Sáng 16/11, Quốc hội tiếp tục tiến hành phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn, nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã tiếp tục trả lời chất vấn các nhóm vấn đề như môi trường; xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; công tác đánh giá tác động môi trường; các biện pháp giám sát, kiểm soát việc xả thải và khắc phục lỗi về môi trường của công ty Fomorsa Hà Tĩnh; vấn đề an toàn biển miền Trung; quản lý đất đai; khai thác khoáng sản; tài nguyên nước và ứng phó biến đổi khí hậu...
Cần phối hợp trong bảo vệ môi trường
Trả lời nhóm vấn đề về môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết hệ thống quản lý nhà nước về môi trường hiện nay tương đối đồng bộ. Ở Trung ương có Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường và bảy Bộ, ngành có cơ quan môi trường là Cục, Vụ. Ở địa phương có Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các cấp trong hệ thống chưa thực sự đồng bộ; sự phân công trách nhiệm giữa các cấp, ngành và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân chưa được quy định rõ ràng.
Để giám sát tốt việc bảo vệ môi trường ở các dự án, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đồng ý với ý kiến của đại biểu rằng cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan cấp phép đầu tư và các cơ quan nhà nước liên quan, trong đó có cơ quan quản lý nhà nước về môi trường; phải quy định trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan quản lý nhà nước và cá nhân người thực thi công vụ.
Theo Bộ trưởng, chỉ trong trường hợp đó mới có khả năng giám sát hiệu quả dự án, nếu xảy ra sự cố môi trường sẽ dễ dàng xác định được trách nhiệm của cá nhân. Tuy nhiên cần nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ, công chức nhà nước về bảo vệ môi trường hiện còn nhiều hạn chế; đặc biệt ở cấp huyện, xã có một bộ phận công chức chưa đạt tiêu chuẩn đạo đức công vụ, còn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp và người dân...
Đề xuất giải pháp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng cần rà soát lại chức năng, nhiệm vụ và trình Chính phủ trên cơ sở xây dựng lại chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng thời cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương, để đảm bảo một người được giao một việc, không bỏ trống, không chồng chéo.
Bộ trưởng cũng đề xuất cần thể chế hóa về chế độ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đặc biệt kể cả Hội đồng tư vấn trong đánh giá tác động môi trường hoặc đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ trung ương đến địa phương.
Cần hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Trả lời vấn đề quản lý đất đai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết tại các nông-lâm trường, Thủ tướng đã ban hành chỉ thị giao trách nhiệm Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có nông-lâm trường triển khai nhiệm vụ, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp phê duyệt phương án tổng thể đối mới các công ty nông- lâm nghiệp.
Đến nay, 27/39 tỉnh, thành phố đã phê duyệt phương án sắp xếp lại; 141.983km ranh giới (chiếm 88%) đã cắm được 33.195 mốc giới (chiếm 45%); đã đo đạc, lập bản đồ địa chính được 632 nghìn ha; cấp hơn 11.500 giấy chứng nhận, chuyển sang cho thuê theo quy định trên 1,1 triệu ha.
10 tỉnh đã hoàn thành cơ bản nhiệm vụ xác định ranh giới sử dụng đất, qua rà soát sắp xếp sẽ bàn giao lại giao lại cho các địa phương gần 500.000ha để quản lý, sử dụng hiệu quả và giải quyết tình hình ruộng đất của đồng bào dân tộc thiểu số.
Đối với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, Bộ trưởng cho biết thực hiện Nghị quyết 30/2012/QH13 của Quốc hội, công tác này đã thực hiện rất quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng địa phương vào cuộc, đến nay, trong cả nước đã cấp trên 95% giấy chứng nhận. Tuy nhiên, dù chỉ còn 5% diện tích cần cấp giấy chứng nhận nhưng đây là vấn đề khó, phức tạp, thường nảy sinh khiếu kiện.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, số diện tích này do cơ chế chính sách nhiều lần thay đổi, nghĩa vụ tài chính áp dụng cho việc cấp giấy còn bất cập, chưa phù hợp với từng đối tượng mà luật pháp chưa cập nhật kịp thời. Trong số 5% này còn có một số đối tượng sinh sống, sử dụng đất trước ngày 15/12/1980 nhưng không có các loại giấy tờ hợp lệ theo quy định. Nhiều trường hợp là người có công như bộ đội, giáo viên nhưng giấy tờ chưa hợp lệ do các quy định chưa tính hết. Có trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai như lấn chiếm trái phép, mua bán trao tay. Nhiều chủ đầu tư hoàn thành xây dựng, bàn giao nhà xong đã chậm trễ trong việc nộp hồ sơ làm thủ tục cấp giấy chứng nhận. Có những hộ đã thực hiện thế chấp giấy tờ nên không đủ để thực hiện cấp.
Theo Bộ trưởng, để hoàn thành cấp 5% giấy chứng nhận này là rất quan trọng, trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường và chính quyền các cấp phải tập trung hoàn thành đảm bảo quyền lợi hợp pháp, lợi ích của người có đất, nhà, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai, giảm bớt khiếu nại tố cáo, thúc đẩy thị trường bất động sản. Cùng với đó, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, nhất là các đô thị, khu vực phức tạp có nhiều khiếu kiện.
Việc xử lý phải căn cứ theo từng nhóm đối tượng theo quy định của pháp luật tại từng thời điểm, đảm bảo công bằng đối với các đối tượng trong mọi thời kỳ và theo cơ chế chính sách. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt hành chính việc chấp hành pháp luật liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận việc sử dụng đất, xử lý thật nghiêm cán bộ có hành vi nhũng nhiễu.
Vùng biển miền Trung an toàn
Trả lời vấn đề biển miền Trung đã an toàn chưa, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: Vùng biển miền Trung đã an toàn trên cơ sở phân tích từ trầm tích đáy, nước đáy, nước giữa và nước mặt trên toàn bộ khu biển. Toàn bộ các hoạt động du lịch, thể thao và các hoạt động nuôi trồng thủy sản hoàn toàn có thể tiến hành bình thường. Tất nhiên, cần phải theo quy chuẩn hướng dẫn cần thiết để có thể kiểm soát được dịch bệnh cũng như các vấn đề về môi trường.
Đối với vấn đề hải sản, Bộ trưởng cho biết, hiện nay Bộ Y tế đang tiến hành rất nhiều phân tích toàn diện; đồng thời phối hợp với nhiều phòng phân tích của thế giới để phân tích và đến nay tin tưởng rằng Bộ Y tế công bố toàn bộ hải sản là an toàn.
Trả lời thẳng thắn, làm rõ các vấn đề của đại biểu
Phát biểu kết luận phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy đây là nội dung được Quốc hội và cử tri rất quan tâm; có tác động thiết thực đến đời sống của nhân dân và phát triển bền vững của đất nước.
Nội dung chất vấn của các đại biểu Quốc hội đã tập trung vào các vấn đề thực trạng ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường ở nông thôn, các khu-cụm công nghiệp, làng nghề; ô nhiễm do sản xuất than, chất thải, đặc biệt là chất thải rắn; việc xả thải gây ô nhiễm môi trường ở các dòng sông, trong đó có sông Nhuệ, sông Đáy, sông Hậu; việc xử lý, khắc phục sự cố môi trường biển liên quan đến dự án Fomorsa và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra sự cố này; việc quản lý đất đai, quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt việc khai thác cát, sỏi ở các dòng sông.
Các đại biểu Quốc hội cũng đã tập trung chất vấn về vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường của các dự án thủy điện đã và đang hoạt động cũng như các dự án sẽ triển khai theo sơ đồ quy hoạch; việc triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, hạn hán; trách nhiệm của tổ chức và cá nhân trong triển khai thực hiện hoạt động đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư; công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về môi trường.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh các vị đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi rất thẳng thắn, bám sát thực tiễn và bám sát các nhóm vấn đề. Tuy nhiên, một số câu hỏi hơi dài, vẫn còn giải thích trước khi hỏi. Bộ trưởng Trần Hồng Hà tuy mới nhận nhiệm vụ và đây là lần đầu tiên trả lời chất vấn nhưng đã nắm rõ tình hình, đặc biệt là những thực trạng ô nhiễm môi trường mà nhân dân cả nước rất quan tâm; những vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực ngành Tài nguyên và Môi trường quản lý.
Bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn, làm rõ các vấn đề được đại biểu nêu và hướng khắc phục của ngành trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc trả lời của Bộ trưởng có một số nội dung còn dài và một số nội dung chưa rõ trách nhiệm của ai, ngành và địa phương nào, ngoài việc nhận trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong sự cố Fomorsa.
Cần những giải pháp tích cực, hiệu quả khắc phục vấn đề môi trường
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, có những giải pháp tích cực, hiệu quả, kịp thời hơn để khắc phục những vấn đề mà ngành Tài nguyên và Môi trường đang phải đối mặt. Đồng thời, Bộ trưởng tham mưu cho Chính phủ làm rõ một số vấn đề như rà soát đánh giá tổng thể thực trạng ô nhiễm môi trường, có giải pháp cụ thể khả thi, hiệu quả để kiểm soát chặt chẽ tình trạng ô nhiễm môi trường tại nông thôn, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề và việc ô nhiễm các lưu vực sông; xác định rõ trách nhiệm và kiêm quyết xử lý các cơ sở, dự án đã gây ra ô nhiễm; kiểm soát ô nhiễm môi trường do sản xuất, khai thác than; có giải pháp xử lý hiệu quả những chất rác thải của các nhà máy nhiệt điện, than; đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác, đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải rắn, đảm bảo an toàn môi trường.
Đối với dự án Fosmosa, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường có giải pháp giám sát các tác nhân gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo thực hiện đầy đủ các cam kết của dự án trước khi đi vào sản xuất; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong việc giải quyết hậu quả ô nhiễm môi trường do dự án này gây ra.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để tạo niềm tin lâu dài và ổn định cuộc sống của nhân dân trong vùng bị thiệt hại. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần rà soát, đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đã, đang và sẽ đầu tư; xác định trách nhiệm trong việc đánh giá tác động môi trường đã gây ra ô nhiễm sau khi đi vào hoạt động và giải pháp kiểm soát chặt chẽ, nâng cao chất lượng việc đánh giá tác động môi trường.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là việc khai thai cát, sỏi trong các dòng sông; tiếp tục rà soát, đánh giá và triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, chống xâm nhập mặn, hạn hán. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tăng cường công tác quản lý nhà nước và làm rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong việc đánh giá, cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm, tập trung, tăng cường quản lý nhà nước, có những giải pháp hiệu quả. Bộ cần phối hợp tốt với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan trong việc giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực ngành phụ trách nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, yến kém và xử lý, ngăn chặn những sai phạm hoặc tái phạm có thể xảy ra và báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau.
Cũng trong phiên họp sáng nay, Quốc hội bắt đầu tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo./.