Quá tải bệnh viện là thực trạng đã tồn tại rất nhiều năm, gây tác động tiêu cực tới hiệu quả sử dụng nguồn lực cho chăm sóc sức khỏe. Thời gian qua, ngành y tế đã có một đề án chuyên biệt về giảm quá tải bệnh viện (ở Quyết định số 93 TTg năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ), trong đó đã xác định nhiều giải pháp khá đồng bộ để giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện. Nhờ vậy, tình trạng quá tải bệnh viện đã được cải thiện dần trong những năm gần đây, tuy nhiên chúng ta cần nhiều thời gian để giải quyết tình trạng này một cách triệt để.
Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế), Giám đốc Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở có những phân tích tóm lược từ cách nhìn hệ thống về nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện nhằm bổ sung cho những đánh giá mang tính truyền thống trước đây.
Vẫn còn tình trạng cạnh tranh thu hút bệnh nhân
- Tình trạng quá tải bệnh viện có những tác động phức tạp không chỉ tới hiệu quả của hệ thống y tế mà còn ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người bệnh. Bà có thể phân tích, những nguyên nhân cơ bản dẫn tới việc quá tải bệnh viện?
Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng: Quá tải bệnh viện thực chất là quá tải tại các bệnh viện tuyến cuối, là tình trạng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân vượt quá khả năng chịu tải của các bệnh viện. Đối với dịch vụ nội trú là tỷ lệ sử dụng giường bệnh nội trú và tỷ lệ giường nằm ghép, đối với dịch vụ ngoại trú là lưu lượng và thời gian chờ đợi của người khám chữa bệnh ngoại trú.
"Rà soát giảm thiểu các thủ tục hành chính gây phiền hà đối với người bệnh"
Bộ trưởng Y tế yêu cầu các bệnh viện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong triển khai thực hiện các quy trình khám, chữa bệnh; rà soát giảm thiểu các thủ tục hành chính...
Tình trạng quá tải bệnh viện được đánh giá là hậu quả của sự kết hợp của hai nhóm nguyên nhân chính, đó là sự thiếu hụt năng lực cung ứng dịch vụ y tế tuyến cuối so với nhu cầu thực tế và sự gia tăng quá mức nhu cầu dịch vụ y tế tuyến cuối.
Phân tích trên bình diện chuỗi chăm sóc sức khỏe, để đáp ứng một cách tối ưu nhu cầu của người dân, chuỗi chăm sóc sức khỏe cần được thiết lập và vận hành hiệu quả. Những thống kê về phân tích về nhu cầu chăm sóc sức khỏe gần đây đã cho thấy chỉ khoảng 20% người dân bị bệnh cần phải nhập viện (trong đó 15% chỉ cần điều trị ở mức độ cơ bản và chỉ 5% là bệnh nặng cần điều trị ở mức độ chuyên sâu), còn lại 80% người dân bị mắc bệnh nhẹ hoặc chưa có bệnh chỉ cần các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Tình trạng quá tải bệnh viện tuyến cuối xảy ra khi chuỗi chăm sóc sức khỏe hoạt động thiếu hiệu quả. Bên cạnh hệ thống chuyển tuyến hiện được đánh giá thiếu hiệu quả, sự cạnh tranh thu hút bệnh nhân trong nội bộ hệ thống y tế (tuyến trên hút bệnh nhân của tuyến dưới) vẫn là tình trạng tương đối phổ biến.
Những vấn đề tồn tại trong chuỗi chăm sóc sức khỏe đã khiến hệ thống y tế trở nên thiếu cân bằng...
Đặc biệt, những vấn đề tồn tại trong chuỗi chăm sóc sức khỏe đã khiến hệ thống y tế trở nên thiếu cân bằng, cung ứng dịch vụ phân mảnh và dựa quá nhiều vào hệ thống bệnh viện. Sự quá tải tại các bệnh viện tuyến cuối và sự hoạt động dưới công suất của hệ thống y tế cơ sở là những biểu hiện rõ của sự mất cân bằng này, hậu quả là hiệu quả sử dụng nguồn lực chung của hệ thống y tế cũng như tác động tới việc cải thiện sức khỏe cộng đồng dân cư bị giảm sút.
Tình trạng quá tải bệnh viện có những tác động phức tạp tới từng thành tố của hệ thống y tế cũng như tới hiệu quả hoạt động chung của hệ thống y tế. Đối với các bệnh viện tuyến cuối, tình trạng quá tải gây ra những tác động hai chiều, vừa tiêu cực vừa tích cực đối với hoạt động của bệnh viện. Đối với hệ thống y tế cơ sở, tình trạng quá tải bệnh viện tuyến cuối, thường đi kèm theo sự hoạt động thiếu công suất của hệ thống y tế cơ sở.
Do vậy, đứng trên tư duy hệ thống, để giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện, chúng ta cần các giải pháp mang tính điều chỉnh hệ thống nhằm tái lập sự cân bằng hợp lý giữa các thành tố trong chuỗi chăm sóc sức khỏe cũng như kiến tạo sự tương tác hiệu quả giữa các thành tố này.
Nỗ lực kép để giảm tải
- Phó giáo sư có thể phân tích rõ hơn những giải pháp nhằm khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện?
Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng: Để giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện, chúng ta cần đạt được sự cân bằng tối ưu giữa cung và cầu dịch vụ y tế tuyến cuối. Điều này đồng nghĩa với việc thực hiện nỗ lực kép, vừa gia tăng nguồn cung dịch vụ tuyến cuối để theo kịp sự gia tăng cầu thực vừa đồng thời hạn chế sự gia tăng quá mức cầu dịch vụ y tế tuyến cuối.
Để gia tăng nguồn cung dịch vụ y tế tuyến cuối một cách hợp lý, theo tôi đó là việc trước hết cần đánh giá thực trạng cũng như dự báo xu hướng gia tăng về nhu cầu dịch vụ y tế tuyến cuối. Trên cơ sở đó, thực hiện các nỗ lực cải thiện nguồn cung dịch vụ y tế tuyến cuối bằng cách mở rộng danh sách các bệnh viện thực hiện chức năng tuyến cuối, tăng tỷ trọng các dịch vụ chuyên sâu tuyến cuối tại các bệnh viện tuyến tỉnh vốn hiện mới chỉ đảm nhận chức năng chăm sóc cơ bản, tăng quy mô giường bệnh của các bệnh viện thực hiện chức năng tuyến cuối.
Để hạn chế sự gia tăng quá mức cầu dịch vụ y tế tuyến cuối, cần có những nỗ lực mang tính hệ thống theo đó cần tăng cường các can thiệp dự phòng chủ động và nâng cao sức khỏe, tăng cường năng lực toàn diện của mạng lưới y tế cơ sở, mở rộng quy mô và tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe cơ bản (cơ sở y tế tuyến tỉnh), thiết lập hệ thống phân tuyến kỹ thuật và hệ thống chuyển tuyến hiệu quả, tăng cường công tác truyền thông thay đổi hành vi…
Để giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện chúng ta cần thiết lập chuỗi chăm sóc sức khỏe toàn diện, với sự cần bằng tối ưu giữa chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc sức khỏe cơ bản và chăm sóc sức khỏe chuyên sâu.
Xét trên bình diện chuỗi chăm sóc sức khỏe, để giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện chúng ta cần thiết lập chuỗi chăm sóc sức khỏe toàn diện, với sự cần bằng tối ưu giữa chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc sức khỏe cơ bản và chăm sóc sức khỏe chuyên sâu. Như vậy, các nỗ lực cần tập trung giải quyết tình trạng hệ thống y tế thiếu cân bằng, cung ứng dịch vụ phân mảnh và dựa quá nhiều vào hệ thống bệnh viện. Điều này có nghĩa các can thiệp ưu tiên không chỉ giới hạn ở hệ thống bệnh viện tuyến cuối mà còn cần được thực hiện đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe cơ bản, hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng như tác động tới mối liên kết giữa các thành tố này.
Theo cách nhìn nhận này, chúng ta cần định dạng lại chuỗi chăm sóc sức khỏe theo 3 cấp độ, xác định rõ chức năng và phạm vi dịch vụ cốt lõi của từng cấp độ chăm sóc, giảm không gian trùng lặp giữa các cấp độ chăm sóc để giảm thiểu nguy cơ cạnh tranh bệnh nhân. Để đảm bảo hệ thống cung ứng dịch vụ y tế (tổ chức theo 3 cấp độ chăm sóc: ban đầu, cơ bản và chuyên sâu) được nâng cấp và đổi mới nhằm đáp ứng hiệu quả nhu cầu chăm sóc sức khỏe ở từng cấp độ, theo đó các cơ sở y tế cần tập trung vào các chức năng và phạm vi dịch vụ cốt lõi đã được xác định.
Như vậy, đối với mỗi cấp độ chăm sóc các can thiệp ưu tiên cần đồng thời chú trọng tới việc nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ y tế phù hợp với chức năng cốt lõi và giảm thiểu việc cung ứng dịch vụ y tế không phù hợp (các dịch vụ y tế thuộc phạm vi cốt lõi của cấp độ chăm sóc khác)…
Để thực hiện các giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện, chúng ta có thể sử dụng 3 nhóm công cụ chính, bao gồm công cụ quản trị, công cụ tài chính và công cụ kỹ thuật.
- Theo bà, trong quá trình thực hiện những giải pháp trên có những khó khăn gì mà chúng ta cần khắc phục?
Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng: Việc cung ứng các dịch vụ bệnh viện theo mô hình hiện tại (cung ứng dịch vụ cho những cả đối tượng đáng lẽ chỉ cần tới những dịch vụ y tế cơ bản được cung ứng tại tuyến dưới) mang lại cho hệ thống bệnh viện nhiều lợi ích về doanh thu, lợi nhuận.
Như vậy việc chuyển đổi mô hình cung ứng dịch vụ mới sẽ đòi hỏi các bệnh viện từng bước từ bỏ một phân đoạn thị trường dịch vụ đầy hứa hẹn về nguồn thu và lợi nhuận tài chính và do vậy sẽ tạo ra thách thức thích ứng không dễ vượt qua. Điều này có nghĩa, bên cạnh lộ trình thực hiện hợp lý, những giải pháp mang tính thỏa hiệp trong giai đoạn chuyển đổi có thể cần được tính tới. Chẳng hạn, như việc đảm bảo các bệnh viện vẫn nhận được một phần doanh thu và lợi nhuận khi hỗ trợ (kỹ thuật và quản lý) chuyển giao việc cung ứng các dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú xuống tuyến dưới.
Việc chuyển đổi mô hình cung ứng dịch vụ mới sẽ đòi hỏi các bệnh viện từng bước từ bỏ một phân đoạn thị trường dịch vụ đầy hứa hẹn về nguồn thu và lợi nhuận tài chính và do vậy sẽ tạo ra thách thức thích ứng không dễ vượt qua.
Một khó khăn nữa, đó là quan điểm khác nhau về cách nhìn nhận giữa nhà quản lý y tế và cơ quan bảo hiểm y tế trong đầu tư cho y tế cơ sở với các nhà quản lý y tế, những ưu đãi về tài chính y tế, đặc biệt liên quan tới thanh toán bảo hiểm y tế là điều kiện cần có trước để đảm bảo nâng cao năng lực mạng lưới y tế cơ sở. Tuy nhiên, cơ quan bảo hiểm y tế thường có quan điểm ngược lại, mạng lưới y tế cơ sở cần được minh chứng đảm bảo năng lực mới đủ điều kiện nhận ưu đãi về tài chính y tế. Trong trường hợp này, các hoạt động vận động sự ủng hộ cần được thực hiện một cách có hiệu quả để hai bên tìm được sự hiểu biết chung, từ đó đi tới những lựa chọn có thể chấp nhận được.
Xin trân trọng cảm ơn Phó giáo sư!