Thanh Hóa: Số ca mắc bệnh sởi liên tục tăng, nguy cơ bùng phát dịch

Chỉ tính riêng trong tuần đầu của tháng 10/2024, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận các ổ dịch cộng đồng ở thành phố Sầm Sơn, huyện Thường Xuân và Bệnh viện Nhi Thanh Hóa với gần 40 ca mắc sởi.

Nhân viên y tế tiêm vaccine cho trẻ. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)
Nhân viên y tế tiêm vaccine cho trẻ. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Tại Thanh Hóa, số ca sốt phát ban nghi sởi tăng đột biến, gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Hiện, ngành Y tế Thanh Hóa chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường kiểm soát lây nhiễm sởi trong cơ sở khám, chữa bệnh, đồng thời triển khai tiêm phòng vaccine đầy đủ cho người dân.

Khoa Nội lây-Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân đang điều trị cho 4 bệnh nhi mắc sởi, trong đó có 3/4 bệnh nhi có kết quả xét nghiệm IgM (+).

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân Nguyễn Thành Thắng cho biết: Các bệnh nhi nhập viện đều có bệnh lý nền đi kèm hoặc chưa kịp tiêm vaccine. Ngay sau khi tiếp nhận, Bệnh viện đã tổ chức cách ly, điều trị tại phòng riêng thuộc khoa Nội lây. Hiện, sức khỏe các bệnh nhi ổn định. Từ ngày 12/10 đến nay, hệ thống không ghi nhận thêm bệnh nhân mắc và nghi mắc mới.

Tương tự tại thành phố Sầm Sơn, đến thời điểm này đã ghi nhận 11 ca sốt phát ban nghi sởi có yếu tố dịch tễ liên quan. Các bệnh nhi nhập viện điều trị tại khoa Nhi, khoa Nội lây thuộc Bệnh viện Đa khoa thành phố Sầm Sơn. Trong đó, có 8/11 trường hợp có mối quan hệ gia đình, lây lan do tiếp xúc gần và tiếp xúc với 1 bệnh nhân được xác định mắc sởi trước đó.

Hiện, sức khỏe của các bệnh nhi mắc sởi đã ổn định, phục hồi tốt. Ngành Y tế thành phố Sầm Sơn cũng kịp thời triển khai các biện pháp giám sát, khoanh vùng dịch tại nơi sinh sống của các bệnh nhi.

Theo báo cáo của ngành Y tế Thanh Hóa, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng mạnh từ trung tuần tháng 9 đến nay. Chỉ tính riêng trong tuần đầu của tháng 10/2024, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận các ổ dịch cộng đồng ở thành phố Sầm Sơn, huyện Thường Xuân và Bệnh viện Nhi Thanh Hóa với gần 40 ca mắc sởi.

Các trường hợp mắc sởi chủ yếu từ 1-5 tuổi (chiếm 47%) và dưới 9 tháng tuổi (chiếm 21%). Đáng lưu ý, hầu hết các trường hợp mắc là các trẻ chưa được tiêm vaccine hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng với vaccine chứa thành phần sởi.

Bác sỹ Đỗ Văn Long, Phó trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Thanh Hóa là địa phương có số ca mắc sởi cao thứ 2 ở khu vực miền Bắc.

Nguyên nhân khiến số ca mắc sởi tăng nhanh là do thời tiết giao mùa Thu-Đông thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển. Đặc biệt, việc gián đoạn tiêm chủng trong 1 thời gian dài đã khiến tỷ lệ tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ trên địa bàn tỉnh chưa đạt yêu cầu về miễn dịch cộng đồng.

Đến nay, vaccine sởi đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêm chủng, do vậy, phụ huynh cần chủ động cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để chủ động phòng bệnh.

Trước nguy cơ bùng phát dịch sởi, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca mắc bệnh để điều trị kịp thời và khoanh vùng, kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời yêu cầu các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh rà soát lại cơ sở vật chất, bổ sung vật tư, hóa chất, cơ số thuốc sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân mắc sởi.

Các địa phương, đơn vị tổ chức hiệu quả chương trình tiêm chủng mở rộng; tiến hành rà soát và tiêm vét, tiêm bổ sung ngay vaccine phòng bệnh sởi cho những trẻ trong độ tuổi chưa được tiêm chủng đầy đủ theo quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục