10 luật chính thức có hiệu lực thi hành từ đầu tháng Bảy

10 luật chính thức có hiệu lực thi hành từ đầu tháng Bảy năm 2015

Các luật sẽ có hiệu lực thi hành gồm Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; Luật Công an Nhân dân; Luật Giáo dục nghề nghiệp...
10 luật chính thức có hiệu lực thi hành từ đầu tháng Bảy năm 2015 ảnh 1Khu đô thị Nam Trung Yên, Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Từ 1/7, 10 luật sẽ có hiệu lực thi hành gồm Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; Luật Công an Nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Giáo dục nghề nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam.


Thêm nhiều quy định mới về chính sách, cơ chế phát triển nhà ở

Luật Nhà ở 2014 có 13 chương, 183 điều, tăng 4 chương, 30 điều so với Luật Nhà ở năm 2005. Bên cạnh việc kế thừa các quy định hiện hành, Luật bổ sung thêm nhiều quy định mới về chính sách, cơ chế cho phát triển nhà ở.

Phát triển nhà ở xã hội là chương mới quan trọng của Luật nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực nhà ở. Luật quy định cụ thể 10 nhóm đối tượng có khó khăn về nhà ở được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở như người có công với cách mạng, công nhân lao động, người có thu nhập thấp tại đô thị...

Đặc biệt, Luật bổ sung quy định để khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội cho công nhân các khu công nghiệp thuê...

Luật quy định theo hướng thu hẹp đối tượng được nhà công vụ; quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của người thuê nhà ở công vụ, trường hợp khi hết tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ thì phải trả lại nhà công vụ, nếu không trả lại sẽ bị cưỡng chế thu hồi.


Giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh

Với 6 chương, 82 điều, Luật Kinh doanh bất động sản quy định đối với việc đầu tư xây dựng các dự án bất động sản để kinh doanh, ngoài việc phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng còn phải theo kế hoạch thực hiện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Luật mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; đồng thời để bảo vệ quyền lợi của khách hàng khi mua, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai, nhất là đối với bất động sản là nhà ở, Luật quy định chủ đầu tư dự án chỉ được thu tiền của khách hàng lần đầu không quá 30% giá trị hợp đồng, những lần tiếp theo phải phù hợp với tiến độ xây dựng bất động sản nhưng tổng số không quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng (trường hợp bên bán, bên cho thuê mua là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì tổng số không quá 50% giá trị hợp đồng).

Khi bên mua, bên thuê mua chưa được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, Quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì không được thu quá 95% giá trị hợp đồng...

Tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thi hành án dân sự

Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung 55/183 điều của Luật hiện hành, trong đó bổ sung mới 3 điều; sửa đổi, bổ sung 44 điều; bãi bỏ 6 điều và bãi bỏ một phần của 2 điều.

Luật bổ sung các quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án và người có quyền, nghĩa vụ liên quan theo hướng tăng cường sự chủ động, nâng cao trách nhiệm của các bên trong quá trình tổ chức thi hành án.

Mặt khác, để phù hợp với thực tiễn, Luật sửa đổi theo hướng chuyển việc xác minh điều kiện thi hành án từ nghĩa vụ của người được thi hành án thành trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự nhằm giảm bớt khó khăn cho người được thi hành án, đồng thời quy định người được thi hành án không phải chịu chi phí xác minh.

Bổ sung quy định thủ tục phong, thăng cấp bậc hàm đối với công an nhân dân

Luật Công an nhân dân năm 2014 gồm 7 chương, 45 điều, so với Luật Công an nhân dân năm 2005 không thay đổi về số chương, tăng hai điều về thủ tục phong, thăng cấp bậc hàm và quy định về điều khoản chuyển tiếp.

Luật quy định chặt chẽ, cụ thể các vị trí, chức vụ của sỹ quan công an nhân dân có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng (kể cả chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương). Các vị trí, chức vụ cấp phó có trần cấp bậc hàm thiếu tướng được quy định rõ số lượng. Luật cũng quy định cụ thể các chức vụ có trần cấp bậc hàm từ Đại tá trở xuống.

Để có cơ sở nghiên cứu, tách lương ra khỏi cấp bậc hàm để việc phong, thăng cấp bậc hàm đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ huy như chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, Luật quy định tiền lương sỹ quan, hạ sỹ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp được tính theo chức vụ, chức danh đảm nhiệm và cấp bậc hàm, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của công an nhân dân; sỹ quan được hưởng trợ cấp, phụ cấp như đối với cán bộ, công chức có cùng điều kiện làm việc và trợ cấp, phụ cấp đặc thù công an; đồng thời, Luật bổ sung quy định sỹ quan nghiệp vụ và chuyên môn kỹ thuật được hưởng phụ cấp nhà ở, được bảo đảm nhà ở công vụ; sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ công an nhân dân được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật...

Đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ huy quân đội

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi năm điều của Luật hiện hành, bổ sung một điều.

So với Luật hiện hành, Luật sửa đổi, bổ sung có điều chỉnh quy định cấp bậc quân hàm cao nhất là cấp tướng đối với một số chức vụ của sỹ quan, đồng thời quy định cụ thể số lượng cấp phó có quân hàm là cấp tướng. Cấp bậc quân hàm được quy định để phù hợp với điều kiện thực tế trong thời bình, thời gian giữ chức vụ dài hơn thời chiến, tiết kiệm được nguồn nhân lực và ngân sách đào tạo, thuận lợi trong bố trí, sử dụng sỹ quan.

Luật quy định bảng lương của sỹ quan được tính theo chức vụ, chức danh đảm nhiệm và cấp bậc quân hàm phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội là ngành lao động đặc biệt. Sỹ quan được hưởng phụ cấp nhà ở, được hưởng chính sách về nhà ở xã hội, được bảo đảm nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật.

Đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp

Luật Giáo dục nghề nghiệp gồm 8 chương, 79 điều, mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh đến trung cấp chuyên nghệp và cao đẳng. Trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp bao gồm: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp và trường cao đẳng. Trường cao đẳng được tách ra khỏi giáo dục đại học, trở thành một cơ sở của giáo dục nghề nghiệp.

Chính phủ thống nhất quản lý giáo dục nghề nghiệp và sẽ quy định cụ thể về cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở Trung ương. Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.


Quy định rõ quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp được bố cục thành 10 chương gồm 66 điều. Luật quy định việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và giám sát việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đối tượng áp dụng của Luật gồm bốn nhóm là đại diện chủ sở hữu nhà nước; doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà Luật không cấm

Luật Doanh nghiệp có 10 chương, 172 điều. Thay đổi có tính đột phá của Luật Doanh nghiệp là thể chế hóa một cách đầy đủ quyền kinh doanh của doanh nghiệp theo Hiến pháp: doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà Luật không cấm.

Luật có nhiều cải cách quan trọng trong việc giảm chi phí và thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho quá trình gia nhập thị trường.

Những nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng nhất của Luật gồm thể chế hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp năm 2013; giảm rủi ro, tăng tính chủ động, nhanh nhạy trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Luật giúp thuận lợi hóa quá trình gia nhập thị trường; giảm bớt thời gian và chi phí trong thủ tục thành lập doanh nghiệp; giảm chi phí, tạo cơ chế vận hành linh hoạt, hiệu quả cho tổ chức quản trị doanh nghiệp, cơ cấu lại doanh nghiệp, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên công ty; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp; tạo thuận lợi cho các bên có liên quan tham gia vào giám sát hoạt động của doanh nghiệp.

Bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư trong nước

Luật Đầu tư có 7 chương, 76 điều, quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài. Luật bảo đảm thực hiện nguyên tắc Hiến định về quyền tự do đầu tư kinh doanh của công dân trong các ngành nghề mà Luật không cấm.

Một trong những điểm mới quan trọng được sửa đổi, bổ sung trong Luật Đầu tư là bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với tất cả các dự án đầu tư trong nước; đơn giản hóa hồ sơ, trình tự, thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà thầu nước ngoài (từ 45 ngày theo luật Đầu tư 2005 xuống còn 15 ngày).

Cùng với việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, Luật đã bổ sung, hoàn thiện một số quy định nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả dự án đầu tư.

Khắc phục tình trạng chậm, hủy chuyến trong vận chuyển hàng không dân dụng

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định Nhà nước định giá đối với các dịch vụ hàng không và một số dịch vụ, một số dịch vụ phi hàng không thiết yếu. Giá các dịch vụ, hàng hóa thông thường khác vẫn được điều tiết theo cơ chế thị trường do doanh nghiệp quyết định nhưng phải thực hiện niêm yết công khai. Vai trò quản lý của Nhà nước được thể hiện qua công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện của doanh nghiệp.

Luật bổ sung quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hành không, nghĩa vụ duy trì các điều kiện và chất lượng tối thiểu dịch vụ vận chuyển; bổ sung trách nhiệm của người vận chuyển trong trường hợp chuyến bay bị chậm kéo dài mà không được thông báo trước; giao Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định về thời gian chuyến bay bị chậm kéo dài và chất lượng dịch vụ tối thiểu cho hành khách tại cảng hàng không, sân bay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục