Ngày 24/10, nền tảng học trực tuyến MasterTeck được Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII, một thành viên của Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đã chính thức ra mắt, hướng tới phổ cập Blockchain và AI cho 1 triệu người dân Việt Nam thông qua việc phát triển các khóa học trực tuyến mở (MOOC).
Được định vị là nền tảng học trực tuyến Blockchain và AI hàng đầu Việt Nam, MasterTeck cung cấp hơn 300 khóa học từ cơ bản đến chuyên sâu, giúp cung cấp kiến thức, kỹ năng làm việc thực tế cho học viên, đồng thời trao cơ hội kết nối vào mạng lưới và cơ hội nghề nghiệp trong hàng trăm cộng đồng uy tín toàn cầu.
Việt Nam là quốc gia thuộc nhóm dẫn đầu khu vực về blockchain vào năm 2030
Việc ứng dụng và phát triển công nghệ blockchain góp phần quan trọng xây dựng hạ tầng số tiên tiến, bảo đảm độ tin cậy an toàn dữ liệu, góp phần tạo lập nền tảng phát triển công nghiệp công nghệ số.
Đặc biệt, sau giai đoạn đầu sử dụng các nguồn học liệu từ các đối tác uy tín toàn cầu như AISG, TU Delft, PCBC, UNIC, MIT, ISTE, PlanB (Tether),... tiến tới, MasterTeck sẽ tập trung vào việc tạo ra những bài giảng chất lượng do chính các chuyên gia Việt Nam phát triển, phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam để tự chủ trong việc xây dựng hệ thống giáo dục về Blockchain và AI, phù hợp với nhu cầu trong nước và giảm thiểu rủi ro từ các thông tin không chính xác.
“Việc MasterTeck ra đời ngay tại thời điểm này không chỉ góp phần giải quyết bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao về Blockchain và AI mà còn giúp “nội địa hóa” hệ thống kiến thức, bài giảng, thực hiện mục tiêu tạo ra những thương hiệu “Make in Việt Nam” trong ngành Blockchain và AI. Đây là hai trong số nhiều mục tiêu cụ thể được Chính phủ đề ra trong Chiến lược quốc gia về Blockchain mà VBA và ABAII đang tiên phong triển khai," ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Viện trưởng Viện ABAII nhấn mạnh.
Theo đánh giá của Hội đồng Khoa học Viện ABAII gồm 15 Giáo sư, Tiến sĩ đầu ngành, các khóa học của MasterTeck được thiết kế theo sát nhu cầu thực tế của thị trường, mang tính ứng dụng cao vào thực tiễn học tập và làm việc, tập trung vào 24 ngành nghề hấp dẫn, có cơ hội thu nhập cao và đang được quan tâm nhất hiện nay như Phân tích tài chính, Đầu tư Tài chính, Marketing – Truyền thông, Tài sản thực được token hóa (RWA), Fintech, Tài chính phi tập trung (Defi),…
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hoàng Văn Huây - nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch VBA, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện ABAII, nhận định MasterTeck được thiết kế khoa học với hệ thống bài giảng đa dạng và có tính tương tác cao, phù hợp với không chỉ giới trẻ mà cả những đối tượng khác để giúp họ có thể sẵn sàng đón nhận làn sóng việc làm công nghệ cao hiện nay.
Ở góc độ người trực tiếp xây dựng ý tưởng, phát triển sản phẩm, bà Nguyễn Vân Hiền - Tổng Thư ký VBA, Phó Viện trưởng Viện ABAII cho biết: “Bên cạnh các khóa học dành cho cá nhân và giải pháp dành cho doanh nghiệp, MasterTeck mong muốn trở thành cầu nối giữa các chuyên gia và các trường Đại học, trường phổ thông, góp phần đưa Blockchain và AI vào hệ thống giáo dục từ sớm để tăng cơ hội tiếp cận và định hướng nghề nghiệp tương lai một cách đúng đắn, tích cực và lành mạnh cho thế hệ trẻ."
Phát triển nguồn nhân lực và phát triển thương hiệu “Make in Việt Nam” cho lĩnh vực Blockchain là 2 nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong Chiến lược quốc gia về Blockchain của Chính phủ mà nền tảng học trực tuyến MasterTeck đang tiên phong triển khai
Trước đó, ngày 22/10/2024, Chính phủ ban hành quyết định số 1236/QĐ-TTg, công bố Chiến lược Quốc gia về Ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (Blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đáng chú ý, bên cạnh các bộ, ngành, Hiệp hội Blockchain Việt Nam cùng các hội, hiệp hội nghề nghiệp được giao chủ trì phát triển các nền tảng Blockchain Make in Việt Nam; Xây dựng các cơ chế vận hành, khai thác và tương tác, liên thông giữa các loại hình mạng Blockchain hoạt động trên Hạ tầng Blockchain Việt Nam; Tập hợp các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam xây dựng các nền tảng Blockchain, thúc đẩy chia sẻ thông tin, nâng cao nội lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài./.