Xây dựng chuẩn cơ sở giáo dục đại học: Phải nhìn rộng toàn hệ thống

Dự thảo thông tư xây dựng chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được hàng trăm ý kiến góp ý từ các trường đại học.
Tọa đàm thu hút sự tham gia của đông đảo lãnh đạo các trường đại học. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sáng nay, 1/8, lãnh đạo các trường đại học đã cùng tham dự Tọa đàm Góp ý dự thảo thông tư quy định chuẩn cơ sở giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Trường Đại học Thái Nguyên. Buổi tọa đàm nhằm giúp ban soạn thảo thông tư tiếp thu đóng góp của các trường từ góc nhìn thực tiễn.

Căn cứ xây dựng, quy hoạch mạng lưới

Theo dự thảo, thông tư quy định 6 tiêu chuẩn với 24 tiêu chí, 29 chỉ số chính quy định chuẩn cơ sở giáo dục đại học với các số liệu định lượng cụ thể.

Các tiêu chuẩn gồm tổ chức và quản trị (4 tiêu chí), giảng viên (4 tiêu chí), điều kiện học tập (5 tiêu chí), tài chính (4 tiêu chí), tuyển sinh và đào tạo (5 tiêu chí), nghiên cứu và đổi mới sáng tạo (2 tiêu chí). Các tiêu chí “phủ sóng” trên nhiều phương diện như hệ thống dữ liệu, hệ thống văn bản, chất lượng giảng viên, cơ sở vật chất, sự hài lòng của sinh viên, cơ hội việc làm của người học, năng lực nghiên cứu và khả năng tài chính của trường đại học...

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, các tiêu chuẩn này là căn cứ, yêu cầu tối thiểu mà bất cứ cơ sở đào tạo đại học nào cũng phải đáp ứng. Việc xây dựng chuẩn sẽ là cơ sở để tạo bước tiến mới trong quản lý giáo dục đại học, từ đó nâng cao chất lượng của toàn hệ thống.

Cụ thể hơn, phó giáo sư Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay bộ tiêu chuẩn này sẽ là cơ sở để thẩm định và giám sát điều kiện hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật; công khai, minh bạch thông tin về năng lực, kết quả hoạt động của các đơn vị đào tạo; quy hoạch, sắp xếp mạng lưới giáo dục đại học.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị các trường bên cạnh góc nhìn thực tiễn từ cơ sở cần nhìn toàn hệ thống khi góp ý xây dựng thông tư. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo đó, chuẩn được xây dựng trên cơ sở phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính thống nhất của toàn hệ thống, tính đặc thù của các đơn vị đào tạo nhưng vẫn đặt lợi ích của người học làm trọng tâm và toàn xã hội có thể giám sát.

Băn khoăn diện tích sàn, tiêu chuẩn giảng viên

Với ý nghĩa quan trọng trên, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay điều khó nhất khi thực hiện dự thảo là yêu cầu thông tư phải ngắn gọn, rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ giám sát. “Những đóng góp từ các trường sẽ là góc nhìn thực tiễn để thông tư khi ban hành có sự đồng thuận và được triển khai hiệu quả,” Thứ trưởng nói.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, đại diện các trường đại học thống nhất cao với hệ thống các tiêu chuẩn, tiêu chí, nhưng cũng bày tỏ băn khoăn với một số tiêu chí, chủ yếu về yêu cầu diện tích/sinh viên, chỉ số kết quả nghiên cứu khoa học của giảng viên.

Cụ thể, theo dự thảo, từ năm 2030, diện tích đất của trường trên mỗi người học chính quy không nhỏ hơn 25m2, tỷ lệ này cho diện tích sàn xây dựng phục vụ trực tiếp đào tạo và nghiên cứu không nhỏ hơn 5m2.

[Tự chủ đại học: Bước đột phá chiến lược của ngành giáo dục]

Ông Trương Đại Lượng, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Văn hóa cho rằng các trường nội thành khó đáp ứng tiêu chí này do diện tích eo hẹp trong khi các dự án mở rộng trường không khả thi. Đây cũng là băn khoăn của ông Đào Văn Đông, Trường Đại học Hòa Bình.

Trong khi đó, lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Đại học Y dược (Đại học Huế) lại băn khoăn về việc phải quy định quỹ đất cho sinh viên nông-lâm-ngư thực nghiệm, xây bệnh viện cho sinh viên y thực hành.

Những trường nội thành như Đại học Ngoại thương sẽ gặp khó khăn trong việc đáp ứng tiêu chí về tỷ lệ diện tích đất trên sinh viên. (Ảnh: ĐH NT)

Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng việc đáp ứng tiêu chí diện tích đất, diện tích sàn xây dựng không chỉ là trách nhiệm của các trường mà còn của Nhà nước, lãnh đạo địa phương. “Trường đại học không chỉ là nơi đào tạo mà còn là trung tâm đổi mới tri thức, đổi mới sáng tạo, cần phải có quỹ đất. Đây cũng là căn cứ để các địa phương quy hoạch đất cho các trường,” ông Sơn nói.

Với các trường đặc thù, ban soạn thảo cho hay sẽ tiếp thu và có thể có phụ lục quy định riêng.

Lo lắng chỉ số nghiên cứu khoa học

Cũng liên quan đến yếu tố đặc thù, đại diện một số trường kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tính toán lại tiêu chuẩn về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Tiêu chuẩn này gồm hai tiêu chí. Một là tỷ trọng thu từ hoạt động khoa học-công nghệ trên tổng thu của cơ sở đào tạo, tính trung bình trong 3 năm gần nhất, đạt tối thiểu 5% và đối với cơ sở đào tạo có đào tạo tiến sỹ phải đạt tối thiểu 10%. Tiêu chí thứ hai là số lượng công bố khoa học quy chuẩn theo lĩnh vực đào tạo hàng năm tính trung bình trên một giảng viên toàn thời gian đạt tối thiểu 0,3 bài, đối với cơ sở đào tạo có đào tạo tiến sỹ không phải trường chuyên ngành đặc thù chỉ tính các bài có trong danh mục Web of Science (WoS) hoặc Scopus.

Giáo sư Phạm Văn Cường, Phó giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề nghị bộ công nhận các nghiên cứu khoa học kỹ thuật như tạo giống lúa mới, mẫu máy mới tương đương với bài báo khoa học. Đại diện Học viện An ninh đề nghị cho đơn vị này không áp dụng tiêu chí về công bố quốc tế hoặc quy đổi sang các bài báo trong nước vì các nghiên cứu của trường chủ yếu đăng trên tạp chí ngành.

Ông Phó giáo sư Hoàng Bùi Bảo, Phó hiệu trưởng Đại học Y dược (Đại học Huế) cho rằng yêu cầu về nguồn thu từ nghiên cứu khoa học có thể không phù hợp với một số ngành, đặc biệt là khoa học cơ bản. “Có những nghiên cứu khó tính được giá trị, ví dụ như chúng tôi có những nghiên cứu cứu sống được bệnh nhân,” ông Bảo nói.

Chỉ số về nghiên cứu khoa học là băn khoăn của một số trường. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Nguyễn Ngọc Quang, đại diện Học viện Hậu cần cũng cho hay đơn vị này không có nguồn thu vì các nghiên cứu chủ yếu phục vụ quân đội. Ông Quang đề nghị bộ giảm tiêu chí giảng viên là tiến sỹ cho khối trường quân đội vì đặc thù đào tạo tiến sỹ trong quân đội mất nhiều thời gian.

Trưởng phòng Đào tạo Đại học Văn hóa Trương Đại Lượng đề nghị bộ chia lại cả hai tiêu chí trên theo khối ngành vì với đặc thù của trường rất khó thực hiện nghiên cứu khoa học. Theo ông Lượng, việc áp dụng 0,3 bài báo quốc tế/giảng viên trên toàn trường là không phù hợp vì trường chỉ có một số ngành mạnh đào tạo tiến sỹ.

Phải nhìn rộng trên toàn hệ thống

Trước băn khoăn của các trường, giáo sư Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên, thành viên ban soạn thảo thông tư cho rằng tỷ lệ tiến sỹ là nền tảng của trường để đảm bảo chất lượng. Theo đó, các trường cần tăng cường đào tạo, thu hút nhân lực để tăng số giảng viên trình độ tiến sỹ. Cũng theo ông Quang, để tăng nguồn thu, các trường không nên chỉ nghiên cứu cơ bản vì đa số đều là trường đa ngành, đa lĩnh vực.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết nguồn thu từ nghiên cứu khoa học của các trường có thể sẽ chia theo lĩnh vực, quy chiếu theo hệ số, nhưng con số 5% tổng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học là không lớn. “Nhà nước cấp tiền để nghiên cứu khoa học thì đó cũng là nguồn thu,” Thứ trưởng Sơn cho hay.

Cho rằng các tiêu chí đóng góp từ các trường là góc nhìn thực tiễn nhưng Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh việc các trường cần nhìn rộng ra cả hệ thống với tầm nhìn dài hạn.

“Đây là những yêu cầu tối thiểu mà xã hội có thể đánh giá được trên các dữ liệu cụ thể thay vì những đánh giá chủ quan. Chúng tôi sẽ xem xét hợp lý, đảm bảo tính khả thi trong giai đoạn từ nay đến 2030 và có thể nâng chuẩn trong giai đoạn tiếp theo. Bộ cố gắng ban hành thông tư trong năm 2023. Trong quá trình triển khai có thể có những vướng mắc, bộ sẽ tiếp tục điều chỉnh để phù hợp,” Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục