100% các xã sẽ được kết nối Internet băng rộng vào năm 2020

Tới năm 2020, tỷ lệ người dân sử dụng Internet từ 55-60%, 100% các xã có điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng được kết nối Internet băng rộng.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, Bí thư Đảng ủy Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011-2015. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Tới năm 2020, tỷ lệ người dân sử dụng Internet từ 55-60%, 100% các xã có điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng được kết nối Internet băng rộng.

Đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng được đưa ra trong Báo cáo của Ban chấp hành Đảng bộ Bộ Thông tin và Truyền thông trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ nhiệm kỷ 2015-2020 được tổ chức sáng 20/8, tại Hà Nội.

Theo đó, đến năm 2020, tỷ lệ đường dây thuê bao cố định đạt 20-25 đường/100 dân, tỷ lệ thuê bao Internet băng rộng cố định 15-20 thuê bao/100 dân; tỷ lệ thuê bao băng rộng di động 35 - 40 thuê bao/100 dân; phủ sóng thông tin di động đến trên 95% dân số cả nước, các tuyến đường giao thông, quốc lộ, tỉnh lộ, các điểm trọng yếu kinh tế, quốc phòng, an ninh; tốc độ tăng trưởng viễn thông đạt khoảng 1,2 - 1,5 lần tốc độ tăng trưởng của GDP. Tổng doanh thu viễn thông đạt từ 15 - 17 tỷ USD, chiếm khoảng 6 - 7% GDP.

Ngoài ra, ngành thông tin và truyền thông cũng phấn đấu đưa công nghiệp công nghệ thông tin thành ngành kinh tế - kỹ thuật chủ lực, có vai trò dẫn dắt, tạo nền tảng cho quá trình chuyển sang kinh tế tri thức. Phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 nước dẫn đầu trong bảng xếp hạng của Liên hiệp quốc về mức độ sẵn sàng Chính phủ điện tử; các dịch vụ công cơ bản được cung cấp trên mạng cho người dân và doanh nghiệp ở mức độ 4 (thanh toán phí dịch vụ, nhận kết quả dịch vụ qua mạng).

Trong lĩnh vực báo chí, sẽ sắp xếp lại các cơ quan báo chí theo mô hình một cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm. Giảm tỷ lệ mất cân đối trong thụ hưởng các sản phẩm báo chí in giữa khu vực thành phố, thị xã và vùng nông thôn, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đến năm 2020, các cơ quan báo chí tự chủ về tài chính và báo điện tử trở thành loại hình báo chí chủ lực của các cơ quan truyền thông đa phương tiện.

Ngoài ra, ngành sẽ tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng về số lượng xuất bản phẩm, trong đó có 20-30% là xuất bản phẩm điện tử, phấn đấu đến năm 2020 đạt khoảng 450 triệu bản; 50 - 60% số cơ sở in sử dụng công nghệ, thiết bị in hiện đại…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục