Ý nghĩa chuyến công du của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tới Trung Đông

Trang mạng The Diplomat cho rằng quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã cản trở Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thực hiện khẩu hiệu “ngoại giao hòa bình” trong chuyến công du tới Trung Đông.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng The Diplomat gần đây có bài viết với tiêu đề “Nhật Bản tới giải cứu: Ông Abe có thể xoa dịu căng thẳng ở Trung Đông?”

Bài viết cho rằng quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã cản trở Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thực hiện khẩu hiệu “ngoại giao hòa bình” trong chuyến công du tới Trung Đông.

Theo bài viết này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có chuyến đi kéo dài 5 ngày tới Trung Đông với hy vọng mang đến một chính sách độc đáo về giải pháp ngoại giao hòa bình cho thế giới Hồi Giáo, trong bối cảnh nguy cơ trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ và Iran đang leo thang.

Tuần trước, các phương tiện truyền thông địa phương đã trích dẫn những nhận định của các quan chức trong chính quyền ông Abe về việc có thể hủy chuyến công du tới Trung Đông sau vụ ám sát của Mỹ đối với Tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.

Tuy nhiên, chuyến thăm vẫn được thực hiện do lịch trình đã được lên trước đó. Nói với các phóng viên tại sân bay Haneda khi chuẩn bị lên máy bay tới Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Oman, ông Abe cho biết hy vọng các bên sẽ giảm bớt căng thẳng bằng cách thúc đẩy đối thoại, tự kiềm chế và thực hiện giải pháp ngoại giao hòa bình bền bỉ.

[Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chuẩn bị công du Trung Đông]

Là đất nước nghèo tài nguyên và phụ thuộc tới 90% nguồn cung dầu mỏ từ Trung Đông, Nhật Bản lo ngại căng thẳng tại Trung Đông gia tăng có thể gây nguy hiểm đối với an ninh năng lượng.

Vào tháng 6/2019, một tàu thương mại Nhật Bản chở 25.000 tấn metanol đã bị tấn công bởi một máy bay không người lái tại Vịnh Oman, ngay trong chuyến thăm của ông Abe tới Tehran.

Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Iran có thể đẩy các bên tới bờ vực chiến tranh, Nội các của ông Abe tháng 12/2019 đã thông qua kế hoạch phái lực lượng phòng vệ làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho các tàu của Nhật Bản trên tuyến đường biển qua khu vực Trung Đông.

Chính quyền ông Abe giữ lập trường không tham gia vào liên minh do Mỹ lãnh đạo để bảo vệ các tuyến đường thủy qua Trung Đông, mà chọn giải pháp độc lập với các bên và tránh đi vào eo biển Hormuz, nhằm giữ mối quan hệ hữu nghị với Iran, đồng thời ngăn chặn những thiệt hại cho vị trí trung lập về chính trị của Nhật Bản trong khu vực này.

Hạm đội của lực lượng phòng vệ Nhật Bản bao gồm hai máy bay tuần tra và một tàu khu trục. Hạm đội này dự kiến sẽ khởi hành vào ngày 2/2 tới và sẽ tập trung hoạt động tại Vịnh Oman và phía Bắc của biển Arab.

Đêm 11/1, ông Abe đã tới thủ đô Riyadh của Saudi Arabia và gặp Quốc vương Salman, cùng Thái tử Mohammed vào ngày 12/1 để tìm kiếm sự hiểu biết và hợp tác lẫn nhau với vai trò là những quốc gia đồng minh của Mỹ, nhằm đảm bảo cho kế hoạch triển khai lực lượng phòng vệ tới Trung Đông của Nhật Bản diễn ra suôn sẻ.

Saudi Arabia đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran sau khi Đại sứ quán nước này tại Tehran bị tấn công bốn năm trước. Trái ngược với mối quan hệ hữu nghị với Nhật Bản, quan hệ giữa Iran với láng giềng Saudi Arabia mang tính thù địch.

Chuyến thăm của ông Abe tới Saudi Arabia đóng vai trò hòa giải để ngăn chặn cuộc xung đột giữa Mỹ và Iran lan sang các nước láng giềng. Ông Abe cho biết ông muốn thúc giục các nhà lãnh đạo theo đuổi những giải pháp ngoại giao và khuyến khích Saudi Arabia bắt đầu đối thoại với Iran nhằm giải tỏa căng thẳng và ổn định tình hình.

Với nguy cơ chiến tranh có thể hiện hữu, Saudi Arabia có một mối quan tâm ngày càng tăng là những tác động của những nguy cơ này đối với ngành ngân hàng, du lịch của nước này, những lĩnh vực được hỗ trợ lớn từ doanh thu của ngành dầu mỏ.

Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia, ông Faisal Bin Farhan trả lời phỏng vấn của tờ Asahi Shimbun (Nhật Bản) cho biết Saudi Arabia có cùng quan điểm với Nhật Bản muốn tránh xung đột vũ trang càng nhiều càng tốt.

Ông cũng cho biết thêm rằng Saudi Arabia đang tìm cách tận dụng mối quan hệ của Nhật Bản với Iran và hy vọng Tokyo có thể đóng góp bằng cách gửi thông điệp của cộng đồng quốc tế đến Iran.

Trong khi đó, tại UAE, quốc gia này cũng đang hy vọng cải thiện quan hệ với Iran. Đối với Oman, ông Abe tìm kiếm sự đảm bảo từ Oman cho phép lực lượng phòng vệ Nhật Bản sử dụng các cảng và cơ sở trên đất nước này.

Thời gian qua, tình hình xấu đi tại Trung Đông đang phát sinh những rủi ro mới đối với kế hoạch cử lực lượng phòng vệ của Nhật Bản tới khu vực này. Sau cuộc tấn công của Iran vào quân đội Mỹ tại Iraq, nguy cơ sẽ diễn ra các cuộc tấn công tương tự vào quân đội Mỹ ở các nước láng giềng với Iran tăng cao.

Dư luận Nhật Bản đã bắt đầu có những lời kêu gọi Nội các nước này xem xét lại cách thức ứng phó đối với tình hình Trung Đông, bắt đầu bằng việc hoãn kế hoạch cử lực lượng phòng vệ tới đây.

Ngoài ra, cũng có những lo ngại rằng chính phủ của ông Abe đã chưa đưa ra những giải thích đầy đủ việc nước này buộc phải cử lực lượng phòng vệ trong bối cảnh tình hình không ổn định như vậy./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục