Cách đây 1 năm, Gawker đã ngừng hoạt động. Trang web huyền thoại của Nick Denton giờ đã biến mất vào hư vô sau vụ kiện mà tỷ phú Peter Thiel là nguyên cáo, người đã, một cách bí mật, tài trợ thành công cho vụ kiện do đô vật chuyên nghiệp kiêm ngôi sao truyền hình thực tế Hulk Hogan đệ trình lên tòa án.
Sự tồn tại của Gawker đã chấm dứt khi ban hội thẩm của tòa án Florida cho rằng việc trang web này đăng một đoạn video ngắn quay cảnh Hogan đang quan hệ tình dục với vợ của một người bạn là quá đáng, đến mức họ đã trao cho Terry Bollea (tên thật của Hogan) nhiều hơn 40 triệu USD so với số tiền đền bù thiệt hại mà Hogan yêu cầu - đưa con số tổng cộng lên hơn 140 triệu USD.
Theo tờ Washington Post, giờ đây khi Gawker đã bị chôn vùi, chúng ta có thể xem xét những gì ta đã mất khi đầu mối "buôn chuyện" tinh nghịch và vô trách nhiệm này ngừng hoạt động.
Gawker không đơn giản chỉ là một đầu ra thông tin trên mạng có ảnh hưởng lớn; sự nhạy cảm độc lập đầy tự hào và sự tự chủ mang tính cốt lõi của nó vẫn là hiếm thấy trong giới các công ty truyền thông ngày nay.
Nhưng nếu chỉ coi Gawker là một con cá tuế bé nhỏ trong vùng biển đầy cá voi thì chính là đã bỏ qua giá trị thực sự của nó. Gawker có thể là điên rồ, thiếu thận trọng và cuối cùng là tự hủy hoại chính mình, nhưng trên tất cả, nó còn cho thấy sự dũng cảm nữa. Với "điềm báo" là sự nổi lên của Donald Trump và con đường của ông vào Nhà Trắng, tất cả chúng ta đều nên nhận ra rằng lòng can đảm trong giới truyền thông đang là cần thiết hơn bao giờ hết.
[Trang tin điện tử nổi tiếng Gawker sẽ đóng cửa vào cuối tuần sau]
Gawker chủ yếu được coi là một thứ "niềm vui tội lỗi," một sự bộc lộ ham muốn không lành mạnh của những người lướt Web buồn chán và con cháu thuộc thế hệ thiên niên kỷ của họ.
Tuy vậy, những tác động của nó đối với giới truyền thông Mỹ vẫn là không thể phủ nhận. Nó đã khởi đầu sự nghiệp cho một nhóm các nhà báo trẻ xuất sắc, và nó minh chứng cho một sự độc lập hiếm thấy trước áp lực từ các công ty, quản lý của những người nổi tiếng và các yếu tố chính trị.
Hình thức đầy phong cách của nó - trao đổi trực tiếp với độc giả của nó giống như những người bạn đang trò chuyện - đưa ra một bài học mang tính chỉ dẫn cho mọi đầu ra thông tin đang tìm kiếm lòng trung thành từ độc giả.
Gawker không hề xem thường những người bình phẩm nó: Nó chọc ghẹo họ, lập luận với họ, và khiến họ luôn hứng thú và luôn quay trở lại. Denton và đội ngũ các biên tập viên trẻ, hưởng lương thấp đã hiểu rõ thực tế về báo chí mạng.
Nhưng chỉ đặt Gawker trong bối cảnh thời đại Web sẽ là bỏ qua ý nghĩa lịch sử của nó. Giống như PM (tờ báo thử nghiệm của New York trong những năm 1940) hoặc Berkeley Barb và các đầu ra thông tin in ấn thay thế khác trong những năm 1960, Gawker khởi đầu như một cuộc thập tự chinh để cứu lấy ngành báo chí.
Giống như những người tiền nhiệm mang tính thay thế của nó, Gawker thách thức các tờ báo in chính thống cũng như những thông lệ khách quan đối với nội dung tin tức tiêu chuẩn, bằng những bài viết có thể bộc lộ ý kiến chủ quan, gây xúc động mạnh và đôi khi là kỳ quặc.
Độc giả sẽ bị thu hút bởi những sự thể hiện đầy tính tự mãn, những nội dung báo chí mang tính tham gia, và phong cách tiếp cận vấn đề có thể dao động từ hư vô chủ nghĩa đến phấn khích. Cái tên Gawker (tạm dịch: kẻ trố mắt nhìn) được đặt cho nó không phải là không có lý do.
Nhưng nếu bạn kiên trì ở lại, bạn có thể biết được điều gì đó. Chẳng hạn, chính Gawker đã gửi kiến nghị theo luật tự do thông tin (FOIA) đầu tiên nhằm vào những bức thư điện tử trao đổi giữa trợ lý Philippe Reines với bà Hillary Clinton. Hành động này cuối cùng đã dẫn tới phát hiện về việc sử dụng thư điện tử sai nguyên tắc của bà Clinton (điều mà sau này bà đã rất hối hận).
Sự bùng nổ của vụ bê bối thư điện tử của bà Clinton trong cuộc bầu cử năm 2016 không phải do lỗi của Gawker; họ đã gửi kiến nghị đầu tiên này từ năm 2012. Toàn bộ những sự hỗn độn sau đó vốn dĩ đã có thể tránh được nếu kiến nghị này được giải quyết ngay lập tức.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ, rồi sau đó là đội ngũ thuộc chiến dịch của bà Clinton đã phủ nhận, tỏ ra lúng túng rồi trì hoãn trả lời trong suốt nhiều năm. "Trợ lý của Clinton, người đã trốn tránh FOIA, khăng khăng nói rằng không muốn trốn tránh FOIA, khi chính ông ta đã viết rằng 'Tôi muốn trốn tránh FOIA'," đó là một dòng tít châm biếm điển hình của Gawker trong mớ hỗn độn kéo dài này.
Tuy nhiên, với tất cả sự cay độc trong giọng điệu của mình, có một chính trị gia đặc biệt mà Gawker đã châm chọc không thương tiếc: Donald Trump. Trước khi Trump đắc cử tổng thống, Gawker đã không ngừng tấn công người đàn ông hiện đang sống tại Nhà Trắng về mọi thứ từ các quan điểm chính trị đến sự thiếu cố kết trong lời nói cho tới kiểu tóc độc nhất vô nhị của ông.
Từ hồi năm 2011, Gawker đã lên tiếng chỉ trích Trump vì sự phân biệt chủng tộc, sự trốn tránh nghĩa vụ, và việc giới truyền thông chủ lưu không nghiêm túc nhìn nhận sự "độc hại" của Trump.
Năm 2013, khi Deadspin, trang web về thể thao của Gawker, tiết lộ rằng đội Notre Dame đang tuyên truyền một câu chuyện tình lãng mạn và đầy bi kịch nhưng không được kiểm chứng (và nhiều khả năng là không đúng sự thật) cho Manti T’eo, ứng cử viên cho chiếc cúp Heisman của đội này, tổng thống Mỹ tương lai đã hoan nghênh việc vạch trần tin tức giả này. "Ông hãy cút đi" là lời đáp trên trang Twitter chính thức của Deadspin.
Thật khó tưởng tượng ra một Walter Winchell, Cindy Adams, Matt Drudge, hay bất kỳ nhà cung cấp tin đồn truyền thống nào thể hiện được sự độc lập táo bạo như vậy. Mặc dù Deadspin vẫn còn tồn tại, giọng nói chân thực mà Gawker mang đến cho văn hoá và chính trị đã mất đi, để lại nhiều nuối tiếc và đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Gawker có thể vừa bỗ bã vừa lịch thiệp, vừa tinh tế vừa ù lì, vừa minh bạch vừa xúc phạm. Đó là một thủ thuật rất khó.
Việc phát triển thành công một sự nhạy bén vừa hấp dẫn vừa gây khó chịu có thể là di sản cuối cùng của Gawker. Đó là một nỗ lực dũng cảm nhưng liều lĩnh nhằm dồn ép một thứ tự do báo chí mới bước vào một thế giới chưa được chuẩn bị trước.
Bất chấp những lời châm chọc trẻ con của mình, Gawker đã được vận hành bởi những người hiểu rõ rằng các bộ máy chính quyền - trong giới truyền thông, chính trị và văn hóa - hiếm khi giữ được mục tiêu là những lợi ích tốt nhất của công chúng. Dù Gawker đã biến mất, thực tế vẫn còn đó, rằng giới uy quyền vẫn không để tâm đến những lợi ích tốt nhất của công chúng.
Nhưng sự can đảm cần có để chỉ ra điều này - một cách hài hước, châm biếm và đả kích - đang ngày càng trở nên hiếm hoi. Chẳng hạn, một câu chuyện gần đây về lối sống được cho là suy đồi của rapper R. Kelly từng xuất hiện trên BuzzFeed suýt chút nữa đã không được đăng, do nỗi lo sợ về một phản ứng theo kiểu Thiel của các đơn vị đầu ra thông tin. Không thể biết được đã có bao nhiêu câu chuyện giống như vậy chưa bao giờ được đưa ra ánh sáng cũng vì lý do này.
Giờ đây chỉ có thể nói rằng Gawker đã biến mất và Donald Trump đã là tổng thống. Thực tế đơn giản đó sẽ an ủi những người giàu có và quyền uy ở khắp nơi, và khiến những người còn lại trong chúng ta lạnh gáy./.