Xe hợp đồng ‘trá hình’ phá vỡ quy hoạch vận tải, có nên cho vào bến?

Xe hợp đồng gia tăng với số lượng nhanh chóng khiến cơ quan quản lý Nhà nước đang tính toán về giải pháp quản lý nhằm đảm bảo công bằng, minh bạch cho vận tải khách tuyến cố định.

Xe hợp đồng trá hình chạy đón khách trên đường Phạm Hùng, Hà Nội. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Xe hợp đồng trá hình chạy đón khách trên đường Phạm Hùng, Hà Nội. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Xe hợp đồng "trá hình" nở rộ bởi tính tiện lợi về giờ giấc, đón trả khách sâu trong nội đô nên được nhiều người dân lựa chọn. Tuy nhiên, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước cũng “đau đầu” với việc quản lý loại hình xe này bởi thiếu các công cụ pháp lý.

Còn thiếu công cụ quản lý

Tại buổi Toạ đàm “Quản lý xe hợp đồng nâng chất lượng vận tải khách: Cần siết hay mở" do Báo Giao thông tổ chức vào chiều 18/12, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết theo thống kê, số lượng xe kinh doanh vận tải hợp đồng tăng đến 70%, kể từ năm 2020.

Khẳng định con số này thể hiện xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng đã được người dân tin dùng khi nhiều xe sử dụng tuyến cố định đã chuyển sang xe hợp đồng, tuy nhiên, ông Thống nhìn nhận một số xe kinh doanh vận tải hoạt động đúng quy định nhưng cũng có xe lại chạy theo hợp đồng trá hình.

“Tình trạng này ảnh hưởng đến việc thu thuế của Nhà nước, phá vỡ quy hoạch tuyến vận tải, ảnh hưởng hiệu quả đầu tư của các bến xe, ảnh hưởng tới quy hoạch, đặc biệt khi xe trá hình vào đón từng khách sẽ tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông ở đô thị,” ông Thống đánh giá.

Ông Thống cũng chỉ ra khó khăn nhất là việc phát hiện xe kinh doanh vận tải hợp đồng trá hình. Điển hình, với các xe vận tải hợp đồng, trước khi thực hiện chuyến họ phải gửi email vận chuyển về Sở Giao thông Vận tải nhưng số lượng nhân sự tại sở còn hạn chế trong khi việc rà soát theo thủ công dẫn đến nhiều hạn chế; việc phát hiện trùng điểm đi, điểm đến, trùng hành trình còn nhiều hạn chế vì cách rà soát chủ yếu theo phương thức thủ công.

Chung quan điểm, ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) thừa nhận công tác quản lý xe hợp đồng của Hà Nội nói riêng và toàn quốc nói chung đang gặp những khó khăn nhất định, đặc biệt là loại xe hợp đồng gom khách, lập danh sách hành khách giả mạo hợp đồng tour du lịch hòng qua mặt lực lượng chức năng, để chạy như tuyến cố định.

Khẳng định các quy định quản lý kinh doanh vận tải xe hợp đồng tương đối rõ nhưng lại thiếu công cụ quản lý, ông Tuyển đưa ra dẫn chứng đơn cử như việc xác định tỷ lệ điểm đầu điểm cuối trùng lặp có vượt quá 30% tổng số chuyến trong tháng hay không? Chưa kể, với các đơn vị có nhiều phương tiện, họ dễ dàng đảo các xe để lách quy định khiến việc xác định khó khăn hơn.

“Ngoài ra, quy định gửi hợp đồng, danh sách hành khách về Sở Giao thông vận tải trước chuyến đi cũng là giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, một ngày có hàng ngàn hợp đồng gửi về cũng khiến hệ thống mail của Phòng quản lý vận tải bị quá tải, khi trích xuất thông tin gửi cho lực lượng Thanh tra giao thông xử lý cũng khó khăn," ông Tuyển nói.

vnp-toa-dam-xe-hop-dong-353.jpg
Các khách mời tham gia buổi Toạ đàm “Quản lý xe hợp đồng nâng chất lượng vận tải khách: Cần siết hay mở" do Báo Giao thông tổ chức vào chiều 18/12. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng số lượng xe hợp đồng gấp 14 lần xe tuyến cố định, song không phải 240.000 xe hợp đồng này đều chạy trá hình tuyến cố định.

Đưa ra quan điểm các xe hợp đồng theo định kỳ (chở công nhân, đưa đón các chuyên gia, học sinh), xe hợp đồng theo chuyến đã chấp hành đúng quy định, ông Quyền làm rõ khái niệm xe hợp đồng trá hình là loại xe hợp đồng chia sẻ, nhiều hành khách khác nhau cùng sử dụng chung một dịch vụ trên một chuyến xe.

“Vấn đề đặt ra là cơ quan quản lý Nhà nước có cho phép kinh doanh loại hình xe hợp đồng như hiện nay không? Nếu cho phép thì đặt tên nó là gì, các điều kiện quản lý đi kèm như thế nào? Cho phép hoạt động trong phạm vi nào hay cho phép vô giới hạn? Cho phép vào tuyến phố trung tâm thoải mái hay chỉ một số điểm? Cho phép hoạt động 24/7 hay chỉ một số khung giờ nhất định? Chỉ cho phép kinh doanh với mô hình hợp tác xã hay chấp thuận cho cả hộ kinh doanh cá thể hoạt động?,” ông Quyền đặt ra câu hỏi.

Có nên cho xe hợp đồng vào bến?

Liên quan đến việc Cục đường bộ Việt Nam đã đề xuất lên Bộ Giao thông Vận tải cho xe hợp đồng trá hình vào bến, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Thành Phát cho rằng xe hợp đồng muốn vào bến. Tuy nhiên, ông cũng tỏ ra trăn trở khi một xe vào được bến xe phải qua quá trình đăng ký, công suất bến xe vì quỹ đất, hạ tầng giao thông còn hạn chế.

Bổ sung thêm ý kiến này, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng nhìn nhận điều mong muốn của doanh nghiệp vận tải là hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Do đó, bài toán đặt ra ở đây không phải doanh nghiệp vận tải mà là khách có vào bến hay không.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc điều hành Công ty du lịch và vận tải Vân Anh bày tỏ lo ngại nếu các xe hợp đồng vào bến, liệu bến xe của Hà Nội có đáp ứng được không? Vì khi 240.000 xe vào bến, chia cho các bến ở Hà Nội thì chắc chắn không thể đủ nên cần phải có sự quản lý linh hoạt hơn.

Ở góc độ của bến xe, ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm cho biết công suất của bến hiện có hơn 1.000 lượt xe/ngày nhưng thực tế chỉ còn hơn 490 lượt xe/ngày. Tuy nhiên nếu xét theo danh mục công bố mạng lưới tuyến cố định hiện nay của Bộ Giao thông Vận tải, Bến xe Nước Ngầm đã quá tải bởi lượng “xe ảo” rất lớn.

vnp-lap-ben-xe-nuoc-ngam-9558.jpg
Ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Với những nhà xe đăng ký hoặc chạy không đủ tần suất phải cắt bỏ lượt chuyến, theo ông Lập, các bến xe khác nếu tính toán lại cũng sẽ còn khá nhiều lượt xe xuất bến để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.

Đối với cách đặt vấn đề đưa ra một số quy định để các xe hợp đồng trá hình không cần vào bến mà vẫn hoạt động được, ông Lập cho rằng nếu thực hiện theo hướng này, tất cả các bến xe sẽ không thể tồn tại, như vậy, liệu trong đô thị còn chỗ đỗ xe hay còn đường để đi hay không?

Theo ông Lương Duyên Thống, trong khi xe tuyến cố định vào bến phải có giờ, có lốt, phải kiểm tra điều kiện trước khi xuất bến, thì xe hợp đồng lại được tự do về giờ giấc, quản lý lỏng lẻo hơn.

Do đó, ông Thống đưa ra ý kiến có thể xem xét tăng tần suất xuất bến tại các bến xe, đưa vào hoạt động xe trung chuyển đón trả người dân ra bến xe và về tận nhà, giúp giảm thời gian chờ đợi tại các bến xe, thu hút hành khách.

“Ngoài ra, khi các xe kinh doanh vận tải trá hình được quản lý tốt hơn, không thể gom khách dọc đường, người dân cũng sẽ buộc phải ra bến xe. Khi người dân sử dụng đúng theo dịch vụ mà các loại hình vận tải cung cấp sẽ góp phần quản lý chặt chẽ trật tự an toàn giao thông,” ông Thống nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục