Xây dựng Đảng mạnh về tư tưởng, thống nhất trong hành động

Giáo sư-tiến sỹ Hoàng Chí Bảo cho rằng xây dựng Đảng về tư tưởng cần tránh cho được căn bệnh giáo điều, suy nghĩ cứng nhắc, máy móc, rập khuôn xa rời thực tiễn, gây trở ngại với đổi mới sáng tạo.
Pano cổ động kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Xây dựng Đảng về tư tưởng là nội dung cơ bản, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Đảng ta là một đảng cầm quyền” do đó, “mỗi đảng viên, mỗi chi bộ, mỗi cấp ủy đảng phải luôn luôn tăng cường công tác tư tưởng của Đảng, nâng cao đạo đức cách mạng, bảo đảm chặt chẽ kỷ luật và tổ chức Đảng."

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh nhiệm vụ: “... phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ."

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Người và Nghị quyết Đại hội XIII, thời gian qua, công tác xây dựng Đảng về tư tưởng chính trị đã được các tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sở tăng cường, tạo ra sự thống nhất về tư tưởng, ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, phát triển đất nước thời kỳ mới.

Chủ động trong tuyên truyền, nắm bắt tư tưởng chính trị đảng viên, nhân dân

Nằm cách xa trung tâm thành phố Hà Nội, huyện Ba Vì có dân số trên 30 vạn người, trong đó có gần 3 vạn đồng bào dân tộc thiểu số (Mường, Dao). Trong những năm qua, Huyện ủy xác định việc nắm bắt tình hình tư tưởng, giải quyết những tồn tại hạn chế nhằm tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân để triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương là nhiệm vụ quan trọng.

Theo ông Phùng Tân Nhị, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện Ba Vì, trước thời điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025, việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn do trong nội bộ nhân dân xuất hiện những tư tưởng khác nhau. Một bộ phận người dân không đồng tình với chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng, gây ra tình trạng đơn thư vượt cấp, khiếu kiện đông người, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.

Một trong những nguyên nhân của những hạn chế trên là một số cấp ủy Đảng, chính quyền còn coi nhẹ công tác chính trị tư tư tưởng và công tác dân vận, chưa thấy rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong việc xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Công tác nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên, nhân dân, nhất là các vấn đề nóng, nổi cộm, bức xúc của người dân chưa được kịp thời.

Từ thực trạng nêu trên, trong hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025, Huyện ủy Ba Vì đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nắm bắt tình hình tư tưởng, giải quyết những tồn tại hạn chế nhằm tạo sự đồng thuận cao trong toàn Đảng bộ huyện và tầng lớp nhân dân triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Ông Phùng Tân Nhị cũng cho biết hiện nay, toàn huyện có 5 cán bộ tham gia báo cáo viên của thành phố, 28 cán bộ báo cáo viên cấp huyện, 25 cộng tác viên dư luận xã hội, 520 tuyên truyền viên của các ngành, các xã, thị trấn bảo đảm tiêu chuẩn đáp ứng thực hiện nhiệm vụ.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Bên cạnh đó, trong hơn 2 năm qua, các cấp chính quyền của huyện đã tiếp công dân tổng cộng 866 lượt/1.331 người, đồng thời đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát huy lợi thế tuyên truyền thông tin của các trang mạng xã hội của huyện lập ra để chuyển tải, lan tỏa những thông tin tích cực, kịp thời định hướng tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Với quyết tâm chính trị cao và những giải pháp đồng bộ được triển khai, đến nay sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, huyện Ba Vì đã đạt và vượt 9/16 chỉ tiêu chính của Đại hội; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện đạt chuẩn nông thôn mới; khắc phục cơ bản tình trạng đơn thư vượt cấp, kéo dài, không để nảy sinh điểm nóng, vụ việc phức tạp ở cơ sở...

Thực tiễn trong công tác xây dựng Đảng về chính trị tư tưởng ở Đảng bộ huyện Ba Vì (Hà Nội) là minh chứng rõ ràng cho thấy tầm đặc biệt quan trọng của công tác này, qua đó khẳng định những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng Đảng về tư tưởng đến nay vẫn là những giá trị quý báu, có tính thực tiễn sâu sắc, cần được vận dụng sáng tạo trong tình hình mới.

Công tác tư tưởng gắn chặt với cuộc sống

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh bài học tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta theo tinh thần “Tiền hô hậu ủng,” “Nhất hô bá ứng,” “Trên dưới đồng lòng,” “Dọc ngang thông suốt."

Người đứng đầu Đảng ta cũng yêu cầu phải có chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, ráo riết, có kết quả cụ thể việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa," gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ngày 3/8 vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng trong giai đoạn mới." Tại hội thảo, một số ý kiến cho rằng, công tác xây dựng Đảng về chính trị còn những hạn chế, nhất là trong tổ chức thực hiện các nghị quyết; công tác tư tưởng còn thiếu sắc bén, tính thuyết phục, tính chiến đấu chưa cao.

[Infographics] Xây dựng Đảng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Do vậy, cần đặc biệt coi trọng công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, không ngừng hoàn thiện lý luận đổi mới và lý luận về chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Đổi mới phương thức tuyên truyền, tạo sự đồng thuận xã hội. Công tác tư tưởng chính trị phải thể hiện vị trí, vai trò “đi trước” để định hướng, khai thông tư tưởng, dư luận xã hội; “đi cùng” để cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân thi đua yêu nước; “đi sau” để tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, góp phần bổ sung những vấn đề mới, luận giải và đề xuất hướng giải quyết những vấn đề còn có cách tiếp cận khác nhau.

Tại hội thảo, giáo sư-tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng xây dựng Đảng về tư tưởng cần tránh cho được căn bệnh giáo điều, suy nghĩ cứng nhắc, máy móc, rập khuôn xa rời thực tiễn, gây trở ngại với đổi mới sáng tạo.

"Để thực hiện khát vọng phát triển bằng ý chí và hành động sáng tạo thực sự có hiệu quả thì phải tiếp tục đề cao, coi trọng đổi mới tư duy. Phải đổi mới tư duy lãnh đạo, quản lý và quản trị sao cho phù hợp với yêu cầu đặt ra của thời đại... với không ít điều mới lạ, tác động tới tâm lý, ý thức, lối sống," giáo sư-tiến sỹ Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.

Còn theo Phó giáo sư-tiến sỹ Đào Duy Quát, Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng là giáo dục hướng dẫn mọi Đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng rèn luyện, trau dồi tư tưởng, lý luận chính trị, đạo đức lối sống cho bản thân, nghiêm túc tự giác thực hiện tự phê bình và phê bình, tự mình nêu gương trước quần chúng, bởi “một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền."

Phó giáo sư-tiến sỹ Đào Duy Quát cũng cho rằng cần thực hiện nguyên tắc toàn Đảng làm công tác tư tưởng, trước hết là Bí thư, cấp ủy là người lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư tưởng. Bên cạnh đó, Đảng cần phải thực hiện nguyên tắc công tác tư tưởng gắn chặt với cuộc sống.

“Chủ thể công tác tư tưởng phải bám sát thực tiễn, có mặt ở mũi nhọn, ở điểm nóng ở cuộc sống để kịp thời giải đáp những vấn đề do thực tiễn đặt ra nhằm góp phần thúc đẩy xã hội tiến lên," phó giáo sư-tiến sỹ Đào Duy Quát nhấn mạnh.

Băngrôn chào mừng Quốc khánh được treo khu vực Cột cờ Hà Nội. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Có thể khẳng định với tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp, khó đoán định... hiện nay, xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng là vấn đề quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng.

Điều đó đòi hỏi tổ chức Đảng từ Trung ương đến địa phương, mỗi cán bộ, đảng viên phải đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức cả phương diện lý luận và thực tiễn, để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Việc đó, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Công tác lãnh đạo tư tưởng là quan trọng nhất. Trong Đảng và ngoài Đảng có nhận rõ tình hình mới, hiểu rõ nhiệm vụ mới, thì tư tưởng mới thống nhất, tư tưởng thống nhất thì hành động mới thống nhất... Tư tưởng thống nhất và hành động thống nhất thì nhiệm vụ tuy nặng nề, công việc tuy khó khăn phức tạp, ta nhất định thắng lợi”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục