Xung đột Hamas-Israel: Tầm quan trọng của giải pháp hai nhà nước

Cộng đồng quốc tế đã lên tiếng bày tỏ quan ngại, phản đối mọi hành động quân sự nhằm vào dân thường, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của giải pháp hai nước trong việc giải quyết cuộc xung đột.
Tòa nhà bị phá hủy sau một cuộc không kích của Israel xuống thành phố Rafah ở Dải Gaza, ngày 21/10/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong bối cảnh xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas tại Palestine và Israel tiếp tục leo thang, cộng đồng quốc tế đã lên tiếng bày tỏ quan ngại, phản đối mọi hành động quân sự nhằm vào dân thường, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của giải pháp hai nước trong việc giải quyết cuộc xung đột hiện nay.

Theo phóng viên TTXVN tại Ai Cập, trong cuộc gặp phái đoàn Thượng viện Mỹ đang ở thăm Cairo ngày 23/10, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã tái khẳng định lập trường kiên định của Cairo phản đối các hoạt động quân sự nhằm vào tất cả dân thường cũng như phản đối "các chính sách trừng phạt tập thể và ép buộc người Palestine rời khỏi vùng đất của họ."

Phủ Tổng thống Ai Cập cho biết Tổng thống El-Sisi đã được phái đoàn Thương viện Mỹ thông báo tóm tắt về kết quả chuyến thăm của phái đoàn do Thượng Nghị sỹ Mỹ Lindsey Graham dẫn đầu tới Israel để thảo luận những diễn biến gần đây ở Dải Gaza và Israel.

Tổng thống El-Sisi khẳng định Ai Cập rất coi trọng việc duy trì liên lạc thường xuyên với lãnh đạo Quốc hội Mỹ như một phần của sự phối hợp và tham vấn giữa hai nước về nhiều vấn đề khác nhau.

Nhà lãnh đạo Ai Cập cũng chia sẻ với phái đoàn Thượng viện Mỹ quan điểm và đánh giá của ông về tình hình giữa Israel và Gaza, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải nỗ lực giảm leo thang và tăng cường phối hợp giữa tất cả các bên liên quan để thúc đẩy một giải pháp công bằng và toàn diện cho vấn đề Palestine.

[Xung đột Israel-Hamas: Các nước nỗ lực kêu gọi giảm căng thẳng]

Điều này nhằm bảo vệ các quyền của người Palestine và thành lập nhà nước Palestine độc lập phù hợp với luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Tại cuộc gặp, 2 bên cũng nhất trí về mức độ nghiêm trọng của tình hình hiện nay và sự cần thiết phải ngăn chặn leo thang xung đột, bảo vệ dân thường, cung cấp viện trợ nhân đạo cho Gaza, đồng thời nêu bật tầm quan trọng của việc khôi phục tiến trình hòa bình Trung Đông.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry và người đồng cấp Iran Hossein Amir-Abdollahian đã điện đàm trao đổi quan điểm về tình hình tại Dải Gaza.

Hai bên thảo luận các biện pháp nhằm giảm bớt đau khổ cho người Palestine, trong bối cảnh Israel vẫn đang triển khai các cuộc không kích nhằm vào dải đất ven biển bị chiếm đóng này.

Đoàn xe chở hàng viện trợ nhân đạo đi qua cửa khẩu Rafah từ Ai Cập vào Dải Gaza ngày 21/10/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hai ngoại trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp các nỗ lực ở cấp khu vực và quốc tế để cung cấp “sự tiếp cận an toàn và bền vững đối với viện trợ nhân đạo và cứu trợ cho Dải Gaza.”

Ngoại trưởng Shoukry đã thông báo ngắn gọn cho người đồng cấp Amir-Abdollahian về kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Cairo diễn ra hôm 21/10.

Theo ông Shoukry, đây là nỗ lực tổng hợp đầu tiên của các bên trong khu vực và quốc tế, nhằm tương tác chính trị với cuộc khủng hoảng, đồng thời kêu gọi tất cả các bên phát huy kết quả của hội nghị này để ngăn chặn leo thang.

Israel đã áp đặt lệnh phong tỏa hoàn toàn đối với Dải Gaza kể từ ngày 7/10, chặn các nguồn cung cấp bao gồm thực phẩm, điện và thuốc men cho 2,3 triệu dân ở dải đất này.

Theo Sky News Arabia, Israel chỉ cho phép ba đoàn xe với tổng cộng 55 xe tải chở vật tư y tế và viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza trong 3 ngày qua thông qua cửa khẩu Rafah của Ai Cập.

Hiện còn rất nhiều xe chở hàng cứu trợ quốc tế đang xếp hàng dài ở biên giới Ai Cập để chờ vào Dải Gaza.

Liên hợp quốc cho biết cần ít nhất khoảng 100 xe tải mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu của người Palestine tại Dải Gaza.

Theo cơ quan y tế Dải Gaza, các cuộc không kích của Israel đã khiến ít nhất 5.087 người thiệt mạng tại khu vực này, trong đó có hơn 2.000 trẻ em và 1.100 phụ nữ kể từ khi xung đột bùng phát vào ngày 7/10 vừa qua.

Trong khi đó, phía Israel cũng thông báo có ít nhất 1.500 người thiệt mạng và hơn 4.200 người bị thương. Theo Liên hợp quốc, hơn 1,6 triệu người ở Dải Gaza đang rất cần viện trợ nhân đạo khẩn cấp.

Trong diễn biến liên quan, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Israel Eli Cohen và Ngoại trưởng Palestine Riad al-Maliki.

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Israel, ông Vương Nghị cho rằng cuộc xung đột giữa Israel và Hamas hiện nay ảnh hưởng đến toàn thế giới.

Trung Quốc quan ngại sâu sắc khi xung đột leo thang; lên án mọi hành động gây tổn hại cho dân thường; đồng thời khẳng định tất cả các quốc gia đều có quyền tự vệ, nhưng phải tuân thủ luật nhân đạo quốc tế.

Bộ trưởng Vương Nghị nhấn mạnh, “giải pháp hai nhà nước” là sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế, Palestine và Israel nên nối lại các cuộc đàm phán hòa bình và hiện thực hóa sự chung sống hài hòa của các dân tộc Arab và Do Thái.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Israel Eli Cohen nêu quan điểm và mối quan ngại về an ninh của Israel trong cuộc xung đột Hamas-Israel.

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Palestine Riad al-Maliki, Bộ trưởng Vương Nghị cho biết Trung Quốc thông cảm sâu sắc với tình hình khó khăn của Palestine, đặc biệt là người dân Gaza.

Trung Quốc cực lực lên án và phản đối mọi hành động gây tổn hại cho dân thường, vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và chấm dứt chiến tranh để đảm bảo điều kiện sống cơ bản nhất cho người dân Gaza.

Ông Vương Nghị nhấn mạnh, cách duy nhất để giải quyết vấn đề Palestine nằm ở việc thực hiện “Giải pháp hai nhà nước,” đồng thời kêu gọi triệu tập một hội nghị hòa bình quốc tế và thúc đẩy nối lại các cuộc đàm phán hòa bình giữa Palestine và Israel càng sớm càng tốt.

Ngoại trưởng Palestine Maliki cảm ơn Trung Quốc, kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và gửi hàng cứu trợ đến Dải Gaza càng sớm càng tốt.

Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết nhà lãnh đạo Emmanuel Macron sẽ tới Israel trong ngày 24/10 nhằm kêu gọi "nối lại tiến trình hòa bình thực sự" để thành lập một nhà nước Palestine, cũng như đưa ra các đề xuất và thúc đẩy một lệnh ngừng bắn nhân đạo bất chấp một cuộc tấn công trên bộ sắp diễn ra tại Dải Gaza.

Theo các cố vấn của Tổng thống Macron, ngoài việc thể hiện tình đoàn kết với Israel, nhà lãnh đạo Pháp muốn đưa ra "những đề xuất thực tiễn nhất có thể" để ngăn chặn xung đột leo thang, thúc đẩy việc giải phóng con tin, đảm bảo an ninh của Israel và nỗ lực hướng tới giải pháp hai nhà nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục