Xu hướng đầu tư tài chính thận trọng hậu đại dịch COVID-19

Theo tờ Wall Street Journal, các nhà đầu tư mới tham gia thị trường được vài năm giờ nhận ra rằng đầu tư chứng khoán hóa ra đi kèm với khá nhiều rủi ro lớn.
Hoạt động tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Sớm hay muộn đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 rồi cũng sẽ qua đi, nhưng dù thế nào cuộc khủng hoảng này sẽ để lại những ảnh hưởng lâu dài đối với các nhà đầu tư và các nhà quản lý quỹ.

Thời điểm hiện nay là một giai đoạn mà chẳng bao lâu nữa sẽ biến thành thời kỳ suy thoái kinh tế trầm trọng nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Theo tờ Wall Street Journal, các nhà đầu tư mới tham gia thị trường được vài năm giờ nhận ra rằng đầu tư chứng khoán hóa ra đi kèm với khá nhiều rủi ro lớn. Trừ khi nền kinh tế phục hồi thật nhanh, theo hình chữ V - điều mà ai cũng hy vọng, nếu không thì các nhà đầu tư sẽ phải chấp nhận rằng năm 2020 là dấu mốc tồi tệ và sau này họ có thể không dám đưa ra những bước đi mạo hiểm trong đầu tư trên thị trường nữa.

Điều đó có nghĩa là nhà đầu tư sẽ không nắm giữ nhiều cổ phiếu nữa và cũng sẽ ít dám đầu tư vào các dự án kém chắc chắn và xu hướng này sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực đầu tư kỳ hạn tương lai. Bên cạnh đó, sẽ có ít nhà đầu tư dám chấp nhận rủi ro lớn để lập công ty riêng của mình.

Những tác động của COVID-19 trong lĩnh vực tài chính hiện chưa phải là mối quan tâm lớn trước mắt nếu so với những ảnh hưởng của đại dịch đối với các vấn đề khác như người lao động bị thất nghiệp trong một thời gian dài, nguy cơ tan rã tiến trình toàn cầu hóa đang tới gần, sức ép chính trị tiềm ẩn khiến chính phủ phải chi tiêu nhiều hơn và tăng các loại thuế, chưa kể quy mô vay nợ ở mức khổng lồ của các doanh nghiệp trong thành phần kinh tế công và tư.

Thế nhưng, chính các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ảnh hưởng của suy thoái lên thị trường tài chính có thể kéo dài rất lâu, nhất là đối với các nhà đầu tư chịu tác động, tới tận sau này khi cuộc khủng hoảng và hậu quả của nó đã trở thành quá khứ với hầu hết những người khác.

Nhìn từ góc độ ngắn hạn, mức thua lỗ lớn chắc chắn sẽ khiến những nhà đầu tư ít kinh nghiệm phải thận trọng hơn khi cân nhắc có quay lại thị trường hay không, như tình trạng đã từng xảy ra hồi năm 2009.

Chuyên gia tài chính Stefan Nagel thuộc Đại học Chicago nhận định rằng các nhà đầu tư trẻ rất nhạy cảm với những thông tin liên quan kinh tế, bởi họ có ít kinh nghiệm hơn rất nhiều so với những nhà đầu tư có tuổi đã trải qua các đợt sóng gió tồi tệ của thị trường qua nhiều năm. Chính lớp đầu tư trẻ mới là những người bi quan với tình hình lợi nhuận đầu tư và sợ rủi ro trong vài năm tới. Do vậy, họ sẽ có xu hướng chọn đầu tư vào những thứ mang tính ổn định hơn.

[Hơn 100 nước thành viên IMF kêu gọi được tài trợ tài chính khẩn cấp]

Cả giáo sư Nagel và giáo sư Ulrike Malmendier của Đại học California đều chia sẻ nhận định chung rằng những tính toán về rủi ro từ góc nhìn dài hạn của nhà đầu tư bị tác động khá nhiều bởi những kinh nghiệm họ có được khi tham gia hoạt động đầu tư thời trẻ.

Những người khởi nghiệp đầu tư đúng vào những năm lợi nhuận cổ phiếu kém có xu hướng sẽ tránh thị trường cổ phiếu, còn những người đầu tư vào đúng thời điểm lợi nhuận khá thì ít bị tác động hơn khi thị trường chao đảo theo chiều hướng xấu đi.

Trên thực tế, không phải chỉ những nhà đầu tư tư nhân mới có kiểu tính toán rủi ro bị tác động bởi kinh nghiệm đầu tư cá nhân trước đó của họ.

Theo giáo sư Malmendier và nhiều người khác trong giới chuyên gia, ngay cả các giám đốc các công ty, tập đoàn, những người từng là những nhà đầu tư trẻ trong thời kỳ Đại suy thoái trước đây cũng khá dè dặt và khó vực dậy công ty của mình hơn những giám đốc được trải nghiệm một nền kinh tế phát triển tốt khi họ là những nhà đầu tư trẻ.

Kể cả chính những nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, ngân hàng trung ương) vốn rất am hiểu cả lý thuyết và lịch sử thị trường tài chính cũng bị tác động nhiều bởi những kinh nghiệm của chính họ khi đối phó với tình hình lạm phát xảy ra trong nhiều thời điểm trước đó.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư khởi nghiệp nhỏ thường dễ bị ảnh hưởng trực tiếp hơn. Phó giáo sư Min Ouyang thuộc Đại học Tsinghua tại Bắc Kinh cho rằng trong thời kỳ suy thoái kinh tế trước đây, nỗi ám ảnh của các doanh nghiệp sợ dòng tiền đổ vỡ còn lớn hơn cả việc họ được hưởng lợi từ những hiệu ứng kinh tế có lợi do các doanh nghiệp yếu kém hơn bị buộc phải phá sản.

Đồng đôla Mỹ tại một ngân hàng ở Washington, DC. (Ảnh: THX/TTXVN)

Những gói cứu trợ của Chính phủ Mỹ sẽ được dùng một phần để giảm bớt phần nào tác động của tình trạng tê liệt hoạt động kinh tế hiện nay đối với các doanh nghiệp nhỏ. Các doanh nghiệp khác sẽ thay đổi để tồn tại bằng cách tham gia vào vận chuyển thực phẩm, sản xuất thêm máy thở và khẩu trang và chủ yếu làm việc từ nhà.

Giáo sư Ouyang dự báo rằng những ảnh hưởng lâu dài của đợt suy thoái lần này có thể sẽ nghiêm trọng hơn tất cả các cuộc suy thoái từ trước tới nay. Tình hình sẽ phụ thuộc vào việc nền kinh tế và thị trường có phục hồi được nhanh hay không và nếu nhìn vào thị trường chứng khoán hiện tại thì có thể thấy sự hồi phục khá kỳ diệu.

Thế nhưng, ảnh hưởng về mặt tâm lý của đợt suy thoái do dịch bệnh này vẫn khá nghiêm trọng bởi các nhà đầu tư nhận ra rằng những rủi ro trong lĩnh vực tài chính do đại dịch gây ra chưa bao giờ được chú trọng và giờ là lúc họ phải trả giá, Giáo sư Laura Veldkamp thuộc Đại học Columbia nhận định như vậy.

Bà cho rằng nếu việc xảy ra dịch bệnh giờ đây được coi là chuyện bình thường thì từ nay các nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn nhiều và sẽ không dám mạo hiểm trong đầu tư. Các hộ gia đình và các công ty sẽ chỉ muốn tiết kiệm chứ không đầu tư nữa vì sợ sẽ lặp lại tình trạng tê liệt hoạt động hoàn toàn như hiện nay trong tương lai còn các chính phủ sẽ tích trữ trang thiết bị phục vụ việc ứng phó khẩn cấp đồng thời đảm bảo có thể nhanh chóng tự sản xuất những trang thiết bị y tế cần thiết mà không phụ thuộc nước nào.

Thậm chí, ngay cả khi đại dịch chỉ xảy ra một lần, nhiều người sẽ rất dè dặt hòa nhập lại vào xã hội, kể cả khi lệnh cấm hoạt động đã được dỡ bỏ và điều này sẽ khiến các công ty làm ăn trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ ăn uống và tổ chức sự kiện sẽ gặp nhiều khó khăn. Tất nhiên, cũng sẽ có nhiều người khác muốn giao lưu trở lại sau nhiều tuần bị cách ly hoặc thực thi giãn cách xã hội, tuy nhiên khó có thể biết được xu hướng nào sẽ nổi lên rõ sau khi đại dịch kết thúc.

Jose Vinals, Chủ tịch ngân hàng Standard Chartered đồng thời là cựu quan chức của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho rằng người dân sẽ rất thận trọng và mọi thứ sẽ không thể quay về như lúc trước. Thế giới sẽ hoàn toàn khác. Điều ông và nhiều nhà kinh tế trên toàn cầu lo ngại là đợt suy thoái này sẽ đẩy các nước ra xa khỏi tiến trình toàn cầu hóa với lý do được đưa ra là để đảm bảo các chuỗi cung có thể vận hành an toàn hơn.

Lúc này, nếu các nhà đầu tư bắt đầu đặt cược vào một nền kinh tế phục hồi nhanh thì họ cần cân nhắc tới nguy cơ là đợt suy thoái do đại dịch hiện nay có thể khiến nền kinh tế Mỹ suy yếu tới ít nhất vài năm nữa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục