnh này bắt đầu bùng phát mạnh vào tháng 5 tại nhiều nước khác vốn không ghi nhận bệnh đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu.
Theo thống kê của WHO, toàn thế giới đến nay đã ghi nhận hơn 32.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ngày 23/7 vừa qua, WHO đã tuyên bố dịch bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.
Mặc dù virus gây bệnh đậu mùa khỉ có thể lây nhiễm từ động vật sang người, song các chuyên gia của WHO nhấn mạnh sự lây lan toàn cầu gần đây là do tiếp xúc gần với người bệnh./.