Xét xử cựu lãnh đạo Bình Dương: Bước tiến trong cải cách tư pháp

Phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và 27 bị cáo liên quan đến những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại tỉnh Bình Dương đã khép lại với một bản án nghiêm khắc.
Các bị cáo nghe Tòa tuyên án. (Ảnh: Kim Anh/TTXVN)

Phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và 27 bị cáo liên quan đến những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại tỉnh Bình Dương đã khép lại với một bản án nghiêm khắc, vừa đảm bảo tính răn đe, vừa thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.

Trong suốt quá trình diễn ra và sau phiên tòa, rất nhiều ý kiến của những người trong cuộc cũng như dư luận xã hội bày tỏ sự đồng tình, tán thành với một phiên tòa được điều hành khoa học, dân chủ, minh bạch… bảo vệ tài sản của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên liên quan, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, đáp ứng tinh thần cải cách tư pháp hiện nay.

Các ý kiến đều được tôn trọng, lắng nghe

Là người ngồi phiên tòa từ những ngày đầu cho đến khi tuyên án, luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Thanh) bào chữa cho hai bị cáo Võ Văn Lượng (cựu Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương) và bị cáo Nguyễn Thanh Trúc (cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương) đánh giá: Hội đồng xét xử đã điều khiển phiên tòa một cách khoa học, hợp lý.

Ban đầu, phiên tòa dự kiến kéo dài 20 ngày (cả thứ Bảy và Chủ nhật) nhưng thời gian xét xử thực tế chỉ hơn 10 ngày. Tất cả các bị cáo, luật sư, người tham gia tố tụng khác với tổng cộng hơn 100 người nhưng đều được phát biểu ý kiến cũng như tranh luận, đối đáp.

Tuy đánh giá mức án đề nghị của đại diện Viện kiểm sát đưa ra là hơi nghiêm khắc, nhưng luật sư Thanh vẫn thừa nhận rằng trình độ của các kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa này là rất cao, phân tích chi tiết đến từng vấn đề cốt lõi của vụ án.

Theo luật sư Thanh, Hội đồng xét xử đã tuyên một bản án thấu tình đạt lý, các bị cáo đều được hưởng mức án thấp hơn nhiều so với đề nghị của đại diện Viện kiểm sát. Tuy nhiên, nhiều bị cáo vẫn hy vọng được hưởng mức án nhân văn hơn nữa để họ có cơ hội sớm trở về với gia đình và tiếp tục góp phần công sức, kinh nghiệm của mình để xây dựng và phát triển tỉnh Bình Dương như họ đã từng làm.

Chung nhận định với luật sư Thanh, luật sư Nguyễn Văn Tú (bào chữa cho 2 vợ chồng bị cáo Võ Hồng Cường (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Hưng Vượng) và Trần Đình Như Ý (Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát Triển) cho rằng Hội đồng xét xử phiên tòa này đã điều hành phiên tòa rất kinh nghiệm, khoa học, tuân thủ các quy định của pháp luật. Các luật sư đã được tạo điều kiện trình bày đầy đủ những luận điểm, luận cứ gỡ tội cho thân chủ của mình. Tuy nhiên, với những nội dung trùng lắp hoặc thừa, hoặc không thuộc phạm vi xét xử của vụ án… đều đã được Hội đồng xét xử yêu cầu dừng lại, chuyển sang nội dung đúng trọng tâm hơn.

Phần đối đáp của các công tố viên tại phiên tòa được luật sư Nguyễn Văn Tú đặc biệt đánh giá cao. Theo luật sư Tú, các kiểm sát viên đã tiến hành đối đáp từng luận điểm, luận cứ một cách khoa học, rõ ràng, đi thẳng vào bản chất của vấn đề. Trong một phiên tòa có tới gần 100 người, với 60 luật sư, 26 bị cáo có mặt tại phiên tòa, người liên quan… nhưng các kiểm sát viên đã bám sát, lắng nghe kỹ lưỡng, nắm chắc, đối đáp hầu hết những vấn đề trọng tâm của vụ án. Những người tham gia tố tụng tại phiên tòa đều được đại diện Viện Kiểm sát và Hội đồng xét xử tôn trọng, lắng nghe và giải đáp ý kiến.

Quá trình diễn ra phiên tòa cũng như khi nói lời sau cùng tại tòa, nhiều bị cáo đã bày tỏ sự cảm ơn Hội đồng xét xử đã điều hành phiên tòa một cách khách quan, dân chủ, tạo điều kiện cho các bị cáo, luật sư bào chữa được trình bày đầy đủ quan điểm và nguyện vọng của mình. Các Kiểm sát viên đã lắng nghe, tôn trọng ý kiến của các bị cáo và đối đáp đầy đủ lại những nội dung buộc tội chính đối với các bị cáo. Phiên tòa cũng rất nhân văn khi tạo điều kiện cho những bị cáo tuổi cao, sức khỏe yếu được xét xử vắng mặt, hoặc được ngồi tại chỗ trình bày mà không phải đi lên bục khai báo theo quy định.

[Xét xử cựu lãnh đạo Bình Dương: Động cơ vụ lợi lấn át pháp luật]

Bị cáo Nguyễn Quốc Hùng (Tổng Giám đốc Công ty Âu Lạc) đã cảm ơn Hội đồng xét xử điều hành phiên tòa một cách công minh, để bị cáo và luật sư bào chữa được nói lên quan điểm của mình. Bị cáo Hùng xin Tòa xem xét, cân nhắc về vai trò, hành vi của bị cáo, những sai phạm nếu có tại Công ty Âu Lạc… cho bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ khi lượng hình.

Bị cáo Nguyễn Thục Anh (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát Triển) bày tỏ cảm ơn Hội đồng xét xử đã lắng nghe và ghi nhận các ý kiến của bị cáo, cảm ơn các luật sư đã tham gia bào chữa cho bị cáo.

Tương tự, bị cáo Nguyễn Kim Liên (cựu Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính tỉnh Bình Dương) cũng cảm ơn Hội đồng xét xử đã công tâm lắng nghe và tạo điều kiện cho các bị cáo được giãi bày, cảm ơn luật sư đã cố gắng làm việc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo. Bị cáo Liên xin Hội đồng xét xử xem xét đánh giá khách quan những đóng góp của bị cáo, cho bị cáo được thụ án ngoài xã hội để chăm sóc cha mẹ già.

Cân nhắc kỹ lưỡng công-tội

Quá trình lượng hình, Hội đồng xét xử xác định 28 bị cáo trong vụ án này không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Về tình tiết giảm nhẹ, Hội đồng xét xử nhận thấy, trong vụ án này, ngoài bị cáo Nguyễn Đại Dương (chồng bị cáo Nguyễn Thục Anh), trong quá trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo khác đều đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Quá trình công tác, đa phần các bị cáo đều có nhiều thành tích, đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương, bằng khen, giấy khen. Đối với nhóm các bị cáo liên quan đến hành vi chuyển nhượng khu đất 43ha được hưởng tình tiết giảm nhẹ do một phần thiệt hại đã được khắc phục.

Cũng liên quan đến Khu đất 43ha, các bị cáo Trần Văn Nam (cựu Bí thư Tỉnh ủy), Trần Thanh Liêm (cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh), Ngô Dũng Phương (trưởng phòng Tài chính Đảng), Phạm Văn Cành (cựu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy) tuy có liên đới trách nhiệm không ngăn chặn, hủy bỏ giao dịch chuyển nhượng, nhưng thực tế các bị cáo trên chỉ biết sự việc sau khi bị cáo Minh và các bị cáo khác đã thực hiện xong việc chuyển nhượng Khu đất.

Đối với các bị cáo nguyên là cán bộ, lãnh đạo tỉnh Bình Dương, có liên quan đến hành vi áp đơn giá đất để thu tiền sử dụng đất, Hội đồng xét xử xác định hậu quả của hành vi này đã được khắc phục một phần, nên cho những bị cáo này được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 51, khoản 1, điểm b-Bộ luật Hình sự.

Đối với nhóm 6 bị cáo liên quan đến hành vi tham ô tài sản, Tòa xác định hậu quả đã được khắc phục toàn bộ, nên quyết định cho các bị cáo này được áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo quy định.

Quang cảnh phiên tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Ngoài việc cân nhắc giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo tuổi cao, sức khỏe yếu, gia đình và bản thân có nhiều thành tích đóng góp… Hội đồng xét xử còn xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho những bị cáo có vai trò mờ nhạt trong vụ án. Điển hình như các bị cáo: Huỳnh Công Phát, Lý Thanh Châu (đều là cựu thành viên Hội đồng thành viên kiêm Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty sản xuất-xuất nhập khẩu Bình Dương- Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên)… là người giúp sức có vai trò thứ yếu, không được tham gia bàn bạc, chỉ thực hiện theo chỉ đạo, không được hưởng lợi cá nhân.

Bị cáo Đỗ Thị Thanh Thúy (cựu Kế toán trưởng Tổng Công ty sản xuất-xuất nhập khẩu Bình Dương-Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên) đã tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra trong quá trình giải quyết vụ án; khi phạm tội bị cáo là phụ nữ có thai, hiện mới sinh con nhỏ; bị cáo là người giúp sức có vai trò thứ yếu, không được tham gia vào quá trình bàn bạc, chỉ thực hiện theo chỉ đạo… nên được Hội đồng xét xử quyết định giảm nhẹ một phần hình phạt tù.

Quyền lợi của người thứ ba ngay tình

Trong nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, bên cạnh việc đảm bảo thu hồi tài sản cho Nhà nước, Tòa án các cấp đều chú trọng xem xét quyền lợi cho người thứ ba ngay tình, đảm bảo sự công bằng, khách quan. Khi xét xử vụ án sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại tỉnh Bình Dương, vấn đề về người thứ ba ngay tình cũng đã được Tòa cân nhắc giải quyết thấu đáo.

Cụ thể, tại khu đất 43ha, nhóm bị cáo Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Bình Dương) đã làm trái chủ trương của Tỉnh ủy Bình Dương khi mang tài sản này đi góp vốn cùng Công ty Âu Lạc để thành lập liên doanh là Công ty Tân Phú nhằm thực hiện Dự án Khu dân cư-thương mại-dịch vụ Tân Phú.

Sau đó, bị cáo Minh chỉ đạo các đồng phạm tại Tổng công ty Bình Dương “bán rẻ” 43ha đất cùng toàn bộ cổ phần tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc. Điều này đồng nghĩa với việc tài sản Nhà nước bị chuyển hóa sang tư nhân, gây thiệt hại gần 985 tỷ đồng. Và Công ty Âu Lạc sau đó bán toàn bộ cổ phần tại Công ty Tân Phú cho Công ty Kim Oanh.

Cơ quan tố tụng xác định, bà Đặng Thị Kim Oanh (chủ sở hữu Công ty Kim Oanh) không biết và không liên quan đến hành vi chuyển nhượng trái pháp luật khu đất 43ha. Song trong vụ án này, Công ty Kim Oanh vẫn bị tham gia với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Tại phiên tòa, người bảo vệ quyền lợi cho Công ty Tân Phú và Công ty Kim Oanh cho rằng, pháp luật hình sự quy định người phạm tội phải trả lại tài sản chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Tuy nhiên trong vụ án này, các cơ quan tố tụng xác định Công ty Kim Oanh không có hành vi phạm tội.

Công ty Kim Oanh là người thứ ba ngay tình trong việc nhận chuyển nhượng 100% vốn góp của Công ty Âu Lạc để trở thành chủ sở hữu hợp pháp của Công ty Tân Phú, bao gồm cả quyền sử dụng 43ha đất. Bộ luật Dân sự quy định, quyền, lợi ích của người thứ ba ngay tình phải được đảm bảo nên Công ty Kim Oanh có toàn quyền sử dụng và quyết định đầu tư trên diện tích đất 43ha.

Trong phần tranh tụng, đại diện Công ty Kim Oanh đã đề nghị các cơ quan tố tụng cho phép doanh nghiệp được nộp khoản tiền sử dụng đất chênh lệch và được tiếp tục thực hiện dự án tại khu đất 43ha. Đây cũng là một trong những đề nghị được đại diện Tỉnh ủy Bình Dương nêu ra tại phiên tòa.

Sau khi căn cứ vào các quy định của pháp luật, căn cứ đơn đề nghị của Công ty Tân Phú, Công ty Kim Oanh, đại diện Tỉnh ủy Bình Dương… Hội đồng xét xử thấy cần tạm giao cho Công ty Tân Phú tiếp tục quản lý khu đất 43ha. Đồng thời, Hội đồng xét xử đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương nghiên cứu, xem xét, xác định đầy đủ các nghĩa vụ tài chính Công ty Tân Phú phải nộp đối với khu đất 43ha, bảo đảm không gây thất thoát tài sản cho Nhà nước và đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan.

Do khu đất 43ha được xử lý theo phương án nêu trên, thiệt hại được khắc phục nên không buộc các bị cáo có hành vi sai phạm liên quan đến khu đất 43ha phải bồi thường trong vụ án này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục