Ngày 18/11, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Michael Ryan cảnh báo thế giới sẽ phải tiếp tục đương đầu với làn sóng dịch COVID-19 thứ hai mà không có vắcxin.
Theo ông Ryan, không nên coi vắcxin phòng COVID-19 là giải pháp "nhiệm màu" cho cuộc chiến hiện tại và các nước đang chứng kiến làn sóng dịch bệnh dâng cao sẽ vẫn tiếp tục phải vượt qua thử thách lần này mà không có vắcxin.
Trả lời phỏng vấn trực tuyến, ông Ryan dự báo sẽ cần ít nhất khoảng 4-6 tháng nữa thế giới mới có thể có được một số lượng vắcxin đáng kể để phân phối điểm nóng dịch bệnh.
Đến nay, thế giới vẫn chưa có một loại vắcxin phòng COVID-19 nào chính thức được cấp phép dù một số ứng cử viên vắcxin tiềm năng đã cho những kết quả khả quan trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.
Quan chức WHO nhấn mạnh không nên quá kỳ vọng rằng vắcxin sẽ thay thế mọi biện pháp khác để chặn đứng đại dịch mà lơ là cảnh giác. Vắcxin không phải là tất cả mà cần kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp trong cuộc chiến chống COVID-19 toàn cầu.
Những nhận định trên được WHO đưa ra trong bối cảnh xuất hiện những tín hiệu lạc quan trong tiến trình nghiên cứu và phát triển vắcxin phòng COVID-19, được đánh giá là loại "vũ khí" tiềm năng có thể xoay chuyển cục diện cuộc chiến chống đại dịch trên toàn cầu.
Cụ thể, một số hãng dược mới đây tuyên bố các ứng cử viên vắcxin tiềm năng đã cho những kết quả sơ bộ khả quan trong thử nghiệm giai đoạn cuối, như vắcxin của Pfizer và BioNtech cho hiệu quả bảo vệ tới 95% hay vắcxin của Moderna đạt hiệu quả 94,5% và vắcxin của Nga là 90%.
Tuy nhiên, để những vắcxin này được đưa vào các chương trình tiêm chủng đại trà thì cần thêm nhiều thời gian nữa. Hiện các quốc gia trên thế giới vẫn áp dụng các biện pháp nhằm khống chế dịch bệnh lây lan song song với những nỗ lực tự phát triển hoặc đặt mua trước vắcxin tiềm năng.
[Vắcxin của Pfizer và BioNTech có thể được bàn giao trước Giáng sinh]
Ngày 18/11, Bộ Y tế Thái Lan cho biết nội các nước này đã đồng ý đặt mua của AstraZeneca (Anh) 23 triệu liều vắcxin phòng COVID-19 trị giá khoảng 3,469 tỷ baht (115 triệu USD).
Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul, nước này đang trong giai đoạn thử nghiệm vắcxin phòng COVID-19.
Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh lây lan nhanh chóng hiện nay, Nội các Thái Lan đã quyết định mua 23 triệu liều vắcxin của AstraZeneca nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước. Thái Lan đang nằm trong trong danh sách thứ 91 chờ mua vắcxin của AstraZeneca.
Bộ trưởng Thái Lan cũng cho biết tiền mua vắcxin sẽ lấy từ ngân sách khẩn cấp của chính phủ. Ngoài ra, Viện vắcxin Quốc gia Thái Lan sẽ được cấp ngân sách 2,379 tỷ baht (78,5 triệu USD) để nghiên cứu và phát triển vắcxin trong nước.
Cùng ngày, Tổng thống Argentina Alberto Fernández cũng thông báo nước này đang hợp tác với Mexico để sản xuất từ 150-250 triệu liều vắcxin phòng COVID-19 của AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu và phát triển.
Dự kiến, những liều vắcxin của AstraZeneca-Oxford đầu tiên sẽ được phân phối vào tháng 3/2021. Ngoài ra, chính phủ quốc gia Nam Mỹ này đang tích cực hợp tác với các đối tác Nga để có thể bắt đầu chương trình tiêm chủng đại trà vắcxin phòng COVID-19 ngay trong tháng 1/2021.
Tổng thống Fernández cho biết sẽ ưu tiên tiêm phòng trước cho nhóm dân số có nguy cơ cao mắc bệnh COVID-19, bao gồm người cao tuổi và người làm việc trong các lĩnh vực y tế và bảo hiểm xã hội.
Ông cũng kêu gọi người dân cần nhận thức rằng chừng nào chiến dịch tiêm chủng các loại vắcxin ngừa COVID-19 chưa được triển khai, cách duy nhất để có thể phòng, chống dịch bệnh là thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly xã hội./.