Ngày 17/10, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2, Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị này đang đẩy nhanh số lượng các ca ghép tạng ở trẻ em, đặc biệt là ghép gan nhằm hạn chế số ca tử vong, tăng cơ hội sống cho trẻ mắc bệnh hiểm nghèo, tiến tới thành lập Trung tâm ghép tạng kỹ thuật cao khu vực phía Nam.
Bác sỹ Nguyễn Hồng Vân Khánh, Phó trưởng Khoa Gan Mật Tụy-Ghép gan, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, ca ghép tạng đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện vào năm 2004.
Đến nay, sau 20 năm, Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện 40 ca ghép gan và 32 ca ghép thận. Tuy số ca ghép tạng không nhiều nhưng có ý nghĩa lớn trong bảo toàn mạng sống cho bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo.
Hiện nay, nhu cầu chờ ghép tạng tại Bệnh viện Nhi đồng 2 rất cao với khoảng 100 ca chờ chỉ định ghép gan, 70 ca chờ ghép thận. Trung bình mỗi năm, Bệnh viện ghép được từ 6-8 ca ghép thận và 10-14 ca ghép gan. Do số trẻ cần ghép tạng nhiều nhưng khả năng của Bệnh viện có hạn nên mỗi tháng có khoảng 2 bé tử vong trong thời gian chờ ghép.
Do đó, đội ngũ y bác sỹ Bệnh viện luôn nỗ lực tăng tốc độ ghép gan. Thời gian gần đây, số lượng ca ghép tạng tại Bệnh viện Nhi đồng 2 được đẩy nhanh. Đơn cử, tháng 8 vừa qua, đơn vị thực hiện ghép gan cho 4 trường hợp, trong đó chỉ trong một tuần thực hiện liên tục 3 ca ghép gan.
Tiến sỹ, bác sỹ Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Gan Mật Tụy-Ghép gan, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, để thực hiện được liên tục 3 ca ghép gan trong một tuần đòi hỏi có sự phối hợp tốt trong công tác điều động nhân sự, mời chuyên gia hội chẩn, chuẩn bị trang thiết bị, phòng mổ, hồi sức tích cực, chăm sóc sau phẫu thuật…
Tất cả quy trình đều được chuẩn hóa. Đây cũng giống như cuộc tập dượt trước để phòng các trường hợp ghép gan cấp cứu cho nhiều trường hợp cùng lúc có thể xảy ra sau này.
Nhờ đẩy mạnh tốc độ ghép tạng trẻ em nên trong vài năm gần đây, nhiều trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo được cứu sống, trở về cuộc sống đời thường. Chị Trúc Thư (phụ huynh em Anh Giang, người được ghép gan 19 năm trước) chia sẻ, ngay từ khi con trai chị chào đời đã được chẩn đoán teo đường mật bẩm sinh và có chỉ định ghép gan.
Thời điểm đó, tại Việt Nam, việc ghép tạng chưa được thực hiện nhiều khiến gia đình rất lo lắng. Tuy nhiên, sau khi trao đổi với các bác sỹ, gia đình xác định ghép gan là cơ hội sống cuối cùng của con và trao niềm tin vào đội ngũ y bác sỹ. Nhờ vậy, đến nay, bé Anh Giang đã vào đại học, có cuộc sống bình thường như bao người khác.
Không chỉ tăng tốc về số lượng, Bệnh viện Nhi đồng 2 còn làm chủ nhiều kỹ thuật, mở rộng chỉ định ghép. Nếu trước đây, hầu hết các ca ghép gan là ở trẻ teo đường mật bẩm sinh dẫn đến xơ gan, suy gan, hiện nay, ghép gan cho trẻ suy gan còn xuất phát từ bất thường mạch máu. Sắp tới, Bệnh viện dự kiến ghép gan ở trẻ ung thư gan, trẻ suy gan cấp cứu.
Về chi phí ghép tạng, hiện nay, với mỗi ca ghép gan tại Bệnh viện Nhi đồng 2, gia đình bệnh nhi phải chi trả từ 300-500 triệu đồng. Chi phí này được bảo hiểm y tế thanh toán một phần.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, Bệnh viện kêu gọi sự chung tay của cộng đồng trong việc hỗ trợ các trường hợp ghép tạng có hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, theo các bác sỹ, cần có chính sách bảo hiểm chi trả nhiều hơn đối với trường hợp ghép tạng nhằm giảm chi phí cho gia đình người bệnh, tăng cơ hội sống cho bệnh nhi./.
Hoạt động của các trung tâm ghép tạng ở Việt Nam chưa hiệu quả
Đến nay, nước ta đã có hơn 7.800 người được ghép tạng; trong số đó chỉ có 0,15% nguồn tạng từ người cho chết não, chủ yếu từ người cho sống; tỷ lệ này trái ngược trái ngược với các nước phát triển.