Nghiên cứu khoa học y học phục vụ nhu cầu thiết yếu của xã hội. Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, việc định hướng các nghiên cứu y học phải ưu tiên các lĩnh vực có tác động lớn đến sức khỏe cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại Hội nghị khoa học với chủ đề Nghiên cứu và ứng dụng trong y học, do Tổng hội Y học phối hợp cùng Bộ Y tế tổ chức ngày 23/10 tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh hiện nay Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng kép về mô hình bệnh tật, đó là bệnh truyền nhiễm mới nổi và bệnh không lây nhiễm như ung thư, đái tháo đường, tim mạch... Đáng lưu ý, các ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tỷ lệ tới 84%. Do vậy, các nghiên cứu y sinh cần tập trung vào các bệnh dịch, sức khỏe dân số, quản lý bệnh tật và phát triển các phương pháp điều trị mới.
Nobel Y Sinh 2023 vinh danh 2 nhà khoa học nghiên cứu công nghệ mRNA
Bên cạnh đó, việc ứng dụng các tiến bộ của công nghệ trong y học là vô cùng cấp thiết. Bởi hiện nay sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ thông tin, đang mở ra những cơ hội mới cho y học.
"Định hướng phát triển y học tại Việt Nam cần chú trọng đến việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến này trong nghiên cứu, chẩn đoán và điều trị bệnh. Công nghệ sinh học đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu dược phẩm, phát triển các loại vaccine và liệu pháp điều trị cá thể hóa, trong khi AI có tiềm năng lớn trong việc hỗ trợ chẩn đoán nhanh và chính xác," ông Thuấn nói.
Chính vì vậy, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn khẳng định Bộ Y tế luôn cam kết đồng hành cùng các nhà khoa học, các bệnh viện và tổ chức y tế trong sứ mệnh chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Phó giáo sư Nguyễn Thị Xuyên - Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam nhấn mạnh y học dựa bằng chứng ngày càng trở nên phổ biến và có vai trò quan trọng trong thực hành điều trị của các nhà lâm sàng, lĩnh vực dự phòng cũng như trong lĩnh vực hoạch định, xây dựng chính sách y tế. Đây là phương pháp tiếp cận sử dụng kết quả từ các nghiên cứu lâm sàng, chia sẻ các mô hình thực hành, đánh giá kinh tế y tế trong việc đưa ra các quyết định nhằm nâng cao chất lượng điều trị, dự phòng chăm sóc sức khoẻ và nâng cao hiệu quả quản lý bệnh nhân.
Trong những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế nói chung và y dược học nói riêng đã đóng góp rất lớn đưa nền khoa học y học Việt Nam tiếp cận với thế giới, mang lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa xã hội sâu sắc ở nhiều lĩnh vực...
“Trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng, trình độ khoa học công nghệ lĩnh vực y tế, đến nay Việt Nam đã và đang trở thành một trong các điểm nghiên cứu quan trọng, tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trên thế giới, tham gia vào chương trình phát triển lâm sàng toàn cầu trên nhiều lĩnh vực với sự đóng góp nhiều đối tượng cho các nghiên cứu bản lề, đặc biệt là các nghiên cứu và ứng dụng trong y học thực hành,” Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam khẳng định.
Hội nghị ngoài phiên toàn thể có 5 phiên chuyên đề về các nội dung: Chuyên đề Bệnh ung thư, chuyên đề hô hấp, chuyên đề bệnh khớp, chuyên đề bệnh sản phụ khoa, chuyên đề về bệnh da liễu. Hội nghị sẽ nghe và thảo luận về 26 bài trình bày của các báo cáo viên là các chuyên gia đầu ngành đến từ Tổng hội Y học Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy; Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Hà nội; chuyên gia của Trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Dược Hà Nội...
Bên cạnh đó, hội thảo cũng là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, cán bộ y tế tiếp tục cập nhật kiến thức y khoa, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn từ nghiên cứu y học đến thực hành ứng dụng trong chẩn đoán, điều trị và dự phòng các bệnh./.