Xử lý khủng hoảng trong ngoại giao kinh tế ở Trung Đông-châu Phi

Việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và công dân Việt Nam luôn là ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngoại giao.
Các đại biểu dự hội thảo. (Nguồn: vtv.vn)

Ngày 24/12, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu chủ trì Hội thảo “Vai trò của xử lý khủng hoảng trong công tác ngoại giao kinh tế tại địa bàn Trung Đông-châu Phi.”

Tham dự Hội thảo có Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng; nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng cùng 50 đại biểu gồm các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam tại khu vực Trung Đông-châu Phi, đại diện một số bộ, ngành, viện nghiên cứu, doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại khu vực.

Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động ngoại giao kinh tế do Bộ Ngoại giao tổ chức thời gian qua nhằm mở đường, đồng hành và hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp trong việc tìm kiếm cơ hội hợp tác, xử lý các khó khăn, thách thức phát sinh trong thực tiễn công tác ngoại giao kinh tế.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu khẳng định việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và công dân Việt Nam luôn là ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngoại giao.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh hội thảo lần này nhằm triển khai hiệu quả hơn nữa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 vừa qua về nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngoại giao trong giai đoạn mới là “Ngoại giao phục vụ phát triển đất nước.”

[Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi]

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nêu rõ việc tổ chức hội thảo là rất kịp thời và thiết thực khi các bất ổn về chính trị-an ninh, dịch bệnh, thiên tai... có khả năng tạo ra những tình huống khủng hoảng, tác động tiêu cực đến lợi ích và sự an toàn của công dân Việt Nam, cũng như hoạt động kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp Việt tại địa bàn.

Tại hội thảo, Trợ lý Bộ trưởng Lê Thị Thu Hằng nhận định truyền thông có vai trò rất quan trọng trong việc xử lý khủng hoảng bên cạnh việc triển khai các giải pháp trên thực tế. Khi xảy ra khủng hoảng, nhận thức đúng đắn và triển khai kịp thời công tác truyền thông với thái độ tích cực, chính xác, đúng người, đúng thời điểm là điều kiện tiên quyết để xử lý các cuộc khủng hoảng.

Các đại biểu chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong xử lý các khủng hoảng tại khu vực trong thời gian qua; đề xuất một số biện pháp nhằm xử lý các cuộc khủng hoảng, giảm thiểu tác động tiêu cực đến doanh nghiệp và công dân Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh và làm việc tại khu vực Trung Đông-châu Phi.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh vai trò then chốt của công tác dự báo trong ngăn ngừa và xử lý khủng hoảng để bảo vệ từ sớm, từ xa lợi ích của công dân và doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, các đại biểu đề cao vai trò của Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; sự cần thiết nâng cao sự phối hợp liên ngành trong quá trình xử lý khủng hoảng, hướng tới xây dựng các cơ chế chuyên trách để giải quyết khủng hoảng phát sinh ở nước ngoài; đồng thời tính tới các biện pháp xử lý hậu khủng hoảng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, công dân sớm ổn định hoạt động kinh doanh và đời sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục