Xây Luật Căn cước công dân phải đáp ứng cải cách hành chính

Các đại biểu Quốc hội chuyên trách cho rằng Luật căn cước công dân phải việc tạo thuận lợi cho người dân, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Tiếp tục chương trình hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, chiều 8/9, các đại biểu cho ý kiến về dự án Luật Căn cước công dân.

Tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và tại Hội trường về dự án Luật căn cước công dân. Trong dự thảo lần này, cơ quan soạn thảo đã bổ sung một chương quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư làm căn cứ pháp lý để Chính phủ triển khai xây dựng Cơ cở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ công tác quản lý Nhà nước về dân cư theo Đề án 896 của Chính phủ.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội chuyên trách đều đánh giá cao sự tiếp thu, chỉnh lý của ban soạn thảo; đồng thời cho rằng dự án luật đã được chuyển bị khá công phu, có thể xem xét để trình ra Quốc hội. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng băn khoăn về cơ sở dữ liệu quốc gia và công dân; đặc biệt là việc tạo thuận lợi cho người dân, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.

Về số định danh cá nhân ghi trên thẻ căn cước công dân-một trong những vấn đề nhận được nhiều ý kiến khác nhau, tại hội nghị lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc sử dụng số chứng minh nhân dân (9 số) hiện nay làm số định danh cá nhân không bảo đảm yêu cầu quản lý, do đó cần phải sử dụng phương pháp cấp số mới để thay thế.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc xác định số định danh cá nhân gồm 12 chữ số đã được các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng theo nguyên tắc toán học, bảo đảm số định danh cá nhân không bị trùng lặp trong thời gian sử dụng khoảng 500 năm với quy mô và tốc độ tăng dân số hiện nay.

Về cấp thẻ Căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi, nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng việc cấp thẻ Căn cước công dân cho người chưa đủ 14 tuổi để bảo đảm quyền bình đẳng của công dân theo Hiến pháp năm 2013, không có sự phân biệt công dân theo độ tuổi; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong giao dịch, giảm thủ tục hành chính, góp phần hiện đại hóa, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước.

Việc quy định cấp thẻ Căn cước công dân từ khi công dân sinh ra để thay thế cho giấy khai sinh góp phần bảo đảm yêu cầu quản lý dân cư tập trung, thống nhất tiến tới giảm giấy tờ công dân như mục tiêu Đề án 896 đã xác định, khắc phục tình trạng sửa chữa giấy khai sinh, cố ý làm sai lệch hồ sơ.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định), quy định Thẻ Căn cước thay thế giấy khai sinh nhưng thực tế nhiều nơi yêu cầu phải có, vì hiện tại cơ sở vật chất, hạ tầng chưa đảm bảo. Đại biểu Trần Đình Long (Đắk Nông) cho rằng theo quy định như dự thảo luật thì mỗi người từ khi sinh ra đến về già phải đổi thẻ nhiều lần, gây tốn kém và thêm thủ tục.

Còn theo đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam), dự án Luật được xây dựng là sự tiếp nối đề án 896 được thí điểm, tuy nhiên tổng kết về tính khả thi chưa được báo cáo giải trình rõ. Trên cơ sở đó, mục tiêu cải cách thủ tục hành chính cũng chưa được đề cập thuyết phục. Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần nghiên cứu kỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục