Ngày 18/10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi chống lại mọi cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở y tế.
Người đứng đầu WHO khu vực châu Âu, Hans Kluge, kêu gọi ngăn chặn mọi cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở y tế, tiếp đến là bảo vệ dân thường và trẻ em, và đưa hàng hóa cứu trợ nhân đạo từ cửa khẩu Rafah (Ai Cập) vào Dải Gaza.
Theo ông Hans Kluge, mọi hàng hóa mà cơ quan này chuyển đến cứu trợ cho Dải Gaza đều đang tắc lại ở cửa khẩu Rafah.
[Xung đột Hamas-Israel: Dư luận lên án vụ tấn công bệnh viện ở Dải Gaza]
Quan chức WHO cho rằng giải pháp duy nhất là dừng giao tranh đồng thời kêu gọi tái lập hòa bình để đảm bảo quyền lợi về sức khỏe cho mọi người, cả người Israel và người Palestine.
Trước đó, các hãng truyền thông Arab đưa tin một bệnh viện đã bị tấn công ngày 17/10 trong bối cảnh Israel thực hiện các cuộc không kích nhằm vào trung tâm thành phố Gaza.
Theo phong trào Hồi giáo Hamas, đang kiểm soát Dải Gaza, vụ việc khiến hơn 500 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.
Tuy nhiên, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) khẳng định không thực hiện vụ tấn công, cho rằng vụ nổ xảy ra tại bệnh viện thành phố Gaza là do một quả rocket bị bắn nhầm từ phía Dải Gaza và quy trách nhiệm cho lực lượng Hồi giáo Jihad.
Tiếp tục các phản ứng của cộng đồng quốc tế về vụ tấn công nói trên, ngày 18/10, Trung Quốc lên án mạnh mẽ cuộc tấn công nhằm vào bệnh viện ở Dải Gaza.
Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này chia buồn và chia sẻ với các nạn nhân, kêu gọi nhanh chóng thiết lập lệnh ngừng bắn, dừng các hành động thù địch và thực hiện mọi nỗ lực để bảo vệ người dân cũng như ngăn chặn nguy cơ xảy ra những thảm họa nhân đạo tồi tệ hơn.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết các cơ quan tình báo của nước này đang phân tích các bằng chứng để độc lập tìm hiểu sự thực về vụ nổ tại bệnh viện ở Dải Gaza.
Phát biểu với các nghị sỹ Quốc hội Anh, nhà lãnh đạo Anh cho rằng không nên vội vàng phán xét khi chưa có mọi chứng cứ thực tế trong tay.
Theo các dữ liệu chính thức, kể từ khi xung đột leo thang ngày 7/10, hơn 3.500 người Palestine đã thiệt mạng và hơn 13.700 người khác bị thương. Trong khi đó, tại Israel có hơn 1.500 người thiệt mạng và hơn 4.200 người bị thương./.