185.700 liều vaccine 5 trong 1 do WHO và UNICEF hỗ trợ đã về VN

Đây là số vaccine được hỗ trợ khẩn cấp cho Bộ Y tế nhằm khắc phục tình trạng giảm tỷ lệ tiêm chủng và thiếu vaccine 5 trong 1, với mục tiêu khẩn cấp bảo vệ trẻ em khỏi các bệnh nguy hiểm.
Số vaccine được WHO và UNICEF hỗ trợ khẩn cấp cho Bộ Y tế nhằm khắc phục tình trạng giảm tỷ lệ tiêm chủng và thiếu vaccine 5 trong 1. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 27/7, WHO và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) thông tin 185.700 liều vaccine DTP-VGB-Hib (vaccine 5 trong 1) đã về đến Việt Nam.

Đây là số vaccine được hỗ trợ khẩn cấp cho Bộ Y tế nhằm khắc phục tình trạng giảm tỷ lệ tiêm chủng và thiếu vaccine 5 trong 1, với mục tiêu khẩn cấp bảo vệ trẻ em khỏi các bệnh nguy hiểm đến tính mạng.

Vaccine 5 trong 1 sẽ giúp bảo vệ trẻ em phòng các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và Haemophilus Influenzae loại B (Hib).

[Bộ trưởng Bộ Y tế: Đã có giải pháp đảm bảo nguồn cung các loại vaccine]

Loại vaccine DTP-VGB-Hib giúp bảo vệ cùng lúc 5 loại bệnh trong một mũi tiêm thuận lợi và an toàn này phải được mua ở nước ngoài từ các nhà cung ứng được phê chuẩn.

Theo UNICEF, giống như mọi quốc gia khác trên thế giới, các dịch vụ tiêm chủng thường xuyên tại Việt Nam đã bị gián đoạn trong đại dịch COVID-19, dẫn đến khoảng 114.000 trẻ em dưới 1 tuổi không được tiêm mũi vaccine bạch hầu, uốn ván, và ho gà nào trong năm 2022 - đây là loại vaccine được sử dụng làm chỉ số đánh giá tỷ lệ bao phủ tiêm chủng toàn cầu.

Ngoài ra, do tình trạng thiếu vaccine 5 trong 1 gần đây, ước tính khoảng 300.000 trẻ em Việt Nam được sinh ra vào đầu năm 2023 vẫn chưa được tiêm chủng loại vaccine thiết yếu này. Trẻ em không được tiêm chủng có nguy cơ cao hơn bị tử vong và mắc các bệnh có thể dễ dàng phòng ngừa được bằng vaccine như bạch hầu.

Bộ Y tế tiếp nhận vaccine DPT-VGB-Hib (vaccine 5 trong 1) ủng hộ chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ em. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhiều trẻ em chưa được tiêm chủng có thể dẫn đến bùng phát các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine. Đây là các nguy cơ đe dọa những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ tử vong trẻ em trong vài thập kỷ qua.

Thời gian qua, Chính phủ và Bộ Y tế đã nỗ lực nhanh chóng và hành động khẩn trương để khắc phục các vấn đề liên quan đến việc mua vaccine ở Việt Nam nhằm đảm bảo các vaccine thiết yếu đến được với tất cả trẻ em một cách kịp thời, không chỉ cho những trẻ em đã đến lịch tiêm chủng mà còn đến được với tất cả những trẻ em bị lỡ tiêm chủng do đại dịch.

Bà Rana Flowers - Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho hay: “Hàng năm, tiêm chủng cứu mạng sống của hàng triệu trẻ em trên toàn Thế giới. Chúng ta cần khắc phục những trở ngại trong tiêm chủng, nếu không trẻ em ở khắp nơi vẫn có nguy cơ bị mắc bệnh hoặc tử vong do các bệnh có thể phòng ngừa được. UNICEF và WHO tự hào vì đã hỗ trợ các nỗ lực nhằm đảm bảo rằng những trẻ em trên bị bỏ lỡ tiêm chủng trên khắp Việt Nam có thể được tiêm bổ sung khẩn cấp, đồng thời hỗ trợ cải thiện và khôi phục các dịch vụ tiêm chủng trở lại mức trước khi có đại dịch.”

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, Tiến sỹ Angela Pratt cho biết: "WHO chung tay với UNICEF hỗ trợ Bộ Y tế nhằm giúp trẻ em Việt Nam bắt kịp với lịch tiêm chủng định kỳ quan trọng. Chúng tôi hy vọng rằng số vaccine 5 trong 1 này sẽ được sử dụng để bảo vệ trẻ em tại những cộng đồng ở vùng sâu và khó tiếp cận nhất của Việt Nam.”

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) chuyển giao 590 tủ lạnh bảo quản vaccine cho Bộ Y tế. (Ảnh: PV/Vietnam+)

WHO đang nỗ lực để có thể đảm bảo rằng mọi trẻ em đã bỏ lỡ lịch định kỳ kể từ khi đại dịch bắt đầu đều được tiêm bù. Để thực hiện được điều này, Việt Nam cần các chiến dịch tiêm chủng bù cũng như nỗ lực củng cố hệ thống nói chung.

Tiến sỹ Angela Pratt cho biết WHO sẽ tiếp tục hợp tác với UNICEF và các đối tác khác để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, đảm bảo mọi trẻ em ở mọi miền của đất nước đều được tiêm chủng định kỳ đầy đủ, ở thời điểm hiện tại và cả trong tương lai.

Vấn đề đảm bảo vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng là nhiệm vụ rất quan trọng của ngành y tế. Trong nhiều năm qua, Bộ Y tế đã triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng với 10 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em và phụ nữ trong cả nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục