Xem xét xử phạt vi phạm hành chính Công ty cổ phần Du lịch An Giang

Lực lượng chức năng tỉnh An Giang yêu cầu Công ty cổ phần Du lịch An Giang tạm dừng hoạt động đối với những điểm tham quan, khu vực xây dựng chưa được cấp phép theo quy định.
Để tránh hiểu nhầm cho người dân và du khách, tỉnh An Giang yêu cầu đơn vị khai thác không treo biển hiệu khu du lịch khi chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Sáng 3/4, theo thông tin từ Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có văn bản yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với các sở, ngành có liên quan xem xét mức độ vi phạm của Công ty cổ phần Du lịch An Giang tại điểm tham quan điện Mặt Trời An Hảo (huyện Tịnh Biên) và điểm du lịch Đồi Tức Dụp (huyện Tri Tôn) để thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Trước đó, xét Báo cáo số 701/SVHTTDL-QLVH ngày 31/3/2022 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang về kết quả khảo sát và hướng xử lý tại Di tích lịch sử cấp quốc gia Đồi Tức Dụp và báo cáo có liên quan đến điểm tham quan điện Mặt Trời An Hảo, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với các sở, ngành có liên quan xem xét mức độ vi phạm của Công ty cổ phần Du lịch An Giang tại điểm tham quan điện Mặt trời An Hảo và Điểm du lịch Đồi Tức Dụp, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

[An Giang: Nhiều công trình không phép tại Khu di tích Đồi Tức Dụp]

Đồng thời, yêu cầu Công ty cổ phần Du lịch An Giang tạm dừng hoạt động đối với những điểm tham quan, khu vực xây dựng chưa được cấp phép theo quy định. Giao các ngành chức năng hỗ trợ doanh nghiệp khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, xây dựng theo quy định của pháp luật.

Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang cũng yêu cầu Công ty cổ phần Du lịch An Giang khẩn trương thực hiện một số nội dung như tại điểm tham quan điện Mặt Trời An Hảo và điểm du lịch Đồi Tức Dụp chưa thực hiện đúng quy trình đầu tư, xây dựng, tôn tạo… của Luật Du lịch, Luật Di sản văn hóa và Luật Xây dựng; việc đầu tư chưa xin phép xây dựng, xin ý kiến thỏa thuận nội dung tu bổ, sửa chữa với cơ quan có thẩm quyền theo Luật Di sản Văn hóa.

Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu Công ty cổ phần Du lịch An Giang tạm dừng các hoạt động có thu phí tại các điểm tham quan du lịch chưa đủ điều kiện hoạt động.

Đồng thời, tiếp thu ý kiến đóng góp, hướng dẫn của các ngành chức năng đặc biệt là đối với Di tích lịch sử cấp quốc gia Đồi Tức Dụp, cần khắc phục ngay các sai sót về mặt chuyên môn theo góp ý của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để khẩn trương hoàn thiện quy trình thủ tục đầu tư, xây dựng theo quy định.

Đối với giá vé vào tham quan điểm du lịch Đồi Tức Dụp, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang yêu cầu Công ty Cổ phần Du lịch An Giang thực hiện theo quy định về giá vé tại Nghị quyết 42/2016/NQ-HĐND ngày 9/12/2016 của Hội đồng Nhân dân tỉnh An Giang về “Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng các loại phí trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch” thuộc thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân tỉnh.

Các sản phẩm du lịch, dịch vụ khác do Công ty Cổ phần Du lịch An Giang đầu tư sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, được tự chủ mức thu phí và phải được niêm yết công khai cho du khách được biết.

Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Xây dựng và Ủy ban Nhân dân huyện Tri Tôn, Ủy ban Nhân dân huyện Tịnh Biên nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc quản lý tại điểm tham quan Điện Mặt Trời An Hảo và điểm du lịch Đồi Tức Dụp để xảy ra vi phạm có liên quan đến Luật Di sản văn hóa, Luật Du lịch và Luật Xâydựng; yêu cầu các sở, ngành có liên quan và Ủy ban Nhân dân huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thường xuyên tổ chức kiểm tra, nhắc nhở, xử lý đối với các lĩnh vực đầu tư xây dựng chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép trên địa bàn mình quản lý.

Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang cũng yêu cầu các địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa trên tỉnh.

Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đề nghị Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh và các sở, ngành có liên quan và Ủy ban Nhân dân huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm Công văn số 1083/BVHTTDL-DSVH ngày 31/3/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tăng cường quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia Đồi Tức Dụp do Công ty Cổ phần Du lịch An Giang quản lý, khai thác phục vụ du lịch có thu phí vào cổng.

Trong thời gian quản lý, công ty đã mở rộng quy mô, giải phóng mặt bằng với diện tích 2,6 ha và thực hiện sửa chữa, xây dựng một số công trình tại khu vực di tích.

Trước đó, ngày 31/3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang đã có báo cáo kết quả khảo sát Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia Đồi Tức Dụp, xã An Tức, huyện Tri Tôn gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh khi có dư luận việc Công ty Cổ phần Du lịch An Giang tự ý xây dựng, thay đổi cấu trúc tại khu di tích này.

Qua khảo sát, đoàn khảo sát ghi nhận nhiều hạng mục, công trình không xin phép về hồ sơ xây dựng tại Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia Đồi Tức Dụp.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Du lịch An Giang không xin phép về hồ sơ xây dựng mới, cải tạo các hạng mục phụ trợ phục vụ khách tham quan và công tác quản lý Điểm Du lịch nằm bên ngoài Đồi Tức Dụp.

Nhiều hang động tại Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia Đồi Tức Dụp bị Công ty Cổ phần Du lịch An Giang xâm hại. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Công ty không xin phép cải tạo, nâng cấp nhà hàng, nhà bếp và hai hồ chứa nước, 4 khu nhà vệ sinh, hệ thống điện, trang bị hệ thống phòng cháy, chữa cháy.

Công ty cũng không xin phép về hồ sơ xây dựng cải tạo Nhà trưng bày truyền thống nằm bên ngoài Đồi Tức Dụp.

Qua khảo sát, đoàn công tác phát hiện Công ty Cổ phần Du lịch An Giang không xin phép về hồ sơ xây dựng cải tạo hạng mục chính tại các hang của Khu Di tích như: thay cầu thang, lan can liên thông vào các hang tại một số hang đá “Hội trường C6,” “Cơ quan Phụ nữ,” “Cơ quan Tỉnh ủy”… và lót vạc một số điểm dừng chân trong các hang bằng chất liệu sắt hộp mạ kẽm màu trắng thay cho chất liệu gỗ trước đây.

Đặc biệt, các tay vịn cầu thang, lan can bằng sắt, phía Công ty cho sơn nhiều màu sắc (xanh, đỏ, vàng)... Chất liệu và màu sắc không phù hợp với tính chất di tích lịch sử cấp quốc gia. Công ty Cổ phần Du lịch An Giang tự ý lắp thêm hệ thống đèn chiếu sáng ở lối đi và trong các hang tại Khu di tích.

Sau khi khảo sát, đoàn kết luận tất cả những hạng mục xây dựng, cải tạo nêu trên Công ty Cổ phần Du lịch An Giang chưa thực hiện đúng quy trình, xin phép xây dựng, xin ý kiến thỏa thuận nội dung tu bổ, sửa chữa với cơ quan có thẩm quyền theo Luật Di sản Văn hóa.

Trước đó, điểm tham quan điện Mặt Trời An Hảo (huyện Tịnh Biên) do Công ty Cổ phần Du lịch An Giang quản lý chưa đủ điều kiện công nhận là điểm du lịch nhưng Công ty vẫn treo biển hiệu khu du lịch để đón khách.

Để tránh hiểu nhầm cho người dân và du khách, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang đề nghị Công ty không treo biển hiệu khu du lịch khi chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận; đồng thời bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận điểm du lịch, công bố, niêm yết giá vé tham quan theo đúng quy định./.
 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục